Học sinh bỏ học sau 'Hai không' là nằm trong dự kiến

Học sinh bỏ học sau 'Hai không' là nằm trong dự kiến
TP - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng học sinh bỏ học sau khi thực hiện phong trào “hai không” là nằm trong dự kiến. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức những lớp riêng bồi dưỡng cho học sinh yếu.
Học sinh bỏ học sau 'Hai không' là nằm trong dự kiến ảnh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói: Thực ra việc này (tình trạng học sinh bỏ học sau khi thực hiện “hai không”-PV) không nằm ngoài dự kiến. Bởi nếu các em học lớp 6, lớp 7 hay lớp 8, mà trình độ yếu quá, học tiếp không theo được thì các em sẽ nghỉ, vì các em học không có tác dụng.

Nhưng cần phải thấy như thế này, không phải nghỉ là nghỉ luôn. Hiện nay, qua giao ban tháng 10 của ngành GD&ĐT, nhiều địa phương cho biết, đã tổ chức cho các em học yếu vào lớp riêng, nói nôm na là “lớp chọn kiểu mới”, bởi nếu để các em học ở lớp thường thì không hiểu được.

Tùy nơi, sau khi bồi dưỡng kiến thức có thể 1 hoặc 2 tháng, mới cho các em trở lại lớp cũ. Đấy là một hướng.

Thứ hai là các em nếu không học hệ chính quy được, thì phải động viên để sang học hệ bổ túc. Còn nếu các em học trình độ khá hơn, đến hết lớp 9 rồi, lên trên học không nổi, thì động viên các em đi học nghề, đi làm.

Đặc biệt, năm nay việc học nghề thì điều kiện về kinh phí không còn khó khăn, chủ trương cho học sinh nghèo vay để học nghề đã được xử lý tốt. Về lâu dài, trách nhiệm của phụ huynh cũng phải suy nghĩ kỹ lại, nếu thấy con em mình không đạt trình độ thì không nên lên lớp trên, thà ở lại 1 năm học cho tốt thì ổn định hơn.

Ngành GD&ĐT cũng dự kiến hè năm tới còn bồi dưỡng nữa, hè năm nay có “lớp chọn” phải thi lần thứ hai, chứ năm sau là không thi nữa. Như vậy, hy vọng hai năm học với ba mùa hè có thể sắp xếp để điều chỉnh được cái đó.

Chưa có giải pháp kịp thời

Học sinh bỏ học sau 'Hai không' là nằm trong dự kiến ảnh 2
Ông Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội: Đúng như lời Bộ trưởng GD&ĐT nói, đây là hiện tượng có thể lường trước được.

Còn nhớ, khi Bộ trưởng tuyên bố tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, có thể thấy được câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng, phải nhìn nhận là chúng ta chưa có giải pháp kịp thời cho nên mới xảy ra hiện tượng hàng loạt học sinh bỏ học.

Có nhiều lý do. Trong đó lý do rõ nhất là các em học yếu; thứ hai là hoàn cảnh gia đình các em khó khăn; thứ ba là có phần tác động của việc “học thật, thi thật”.

Trước đây, ta cũng biết các em yếu, nhưng vì muốn giải quyết cho qua, để mong các em “có trình độ văn hóa nhất định”.

Những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra là đúng, nhưng phải có sự chỉ đạo thật cụ thể, chứ nếu chỉ nói rồi “buông” cho các địa phương, thì tôi sợ rằng các em không chỉ thất học mà tới đây còn thất nghiệp, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng báo động về tình trạng học sinh bỏ học tràn lan sau khi ngành GD & ĐT triển khai cuộc vận động “hai không”.

Cụ thể, ngay tại “đất học” Nghệ An, năm học 2007 – 2008, số học sinh bỏ học là gần 11.000 em. Tình trạng nêu trên, theo các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đang diễn ra ở Bắc Ninh, Kiên Giang, Phú Yên, Bắc Cạn, Điện Biên, Quảng Bình, Lâm Đồng...

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG