Học sinh dựng tóc gáy vì bị dọa... thả vào thùng xốp

Học sinh TPHCM đang bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM trong buổi đối thoại.
Học sinh TPHCM đang bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM trong buổi đối thoại.
TPO - Một học sinh ở Quận Gò Vấp, TPHCM bị bạn giết hại và bỏ vào thùng xốp phi tang. Sau sự việc này, nhiều học sinh đã dùng hình ảnh thùng xốp để hù dọa khiến các bạn sợ hãi.

Ngày 28/3, học sinh ở TPHCM có buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố.

Bạo lực làm tổn thương tinh thần 

Đề cập đến vấn đề bạo lực học đường trong thời gian qua, Minh Uyên, học sinh trường THPT Phú Nhuận cho rằng, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ việc đánh đấm mà nguy hại hơn là làm tổn thương đến tinh thần của học sinh.

Dẫn chứng về trường hợp này, Minh Uyên cho biết, cách đây vài tháng, một học sinh ở Quận Gò Vấp bị bạn giết hại và bỏ vào thùng xốp phi tang. Sau sự việc này, nhiều học sinh đã dùng hình ảnh thùng xốp để hù doạ khiến các bạn sợ hãi. “Thậm chí, có bạn còn đưa ảnh thùng xốp và nói với bạn mình rằng “Có muốn bị bỏ vào thùng xốp không?”, Uyên kể.

Em Phan Gia Huy cho rằng: “Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đang là mô hình xã hội thu nhỏ, trong đó có nhiều học sinh lớn tuổi luôn nói tục, chửi thề khiến những học sinh khác bị ảnh hưởng. Do đó, cần có biện pháp để phòng ngừa”.

Nêu quan điểm về việc xử lý bạo lực học đường hiện nay còn nhiều bất cập, Võ Trâm Anh học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho rằng: “Bạo lực học đường đang bị xử lý nghiêm khắc mà thiếu đi việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại diễn ra”. Theo Trâm Anh, cần phải có giải pháp thích hợp thay vì đuổi hoặc bị đình chỉ học, để học sinh nhận ra sai lầm mà tâm phục khẩu phục, thay đổi.

Môn học Giáo dục công dân quá cao siêu

Trong khi đó, đề cập về môn học Giáo dục công dân, Mai Anh học sinh Trường THPT Lam Sơn cho rằng: “Dù đã chứng tỏ được giá trị khi đưa kì thi THPT quốc gia. Tuy nhiên học sinh đang phải học những kiến thức quá cao siêu, chưa thật sự phù hợp và đúng nghĩa với môn Đạo đức như lớp 10 phải học chủ nghĩa duy vật, duy tâm; lớp 11 lại học về giá trị hàng hoá…”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nhìn nhận những điều các em học sinh bức xúc không phải là vấn đề mới mà là vấn đề nóng của Nhà nước trong việc quản lý mảng xã hội. Do đó, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố đề nghị các trường tổ chức chuyên đề cho học sinh biết cách sử dụng mạng xã hội.  

“Các trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức nhiều hoạt động về âm nhạc, thể thao để học sinh tham gia, phát hiện kịp thời những nội dung tiêu cực để giải thích, uốn nắn các em kịp thời. Chính bản thân học sinh cũng cần học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, biết phản bác cái sai trái, xấu xa", ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG