Học sinh giỏi Sử đi đâu?

Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba môn Lịch sử diễn ra ngày 22/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN
Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba môn Lịch sử diễn ra ngày 22/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN
TP - Sau 5 năm đi vào hoạt động, Quỹ  Phát triển Sử học Việt Nam đã trao phần thưởng cho 897 học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử. Trong số này, có bao em theo Sử? Câu hỏi này ngay cả những người trong quỹ cũng không trả lời được.

Giỏi Sử nhưng không theo nghề

Chị Nguyễn Thị Thanh, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, cho biết, khi con trai chọn thi và đỗ chuyên Sử, chị và gia đình đã rất sốc. Ban đầu, chị kiên quyết không cho con nhập học. Nhưng khi nghe cậu con trai thuyết phục sẽ phấn đấu đạt giải quốc gia môn Sử để vào thẳng Học viện An ninh thì chị lại hoàn toàn ủng hộ. “Trong đầu tôi luôn nghĩ, học Lịch sử sau này con tôi làm gì có nhiều lựa chọn thi ĐH? Mà có lựa chọn thì ra trường biết làm gì? Nhưng khi biết quyết tâm của con là sẽ vào An ninh thì tôi ủng hộ",  chị Thanh chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong đối với nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, trường mà đa số các em lựa chọn để học tiếp ĐH là Học viện An ninh hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Chỉ số lượng rất ít, thậm chí có năm không có em nào lựa chọn tiếp tục theo ngành Sử.  3/6 học sinh đạt giải Nhất năm 2016 được hỏi đều chọn học hai học viện trên. Có em lớp 11 đạt giải Nhất cũng dự tính năm sau sẽ nộp hồ sơ tuyển thẳng vào Học viện An ninh. Em Hoàng Thị Hồng, học sinh lớp 12 chuyên Sử, trường chuyên Lam Sơn, cho biết sẽ lựa chọn Học viện Cảnh sát Nhân dân, ngành điều tra trinh sát. “Những người đã lựa chọn môn Lịch sử như em nói chung đều đam mê môn Sử. Nhưng lựa chọn ĐH thì đa số các bạn trong lớp em chọn Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh, ĐH Luật hoặc ĐH Sư phạm”,  Hồng nói.

Khó xin việc

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba môn Lịch sử của Quỹ Phát triển sử học Việt Nam, thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà Sử học Dương Trung Quốc cho biết Quỹ cũng như Hiệp hội chưa có khảo sát cụ thể xem trong số gần 900 học sinh được trao thưởng trong 5 năm qua có bao nhiêu học sinh chọn theo Lịch sử. “Trong bối cảnh môn Lịch sử hiện nay, tôi cho rằng, việc các em thi học sinh giỏi Sử rồi chọn ngành nào đó để học là hoàn toàn hợp lý. Vì thực tế, đầu ra của ngành Sử không nhiều”, ông Quốc nói.

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, khối ngành KHXH nói chung, môn Sử nói riêng rất khó xin việc.  "Làm giáo viên nói chung cũng đã lương thấp, giáo viên Sử càng thấp hơn. Nếu để ý thì thấy giáo viên mà dạy các môn khoa học xã hội trong các trường hiện nay, đa phần ít lo kinh tế, có người có nền tảng kinh tế vững rồi, chứ nếu là người còn chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống, làm giáo viên môn Sử khó yên tâm dạy khi chính sách tiền lương thấp, hạn hẹp thế được”,  ông Vỳ nhận định. 

Trao thưởng 133 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử

Ngày 22/4, 133 học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba môn Lịch sử được Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyên dương, khen thưởng. Giải Nhất thuộc về các trường THPT chuyên Bắc Giang, chuyên Tuyên Quang, chuyên Phan Bội Châu, chuyên Võ Nguyên Giáp. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam trao phần thưởng cho 897 học sinh.

Nguyễn Phan Thảo Uyên,  lớp 11 trường THPT chuyên Bắc Giang, học sinh đạt giải Nhất, nói: "Sự kiện mới nhất trong sách là năm 2000. Vấn đề về chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa cũng chưa có hoặc có rất ít... Những kiến thức đó rất cần thiết được chuẩn hóa trong sách để không chỉ học sinh giỏi Sử quan tâm tìm hiểu mà tất cả các học sinh khác cũng phải được giảng dạy, biết đến”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.