Học ngoại ngữ, đừng học kiểu “nhà quê”

Học ngoại ngữ, đừng học kiểu “nhà quê”
Đó là ý kiến của ThS Lê Thanh Dũng - trưởng khoa tiếng Anh – ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Học kiểu “nhà quê” là loại học theo phong trào, không có mục đích!
Học ngoại ngữ, đừng học kiểu “nhà quê” ảnh 1

Thưa thầy, có ý kiến cho rằng hiện nay tồn tại một cách dạy và học ngoại ngữ theo kiểu “nhà quê”. Đôi khi một người có ý định đi du học tại Mỹ nhưng lại đua theo bạn bè tìm đến một trung tâm thuần “Anh-Anh”. Ngược lại, các trung tâm chỉ dạy học kiểu a,b,c cũng gán cho mình mác “giáo viên danh tiếng” để hút khách. Thầy nghĩ sao về điều này?

Gần mười năm trở lại đây, các trung tâm ngoại ngữ lớn nhỏ đã mở ra “trăm hoa đua nở”. Mặt tích cực của nó là đáp ứng được nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng của số đông, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh. Nhưng lại nảy sinh vấn đề bất cập ở một số không nhỏ trung tâm.

Xu hướng thương mại hoá đã làm các trung tâm đặt lợi ích tối thượng là thu hút càng nhiều học viên càng tốt. Họ không quan tâm đến chất lượng giảng dạy mà chỉ chú trọng khâu quảng cáo tiếp thị, với những chiêu quảng cáo rất kêu, thậm chí lộng ngôn.

Nắm bắt được tâm lý sùng ngoại, họ thuê cả những người chỉ là Tây ba lô, khách vãng lai có cái mác bản ngữ mà không cần bằng cấp hay nghiệp vụ sư phạm. Có nơi còn lừa bịp bằng cách tự ý trưng biển gắn với tên các tổ chức uy tín hay giảng viên nổi tiếng.

Cũng vì lý do đó, từ năm 1995 đến nay, để bảo vệ thương hiệu và uy tín, trường ĐHNNHN kiên quyết từ chối bảo trợ cho các trung tâm ngoại ngữ tư nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

Bản thân tôi trong một dịp công tác tại Đà Nẵng đã sững sờ khi thấy tên mình và thầy Nguyễn Quốc Hùng MA có trong tờ rơi quảng cáo của một trung tâm. Lần khác vào Sài Gòn, chúng tôi đã phì cười trước một cơ sở đào tạo tự xưng là “Trường ngoại ngữ không gian” độc quyền phương pháp phản xạ.

Phương pháp này không hề mới vì đã có từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, không thể áp dụng máy móc. Những điều trên chỉ gây ra sự nhiễu thông tin đối với người học khiến họ khó khăn trong việc nhận ra đâu là nơi thực sự chất lượng.

Chức năng đào tạo luyện thi các chứng chỉ quốc tế như Toefl hay Ielts đã trở thành mốt quảng cáo của các trung tâm. Có thể tin tưởng được không, thưa thầy?

Điều này cũng giống khi đăng ký kinh doanh, người ta thường cố tình thêm vào đó một vài chức năng hoặc mặt hàng kinh doanh để đỡ mất công xin thêm. Tôi cho rằng trong 10 trung tâm ngoại ngữ hiện nay đăng quảng cáo luyện toefl hay ielts, toeic thì chỉ có khoảng 3 trong số đó là có khả năng thực hiện tốt chức năng này.

Bởi lẽ như bạn đã biết những chứng chỉ quốc tế kể trên đòi hỏi phải có những giáo viên thực sự có kinh nghiệm và bám sát những thông tin về cách thức thi vốn thay đổi từng ngày.

Ví dụ như thi Toefl hiện nay đã thay đổi và đòi hỏi cao hơn đến kỹ năng nghe và nói với áp lực thời gian rất căng. Ngay trong trường ĐHNNHN, chúng tôi cũng chỉ có thể chọn được không quá 10 giảng viên có thể đủ năng lực để luyện thi các chứng chỉ này.

Vậy thì theo đánh giá của một nhà sư phạm, một địa chỉ dạy ngoại ngữ đáp ứng tốt cả nhu cầu của người học và người dạy sẽ như thế nào, thưa thầy?

Yếu tố quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp thể hiện trong ý thức xây dựng một thương hiệu. Cái TÂM thể hiện trong việc đặt lợi ích của người học ngang bằng thậm chí cao hơn lợi ích vật chất sẽ giúp các cơ sở đào tạo ngoại ngữ thành công trong việc gây dựng được uy tín. Chất lượng không thể hiện ở cửa kính sáng choang, giáo trình hay máy móc hiện đại mà ở chính năng lực và phương pháp giảng dạy  của người thầy. Mỗi lớp học nên được phân chia theo trình độ thông qua một bài test đầu vào với số lượng học viên không quá 30 người/lớp.

Nếu có một lời khuyên cho những người có nhu cầu học ngoại ngữ thực sự, không phải theo phong trào, thầy sẽ tư vấn như thế nào?

Nếu đó là những người thực sự muốn học và sử dụng ngoại ngữ, tôi nghĩ họ nên đầu tư để học một khoá học tại các cơ sở có uy tín lâu năm. Dù học phí ở đó có thể cao nhưng học một lần với hiệu quả cao còn hơn mất nhiều thời gian và công sức để lai rai học nhiều cua rẻ tiền mà kém chất lượng.

Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài những trung tâm lớn như British Council hay Language Link thì một số cơ sở của ĐHSPNN hay ĐH KTQD mở ra cũng là những điểm đến khá tốt. Như vậy các bạn sẽ hạn chế được việc phải học kiểu tiếng Anh “nhà quê” như bạn nói trên.

Xin cảm ơn thầy!

Theo Minh Anh
SVVN

MỚI - NÓNG