Học du lịch ở đâu?

Học du lịch ở đâu?
TP - Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi năm cần phải tăng thêm khoảng 19.000 lao động qua đào tạo chuyên ngành Du lịch. Nhưng hiện nay cả nước chỉ có tất cả 70 cơ sở với số học sinh, sinh viên ra trường khoảng 13.000 người mỗi năm.

Vậy học sinh có thể học ngành này ở những trường nào?

Hiện nay, tại các trường ĐH công lập, Du lịch thường đơn thuần chỉ là một chuyên ngành nằm trong một ngành học khác như Quản trị kinh doanh, Địa lý… như: chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp khách sạn, du lịch (ngành Quản trị kinh doanh – ĐH Thương mại), chuyên ngành Địa lý Du lịch (khoa Địa lý - ĐH KHXH&NV TPHCM)…

Các khoa, ngành riêng lẻ gồm có: Khoa Quản trị kinh doanh – Du lịch (ĐH Hà Nội), Khoa Du lịch và khách sạn (ĐH Kinh tế quốc dân), Khoa Thương mại – Du lịch – Marketting (ĐH Kinh tế TPHCM)…

Điểm chuẩn của các ngành này tại các trường phía Bắc thường cao hơn phía Nam, mặc dù thị trường du lịch phía Nam luôn được đánh giá là sôi động hơn hẳn. Đơn cử: Du lịch (ĐH Hà Nội – 23 điểm), Quản trị doanh nghiệp Du lịch (ĐH Thương mại – 18 điểm), Địa lý (ĐHKHXH&NV TPHCM – 14 điểm), ĐH Kinh tế (xét chuẩn chung 21,5 điểm)…

Có thể nói, du lịch là “mảnh đất” mà các trường ĐH ngoài công lập rất chịu khó đầu tư. Nhiều trường đưa du lịch trở thành ngành học chủ lực.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, dù thí sinh muốn theo ngành bằng bất cứ con đường nào đi nữa, nhất thiết phải xác định rằng trong quá trình học mình hội tụ được một số yếu tố: Ngoại ngữ tốt, kiến thức căn bản về du lịch vững vàng, năng khiếu…

Khoa Du lịch của ĐH Văn Hiến được đầu tư theo hướng phối hợp giữa ba đối tượng: doanh nghiệp, khoa du lịch và sinh viên. Sinh viên học ngành Lữ hành được nâng cao hơn.

Chuyên ngành Quản trị khách sạn – Nhà hàng thuộc ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Văn Lang) đều thường xuyên đưa sinh viên đi kiến tập tại các khách sạn lớn như Rex, Continental, Majestic, Đồng Khánh…

Một điều khá thuận lợi cho thí sinh khi chọn những ngành này là các trường thường chỉ xét tuyển và có mức điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Các trường ngoài công lập tại TPHCM đang có giảng dạy ngành du lịch là: ĐH Văn Hiến, ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Lang, ĐH Hoa Sen…

Các trường đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu phải kể đến: CĐ Văn hóa nghệ thuật – Du lịch Sài Gòn, CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ Kỹ thuật khách sạn và du lịch, TH Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn…

Một lợi thế lớn của các trường này là bộ phận lãnh đạo thường xuất thân từ ngành du lịch, am hiểu về ngành du lịch và có quan hệ rất tốt với các doanh nghiệp chuyên về du lịch nên dễ kết nối với doanh nghiệp, giúp đỡ sinh viên thực hành được nhiều hơn.

Cần một cuộc đại cách mạng

Hiện nay, trước sự đòi hỏi bức thiết của nhu cầu xã hội, việc học và làm của những người được qua đào tạo ngành du lịch thường chia ra hai xu hướng: học ĐH, CĐ, TCCN chính quy và học thêm ngoại ngữ hoặc theo học ngoại ngữ tại một trường ĐH chính quy, rồi học thêm khóa học ngắn hạn về du lịch.

Mỗi xu hướng này đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Và cũng vì thế, ngành du lịch hiện nay có rất nhiều hướng dẫn viên không có bằng cấp cao nhưng ngoại ngữ tốt nên có thu nhập khá cao.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - GĐ Cty dã ngoại Lửa Việt - đánh giá: “Cả hai điều này hiện nay theo tôi đều có vấn đề.

Thứ nhất, đào tạo du lịch đang đào tạo… trên trời! Toàn là lý thuyết cả. Các em học chính quy ra, nhiều khi không biết làm gì cả.

Cũng như thế, nhiều em cử nhân ngoại ngữ ra trường, ra làm việc chỗ tôi chỉ biết đọc và dịch thôi chứ không biết nghe nói nữa. Các em này phải dẫn khách đi nhiều, học thêm ngoại ngữ một thời gian dài nữa.

Tất cả là do nội dung và phương pháp đào tạo của các ngành, khoa, trường du lịch hiện nay không tốt. Muốn cải thiện, nhất thiết các trường phải ngồi lại với nhau, làm nên một cuộc “đại cách mạng” mới thì còn có thể thay đổi tình hình được”.

MỚI - NÓNG