Học sinh đeo đèn pin trên đầu băng rừng đến trường từ 3h sáng

Vượt hàng chục cây số đường rừng để đến lớp. Ảnh: Kh.Uyên
Vượt hàng chục cây số đường rừng để đến lớp. Ảnh: Kh.Uyên
Mỗi ngày trẻ em ở huyện Cư M'gar (Đăk Lăk) phải buộc đèn pin trên đầu, băng rừng, lội suối trong màn đêm để kịp đến trường nuôi giấc mơ con chữ.

3h sáng, thôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar (Đăk Lăk) còn đen kịt màn đêm. Lù Thị Nguyệt (9 tuổi) lật đật tung mền chạy đi đánh răng, rửa mặt để kịp đến lớp. Trường tiểu học Mạc Thị Bưởi, nơi Nguyệt đang học lớp 4, cách trường gần 17 km nên em và các bạn trong thôn phải đi học từ thời điểm này.

"Những hôm trời mưa, đường trơn lắm, tụi con phải đi học sớm hơn", cô bé nói rồi choàng chiếc đèn pin như của các thợ mỏ lên đầu. Đầu ngõ lúc này đã có tiếng lọc cọc của xe đạp, í ới gọi nhau của nhóm trẻ trong thôn.

Học sinh đeo đèn pin trên đầu băng rừng đến trường từ 3h sáng ảnh 1

Gọi nhau đi học. Ảnh: Kh.Uyên.

Trên con đường đất đỏ rộng chừng 2 m xuyên rừng, tiếng cót két của những chiếc xe cũ kỹ phá vỡ không gian yên ắng của núi rừng. Gặp đoạn dốc đứng hay những con suối cắt ngang, cả nhóm xuống dắt bộ. Đến khu vực đầy khe, rãnh do nước lũ tạo thành, nhóm trẻ lại gồng người, lách tay lái để vượt qua.

"Đường khô đi còn dễ, mấy bữa trước trời mưa tụi con phải lội suối, nước cao tới lưng quần", Nguyệt quẹt mồ hôi ướt đẫm trán, nhoẻn miệng cười.

Trưởng thôn H’Mông Hoàng Văn Páo cho biết, thôn thành lập cách đây 15 năm khi đồng bào người Mông, Dao phía Bắc di cư vào. Tất cả gia đình tại đây chưa có hộ khẩu, đường giao thông, lưới điện. "Thôn gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài", ông nói.

Học sinh đeo đèn pin trên đầu băng rừng đến trường từ 3h sáng ảnh 2

Vượt suối đục ngầu trong đêm. Ảnh: Kh.Uyên.

Hiện có khoảng 150 học sinh tiểu học và THCS hàng ngày phải băng rừng, lội suối để đến các điểm trường. Trong đó học sinh đi học gần nhất là 4 km, xa nhất là hơn 17 km.

Ông Trương Văn Chỉ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar - cho biết, huyện đã xây một khu tái định cư cách đó 7 km nhưng bà con thôn H’Mông không chịu dời ra, họ không muốn xáo trộn cuộc sống.

"Địa phương đang đẩy nhanh việc xây dựng nhà văn hóa, trường học tại khu tái định cư. Trong khi chờ đợi, huyện vẫn duy trì các lớp học tại thôn H’Mông trong rừng để dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc. Sau khi xây dựng xong, hộ dân nào không di dời, huyện sẽ báo cáo lên cấp trên để trả về địa phương cũ", ông Chỉ nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG