Học dưới... gốc cây

Học dưới... gốc cây
5 năm qua, thầy trò Trường tiểu học Vị Trung 2 (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) phải học “ké” hội trường Câu lạc bộ Văn hóa với diện tích chỉ khoảng 90m2 và không được cách âm.
Học dưới... gốc cây ảnh 1

Ngăn cách các lớp học là... một tấm vải, và thầy trò đã học như vậy từ 5 năm qua - Ảnh: Thanh Xuân (Tuổi Trẻ).

Thậm chí, cô và trò của trường phải luân phiên nhau học bằng cách một lớp học trong phòng, lớp còn lại học... ngoài sân dưới bóng cây bàng.

Một lớp đọc, cả trường cùng nghe

Đang say sưa nghe cô giáo giảng bài, bỗng học sinh (HS) lớp 3A bên cạnh đồng thanh đọc đoạn trích:“Con ong làm mật yêu hoa; Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời…” trong bài thơ Tiếng ru của Tố Hữu làm các em lớp 4A giật mình.

Tiết học bị khựng lại vì cô trò mất hứng. Cô trò lớp 4A và lớp 5A bên cạnh cũng nhăn mặt, lắc đầu. “Từ lâu rồi, hễ một lớp đồng thanh đọc là cả trường cùng nghe” - một giáo viên bức xúc.

Cô Vũ Thị Hồng Loan, giáo viên (GV) lớp 4A, nói: “Năm năm qua thầy trò trường chúng tôi phải học trong tình trạng lớp học chật chội và không được cách âm. Học trò đang học trong lớp có thể nghe rõ giọng GV từ các lớp khác. Nhiều khi đang đọc bài cho HS viết chính tả hoặc dạy HS cách phát âm thì lớp bên cạnh lại đọc đồng thanh.

Không khí hội trường đã loãng lại ồn ào, HS không nghe rõ giọng GV nên viết sai chính tả và phát âm sai rất nhiều. Bản thân GV muốn nhận xét, chỉnh sửa các em cũng rất khó”.

Cũng theo lời cô Loan, việc HS than phiền: “Cô ơi ồn ào quá. Em không nghe rõ” là thực trạng rất phổ biến hằng ngày tại trường mà không sao khắc phục được.

Quan sát nơi học của thầy trò Trường tiểu học Vị Trung 2, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vách tường ngăn các lớp học chỉ là... một tấm vải xanh và một miếng ván. Thử hỏi làm sao mà cách âm được!

Cô Châu Thị Hoàng Oanh, GV lớp 5A, cho biết nhiều khi GV phải nói lớn giọng để lấn át giọng đồng thanh từ các lớp bên cạnh cho HS lớp mình nghe rõ nên sau giờ học nhiều thầy cô bị đau cổ họng.

Còn em Trần Thị Bích Liễu, HS lớp 4A, cho biết: “Các bạn lớp kế bên đọc bài to quá nên nhiều khi cô giáo đọc bài tụi em không nghe được, nhiều bạn rất khó tiếp thu bài”.

Em Lâm Như Ý, HS lớp 5A, than phiền: “Ồn quá, nhiều bạn không thể tập trung suy nghĩ viết bài làm văn tốt nên bị điểm kém. Có hôm nhiều bạn than nhức đầu không chịu nổi phải xin cô cho về sớm”.

Chưa biết bao giờ mới có trường

Thầy Châu Phước Đại, hiệu trưởng trường, cho biết, sau khi chia tách hành chính từ năm 1999 thì Trường tiểu học Vị Trung 2 là một điểm lẻ.

Dự án kiên cố hóa trường lớp từ cấp trên đã có nhưng do  kinh phí cao nên nhiều năm qua dự án chậm triển khai.

Trường tiểu học Vị Trung 2 hiện có bảy lớp với 198 HS. Diện tích hẹp nên chỉ ngăn được ba phòng. Buổi sáng có 4 lớp, trường không thể bố trí các em vào 3 phòng học, đành phải xếp hai lớp mẫu giáo (do thiếu trường lớp nên phải ghép chung) luân phiên đổi chỗ cho nhau.

Một lớp học trong phòng, lớp còn lại học ngoài sân mà theo lời thầy Châu Phước Đại - hiệu trưởng trường - thì: “Ngày nào cũng phải đổi, đổi quanh năm”.

Nắng thì các em trú ngụ dưới bóng cây bàng, còn mưa thì thầy trò chỉ biết xúm nhau chạy vào hội trường. “Bất đắc dĩ nhà trường mới phải bố trí cho HS mẫu giáo học như thế” - cô Loan chia sẻ.

Thầy Đại cho biết: “HS đăng ký học tại trường ngày một đông. Trong khi trường không thể phân bổ các em học ca ba vì trái với qui định của Bộ GD-ĐT”.

Hiện ban giám hiệu trường cũng phải tá túc tại phòng truyền thanh của trụ sở văn hóa xã để làm việc. Do mượn nhờ nhà văn hóa xã nên trường không thể tùy tiện xây tường để cách âm giữa các lớp và chuyện thầy trò trường phải nghỉ học giữa chừng, sau đó học bù để nhường hội trường cho các hội nghị lớn của xã là chuyện phải chấp nhận vì phận “học ké, học nhờ”.

Thầy Nguyễn Văn Út, chủ tịch công đoàn trường, cho biết khó khăn là vậy nhưng nhiều năm qua thầy trò cũng cố gắng vượt qua. Tuy nhiên về lâu dài thì không biết thế nào.

Thấy HS không có trường để học, ba năm qua ông Huỳnh Hữu Đông, một người dân trong xã, đã hiến 2.300m2 đất để xây trường. Nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới dừng lại ở việc bơm cát vào khu đất.

Nhiều thầy cô của trường cho biết chính quyền cũng có quan tâm, cũng khảo sát, đo vẽ, lập hiện trạng nhưng đến khi nào trường mới được xây thì... bó tay.

Đến khi nào thầy trò Trường tiểu học Vị Trung 2 mới có chỗ học ổn định? Câu hỏi đầy bức xúc trên vẫn còn treo lơ lửng.

Theo Thanh Xuân
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.