Học phí lại “xé rào”!

Học phí lại “xé rào”!
Nhiều trường đại học ngoài công lập thu học phí cao hơn mức đã cam kết trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, còn ĐH công lập thu vượt ngưỡng học phí quy định của Nhà nước. Sinh viên bức xúc trước thực tế nói một đằng, thu một nẻo.

Với 15,5 điểm thi ĐH, V.Mão (Nghệ An) dự định nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Dân lập Văn Lang TP.HCM. Tìm hiểu trong cuốn Những điều cần biết..., bạn biết trường có “mức học phí dự kiến 8 - 9 triệu đồng/năm”. Tuy nhiên, khi Mão vô trang thông tin của trường tại địa chỉ http://tuyensinh.vanlanguni.edu.vn, học phí của khóa nhập học 2009 cho ngành thấp nhất đã là 8,8 triệu đồng, các ngành còn lại dao động từ 9,4 - 10 triệu đồng/năm.

Mão băn khoăn: “Ngành tôi dự định xét tuyển (kế toán) có học phí 9,8 triệu đồng/năm, cao hơn 800.000 đồng so với mức trường công bố. Trước đó, gia đình tôi đã lên kế hoạch cho các khoản học phí, ăn, ở, sinh hoạt ở thành phố trong một năm, giờ lại phát sinh một khoản so với dự trù ban đầu...”.

Tiến sĩ Nguyễn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Văn Lang TP.HCM, cho biết có sự chênh lệch trên là do thời điểm trường công bố học phí (tháng 2/2009) cách thời điểm năm học mới khá lâu nên trường chỉ đưa ra mức dự kiến.

“Sau khi căn cứ tình hình vật giá, cân đối chi thu trong trường về đầu tư cho nhiều hạng mục dạy học như thay mới toàn bộ bàn ghế các phòng học tại cơ sở Nguyễn Khắc Nhu (Q.1, TP.HCM), đầu tư thiết bị cho các phòng máy tính, thí nghiệm, thư viện, giáo trình, tập huấn giảng viên..., nhà trường mới đưa ra mức học phí chính thức” - Tiến sĩ Dũng nói.

Tương tự, nhiều thí sinh khi tìm hiểu xét tuyển NV2 cũng không khỏi giật mình trước mức học phí Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thông báo thu cao hơn mức trường này công bố trong cuốn Những điều cần biết... gần 1 triệu đồng/năm.

Trong cuốn Những điều cần biết..., trường này đưa ra mức học phí “sẽ nằm trong khoảng 4 - 4,3 triệu đồng/học kỳ”. Tuy nhiên, theo “thông báo học phí năm học 2009 - 2010”, học phí các ngành dao động từ 8,8 - 9,3 triệu đồng/ năm. Chưa kể những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu đóng học phí bốn lần/năm, sẽ phải gánh thêm 400.000 đồng so với đóng một lần cả năm.

Chẳng hạn, ngành thiết kế nội thất - thời trang nếu đóng một lần cả năm là 9,3 triệu đồng, trong khi theo cam kết trước đây chỉ có 8,6 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đắc Lộc, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, năm học 2009 - 2010, học phí của trường tăng so với năm trước 12% nhưng lại khẳng định không cao hơn mức công bố ở cuốn Những điều cần biết... “Mức học phí nói trên, trường thu của sinh viên các khóa 2005, 2006, 2007” - ông Lộc nói.

Học phí 6 triệu đồng/năm cho sinh viên tất cả các ngành... là mức mà Trường ĐH Dân lập Lạc Hồng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) công bố trong cuốn Những điều cần biết...

Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau (ngày 20/6/2009), Tiến sĩ Trần Hành, hiệu trưởng nhà trường, lại ký “thông báo về lộ trình học phí đến năm 2011”, trong đó nêu rõ “học phí sẽ tăng so với năm cũ 500.000 đồng”. Như thế, năm học này, sinh viên Trường ĐH Dân lập Lạc Hồng sẽ đóng học phí 6,5 triệu đồng thay vì 6 triệu đồng/năm như trường đã công bố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bước vào năm học 2009 - 2010, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều đưa ra một khung học phí mới, tăng 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vượt “trần” trên 1,1 triệu đồng

Bước vào kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009, để tránh trường hợp người học rơi vào thế “cưỡi lên lưng cọp”, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH-CĐ ngoài công lập phải công khai học phí trong cuốn Những điều cần biết... để thí sinh có thể cân nhắc, chọn trường phù hợp điều kiện tài chính gia đình.

Theo quy định mới của Chính phủ, từ năm học 2009 - 2010, mức học phí đối với đại học sẽ từ 50.000 - 240.000 đồng/tháng/sinh viên. Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH công lập đều đưa ra mức học phí “kịch trần” 240.000 đồng/tháng/SV (2,4 triệu đồng/năm). Thậm chí, có trường đưa ra mức học phí vượt “trần”.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, từ ngày 26/6, tại tầng trệt nhà H dán thông báo: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc thu học phí theo quy định của Nhà nước, nhà trường cân đối mức thu học phí theo năm học 2009 - 2010”.

Mức học phí “nhà trường cân đối” là ĐH 110.000 đồng/tín chỉ (riêng chuyên ngành ngoại ngữ 85.000 đồng/tín chỉ). Một sinh viên năm hai ngành công nghệ thông tin, cho biết, ngành học của mình được quy định phải tích lũy tối thiểu 130 tín chỉ mới đủ điều kiện tốt nghiệp. 130 tín chỉ cho bốn năm học thì trung bình 32,5 tín chỉ/năm. Với số tín chỉ ấy, trung bình một năm học phí là 3,575 triệu đồng. Vượt “trần” (2,4 triệu/năm) 1,17 triệu đồng.

Sinh viên quê Lâm Đồng này tính toán: “Học kỳ này, tôi đăng ký 18 tín chỉ nên học phí là 1,98 triệu đồng/học kỳ. Học kỳ sau nếu đăng ký thêm khoảng 15 tín chỉ nữa thì học phí là 1,65 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, tổng cộng cả năm tôi sẽ đóng học phí là 3,63 triệu đồng”.

Bạn T.Y., sinh viên năm cuối ngành kinh doanh quốc tế (khoa quản trị kinh doanh) của trường này, cho biết thêm: “Tôi thuộc diện chính sách nên được giảm 30% học phí nhưng học kỳ một năm học này (2009 - 2010) tôi phải đóng 1,56 triệu đồng/học kỳ, trong khi quy định học phí mới cho bậc ĐH chính quy là 1,2 triệu đồng/học kỳ”.

Bên cạnh học phí, sinh viên trường này còn có các khoản phí, lệ phí “thu chung cho các loại đối tượng” như thư viện 50.000 đồng/năm, thẻ sinh viên, sách giáo trình định hướng 50.000 đồng/năm...

Trong khi đó, tại Trường ĐH Cần Thơ, ban giám hiệu trường này quy định “mức học phí áp dụng từ năm học 2009 - 2010” cho bậc ĐH chính quy là 80.000 đồng/tín chỉ (tăng 20.000 đồng/tín chỉ so với năm trước).

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, trường xây dựng chương trình đào tạo bậc ĐH là 138 tín chỉ. Như vậy, trung bình một năm, sinh viên trường này sẽ học 34,5 tín chỉ và học phí sẽ là 2,76 triệu đồng/năm, cao hơn mức quy định 376.000 đồng.

Trường công lập tự chủ tài chính: tự thu, tự chi?

Ngày 1/9, nhiều thí sinh đến tìm hiểu học phí của Trường ĐH Mở TP.HCM (trường này chuyển từ bán công sang công lập tháng 6/2006) để làm đơn xét tuyển NV2. Một cán bộ tại phòng công tác Sinh viên cho biết: “Năm học 2009 - 2010, trường thu 85.000 đồng/tín chỉ và học phí của trường sẽ dừng lại ở mức 4 triệu đồng/SV/năm”.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM (ĐH bán công Marketing cũ) niêm yết học phí năm học 2009 - 2010 là 5,5 triệu đồng/SV/năm học cho các ngành đào tạo. Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu học phí 5 - 6 triệu đồng/năm tùy theo ngành đào tạo...

Đại diện các trường trên giải thích, do trường ĐH công lập tự chủ tài chính không được bất kỳ sự hỗ trợ nào về tài chính của Nhà nước như các trường ĐH công lập khác.

Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, trưởng phòng khoa học - công nghệ, hợp tác và sau ĐH Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Các khoản thu học phí trường dùng để chi trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm vật tư thiết bị, máy móc thực hành... Từ các khoản này trường cân đối thu chi để đưa ra mức học phí phù hợp”.

Theo Hà Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.