Học sinh góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi

Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi Ảnh: Thanh Hùng
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi Ảnh: Thanh Hùng
TP - Trong hai ngày 10, 11/1, tại Hà Nội, học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường từ phổ thông đến ĐH đã đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GD&ĐT tổ chức. 

Bình đẳng giới và tôn trọng sự khác biệt

Sinh viên Phan Đức Mạnh (K59 lớp CN1), trường ĐH Xây dựng cho rằng muốn bình đẳng giới, các môn học thể chất cần có sự thay đổi. Môn học giáo dục thể chất ở trường phổ thông chưa quan trọng dù đảm bảo thể chất, lên đại học thì đây là tiêu chí để sinh viên có thể tốt nghiệp thành công. Theo Mạnh, với các môn thể chất, hiện tại, nhiều bạn nam có thể dễ dàng thực hiện tốt trong khi nữ thì rất khó. Chính vì vậy, sinh viên mong muốn các môn thể chất nên có giáo trình để để đảm bảo nữ hay nam cũng đều học được.

Học sinh Linh Khánh, lớp 11 Sử, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho rằng vấn đề bình đẳng giới cần sửa đổi chính là hình ảnh trong SGK. Trong SGK hiện nay, vẫn tồn tại hình ảnh  nam giới thì được làm bác sỹ, doanh nhân, những người thành đạt… còn nữ giới thì làm việc nội trợ … Hoặc SGK đạo đức, GDCD thì mặc định bạn nam là nghịch ngợm, con gái thì ngoan hiền trong khi thực tế thì không hẳn như vậy. Rồi con gái phải nữ công gia chánh… điều đó khiến học sinh nữ khép mình, không phát huy hết khả năng… Linh Khánh cũng nêu một thực tế là trong lớp thì cô thường giao cho nữ những việc nhẹ nhàng còn bê vác thì yêu cầu nam, trong khi lẽ ra cần giao cho các bạn đủ sức khoẻ thay vì chỉ định giới tính.

Học sinh góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 1 Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam góp ý dự án Luật Giáo dục sửa đổi Ảnh: Thanh Hùng

Ngoài vấn đề giới tính, điều học sinh, sinh viên quan tâm nhất hiện nay đó là giáo viên cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân học sinh, sinh viên.  

Tô Mai Anh, học sinh lớp 11 Sử, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam  đề cập vấn đề không hiếm gặp hiện nay, đó là những học sinh có giới tính thứ ba. Em nói có một số giáo viên khi phát hiện học sinh đồng tính thì không cho các bạn này có những cơ hội học tập và phấn đấu như các bạn khác. Cũng quan tâm tới việc cần phải tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, một học sinh khác là Thùy Dương đề nghị khi sửa luật Giáo dục còn cần quan tâm tới chất lượng đào tạo các thầy cô giáo, không chỉ về chuyên môn mà cả những kỹ năng khác.

Theo Thùy Dương, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là môi trường đặc thù nên các thầy cô đã khá tôn trọng cá tính của học trò nhưng bạn bè em ở nhiều trường khác “kêu” rất nhiều về việc không được thầy cô tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng. Thùy Dương cho rằng, giáo viên cần tôn trọng cá tính của học trò. “Thầy cô đừng bắt học sinh ở trong khuôn khổ quá lâu khiến các em bị cảm giác kìm kẹp”, em nói.

Tại sao có trường công chất lượng cao?

Dự án Luật Giáo dục sửa đổi dự kiến không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao công lập để đảm bảo thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, trong luật Thủ đô hiện hành thì Hà Nội được phép xây dựng các trường công lập chất lượng cao, thu học phí cao.

Thúy Hiền, học sinh lớp 11 Văn của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nêu quan điểm không đồng ý tồn tại hệ thống trường công lập chất lượng cao dù ở tỉnh thành nào. “Tại sao lại có sự phân biệt khi cùng học ở trường công mà có học sinh lại được học chất lượng cao hơn còn học sinh khác thì không?”, Hiền băn khoăn. Em cũng bày tỏ lo lắng về sự tồn tại của trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng liệu mục tiêu này có đạt được không khi học sinh tốt nghiệp trường chuyên chủ yếu đi du học hoặc học tiếp lên ĐH và đi làm không đúng với môn chuyên ở trường phổ thông?

Trong khi đó, với vấn đề SGK hiện hành, Trương Văn Anh, một học sinh nam của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, SGK  hiện có ưu điểm là chứa đựng nhiều kiến thức nhưng vì thế mà đi sâu vào học lý thuyết quá nhiều, trong khi lẽ ra có những môn phải thực hành nhiều hơn. Ví dụ với các bộ môn lý, hóa, sinh hiện nay có bạn ví như là “một combo sách đang gây quá tải cho học sinh vì nặng lý thuyết. 

Trong ngày 11/1, Bộ GD&ĐT còn tổ chức một buổi tọa đàm xin ý kiến đóng góp dự án Luật Giáo dục sửa đổi đối với lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Tại đây, vấn đề các đại biểu đến từ các phòng giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn Hà Nội quan tâm đó là vấn đề đào tạo cho người lớn. Theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, vấn đề lớn hiện nay là đào tạo đội ngũ giáo viên cho lĩnh vực giáo dục thường xuyên.

Từ trước đến nay, các trường sư phạm chỉ chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên  để giảng dạy phổ thông (đối tượng hướng đến giảng dạy là học sinh), chưa trường sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy người lớn. Do đó, sắp tới, vấn đề này cần được quan tâm. 
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết, tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi xem xét. Trong 2 ngày vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức liên tiếp 4 cuộc tọa đàm góp ý cho dự án Luật Giáo dục sửa đổi để lấy ý kiến từ học sinh, sinh viên, hội cựu giáo chức đến giáo dục thường xuyên.

“Tại sao lại có sự phân biệt khi cùng học ở trường công mà có học sinh lại được học chất lượng cao hơn còn học sinh khác thì không?”, Hiền băn khoăn. Em cũng bày tỏ lo lắng về sự tồn tại của trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng liệu mục tiêu này có đạt được không khi học sinh tốt nghiệp trường chuyên chủ yếu đi du học hoặc học tiếp lên ĐH và đi làm không đúng với môn chuyên ở trường phổ thông?

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.