Học sinh hồ hởi

Học sinh hồ hởi
TP - Nhiều học sinh THPT khối 12 năm nay hồ hởi bởi nhận được nhiều tin tốt lành trong 6 môn thi tốt nghiệp được Bộ GD&ĐT chính thức công bố hôm qua.

> Bất ngờ vì lại thi địa lý
> Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT

Lợi cho học sinh khối A, B

Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức thông báo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4 tháng 6 năm 2013 với 6 môn thi bắt buộc. Với học sinh thi tốt nghiệp THPT, ngoài ba môn thi cố định hằng năm là văn, toán, ngoại ngữ thì ba môn còn lại là hoá học, sinh học, địa lý.

Với môn ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật. Thí sinh không theo học hết chương trình trung học phổ thông hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy-học thì được thi thay thế bằng môn vật lý.

Sáu môn thi của thí sinh hệ giáo dục thường xuyên gồm văn, toán, hoá học, sinh học, địa lý, vật lý. Về hình thức thi, các em làm bài tự luận với các môn toán, văn, địa lý; làm bài trắc nghiệm với các môn ngoại ngữ, hoá học, sinh học, vật lý.

Theo dư luận học sinh, thí sinh thi khối B được lợi nhiều nhất từ quy định những môn thi của kỳ thi tốt nghiệp năm nay do cả ba môn toán, sinh, hoá mà các em phải làm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH đều được sử dụng để thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, thí sinh thi khối A cũng thuận lợi. Em N.K, học sinh lớp 12A5 trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội nhận xét: “Với những bạn thi khối A thì thi lý hay hoá cũng chẳng khác gì nhau. Đằng nào trong quá trình chuẩn bị thi ĐH các bạn ấy chẳng phải ôn hai môn đó! Thi địa là điều không mấy bạn dám mơ vì nhiều năm nay năm nào cũng thi địa. Kể ra nếu không phải thi sinh thì tốt hơn, nhưng sinh vẫn là tuyệt vời so với việc phải thi sử”.

Còn em N.V.B, học sinh lớp 12T2 trường THPT Việt Đức, Hà Nội thì lại than thở: “Lớp em chẳng ai hào hứng với tin này vì xét cho cùng chỉ có các bạn khối B là được lợi. Em thi khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) nên là người thiệt thòi nhất trong mùa thi tốt nghiệp năm nay”.

Môn địa dễ gỡ điểm

Tâm trạng đón nhận môn thi của học sinh ở những trường có nhiều lớp ban D, ban C nhìn chung trầm hơn các trường có nhiều học sinh học ban A.

“Học sinh lớp tôi chủ yếu là các em chăm chỉ, yếu về tính toán và tư duy logic. Do đó các em vẫn thích được thi sử hơn thi địa. Giữa hai môn hoá và lý, các em thích lý hơn vì dễ ăn điểm, còn hoá nhiều em mất gốc từ hồi THCS nên giờ rất sợ”, một giáo viên của trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho biết.

Một giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình cũng phân tích: “Nếu được chọn thì nhiều em trường tôi sẽ chọn cả địa và sử thay cho hoá với sinh. Môn sinh khiến các em sợ vì từ khi học môn này ở các lớp dưới các em hầu như đã chẳng quan tâm”.

Một giáo viên môn địa trường THPT Trương Định, Hà Nội, cũng nhận xét quả là Bộ GD&ĐT khá ưu ái học trò khi 5 năm liên tiếp cho môn địa là môn thi tốt nghiệp: “Đây là một môn rất dễ học, dễ gỡ điểm cho dù từ đầu năm tới giờ các em bỏ bẵng, với điều kiện trong hai tháng còn lại các em tập trung ôn tập tốt”.

Còn cô Nguyễn Tố Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Ba Đình, Hà Nội cho biết, ngay sau khi Bộ công bố môn thi, cô đã động viên học trò, dẫu từ đầu năm tới giờ các em mải chơi nhưng với hai tháng chăm chỉ, có ý thức học tập đủ để các em vực dậy kiến thức, đảm bảo đạt điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp ở tất cả các môn.

Với học sinh thi tốt nghiệp THPT, ngoài ba môn thi cố định hằng năm là văn, toán, ngoại ngữ thì ba môn còn lại là hoá học, sinh học, địa lý. Với môn ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG