Học sinh lập nhóm, ăn thề - đáng lo ngại

Học sinh lập nhóm, ăn thề - đáng lo ngại
TP - Các em đến với nhau thành nhóm với động cơ ban đầu có thể là giúp nhau học tập hoặc chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo một số giáo viên thì các em học nhiều điều dở hơn là hay. Còn các học sinh thì nhìn nhận về nhóm như những người bạn lêu lổng...
Học sinh lập nhóm, ăn thề - đáng lo ngại ảnh 1
Đây là nơi 5 nữ sinh tự tử   Ảnh: Lam Khê

Đâu đâu cũng nhóm

Trường THCS H.X.H vốn là trường tiếng tăm của huyện Q. thuộc tỉnh Nghệ An. Nổi tiếng không chỉ vì điểm thi đầu vào của trường cao mà còn bởi vì GV trong trường đều thuộc dạng “tầm cỡ” của huyện. Vậy mà gần đây dư luận huyện Q. xôn xao bởi việc một nhóm HS nữ của trường tổ chức chích máu uống rượu ăn thề với nhau. 

Những người dân địa phương không ngờ ở một ngôi trường tưởng như chỉ có HS “giỏi và ngoan” ấy lại có những em hành xử theo lối “anh chị” trong giới giang hồ như thế!

Một HS lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) kể: “Không chỉ trường cháu mà trường nào cũng đều có những nhóm chơi. Nhóm nhỏ thì gọi là “phi đội”, nhóm lớn gọi là “tập đoàn”. Cũng có những bạn lúc mới vào nhóm thì ngoan, học khá nhưng sau một thời gian thì học kém dần”.

Trong con mắt của những HS mà chúng tôi trực tiếp hỏi chuyện, nhóm thường tập hợp những HS không chuyên tâm vào việc học hành. Em Phạm L.P, HS lớp 9 Trường THCS Cổ Nhuế, Hà Nội (trường có vụ tự tử không thành của 7 HS lớp 7 giữa tháng 2/2006 vừa rồi) kể: “Lớp của em cháu (lớp 8, cùng trường) có mấy bạn tụ tập thành một nhóm thường xuyên ngồi chát trên mạng.

Vừa rồi mấy em ấy còn rủ nhau bỏ nhà đi xuống tận Quảng Ninh để gặp một anh các em làm quen qua chát. Mấy nhóm ở trường cháu thì hoặc là những bạn có hoàn cảnh gia đình giống nhau, hoặc hay bỏ học đi chơi, hoặc hay chơi điện tử, hoặc có cùng thần tượng...

Chơi theo nhóm thường bị cuốn theo nhóm, kể cả điều tốt lẫn xấu, ai đó trong nhóm muốn cưỡng lại cũng khó”.

Giải pháp với nhóm: Thu hút các em tham gia sinh hoạt tập thể

Ngoài việc hiện tượng kết nhóm thường xuất hiện ở HS lớp 7, lớp 8, các GV còn nhận thấy, các nhóm nữ hoạt động nổi trội, quyết liệt hơn các nhóm nam. Bên cạnh đó, nhóm của HS cấp THCS phức tạp hơn nhóm của HS cấp THPT. Cô giáo Phạm Hà Thanh – GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Tây - giải thích: “Tính cách, tư chất của HS cấp THPT thể hiện khá rõ: Em nào chuyên chú học hành, em nào ham chơi.

Việc kết bạn của các em cũng sẽ theo xu hướng mà các em lựa chọn. Ngay cả khi kết bạn rồi, các em vẫn giữ được sự độc lập cho cá nhân mình. Còn với HS cấp THCS thì một em học giỏi vẫn có thể dễ dàng bị lôi kéo vào một nhóm bạn xấu nếu gia đình cũng như GV chủ nhiệm không kịp thời định hướng”.

Theo những GV có kinh nghiệm, chơi bè kết nhóm thường xảy ra hơn cả với HS lớp 7. Cô Phạm Thái Lê – GV Trường Phổ thông dân lập Mari Quyri (Hà Nội) - nhận xét: “HS lớp 6 chơi với nhau khá hòa đồng, thân ái.

Bước sang lớp 7, các nhóm hình thành và phát triển đột ngột. Thậm chí các em còn cố tạo ra nhóm, vì một cớ rất nhỏ cũng lập nhóm.

Lên lớp 8 các nhóm ít dần đi. Đến lớp 9 thì tự nhiên các nhóm tan rã, không cần phải có ai giải tán. Giữa các nhóm thỉnh thoảng lại có xung đột, cũng vì những cớ rất nhỏ.

Trường chúng tôi quản lý HS rất chặt, các em ít có thời gian hoạt động tự do vì thế thường dập tắt được ngay xung đột giữa các nhóm khi nó mới hình thành. Nhóm nào cũng đều có một nhân vật gây ảnh hưởng tới cả nhóm. Để quản lý được nhóm, cần kiểm soát được nhân vật này.

Việc này rất khó. Chỉ cần có biểu hiện áp đặt là tác dụng ngược lại ngay. Vì thế đòi hỏi GV chủ nhiệm phải lặng lẽ tìm hiểu. Khi phát hiện có những biểu hiện tiêu cực của nhóm là phải lựa cách ngăn chặn. Nhưng phòng thì tốt hơn chống.

Trường tôi có một cách để làm nhạt bớt khoảng cách giữa nhóm với các HS còn lại là tổ chức nhiều sinh hoạt tập thể để thu hút các em tham gia”.

Theo nhiều GV, tính tích cực trong các nhóm có thể có (như giúp nhau học tập) nhưng ít thể hiện. Cái mà người ta nhìn thấy rõ ở các nhóm là tiêu cực. Tuy các em rất gắn bó, rất đoàn kết (cái đoàn kết mà cánh GV gọi là “bênh nhau”) nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu của nhau, cái xấu từ bên ngoài.

Tình bạn là tình cảm đẹp và cần thiết ở tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi học trò. Tuy nhiên, hiện tượng kéo bè kết nhóm ở HS trong các trường phổ thông lại không được các nhà giáo hoan nghênh. Khi đã có nhóm, các em ít có nhu cầu chia sẻ với người lớn tuổi (vì đã có nhóm để chia sẻ).

Trong khi đó, quan hệ giữa các bậc cha mẹ với con em mình cũng như giữa GV với học trò luôn có khoảng cách. Mặt khác, khâu giáo dục nhân cách trong nhà trường hiện nay còn là khâu chưa tốt.

Cô giáo Lê Anh Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An – nói: “Môn GD công dân được coi là môn phụ. Điều này thể hiện qua tổ chức quản lý, cách soạn chương trình cũng như nhận thức của GV và HS.

Đã vậy, dạy môn này là những GV kiêm nhiệm. Đã kiêm nhiệm thì phương pháp cũng như kiến thức chuyên sâu không tốt, hiệu quả GD không cao, HS không thích học”.

Buổi chiều định mệnh

Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi xác 5 nữ sinh 13 tuổi, lớp 7B, Trường THCS Phượng Hoàng (xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương) được tìm thấy trên sông Thái Bình đoạn chảy qua xã Phượng Hoàng sáng 26/5, một không khí ngột ngạt, đau buồn tang tóc vẫn bao trùm lên ngôi trường cấp 2 nhỏ bé ở một làng quê hẻo lánh xứ Đông...

Sự việc được người dân trong vùng kể lại, 10 giờ ngày 26/5, xác của 5 em được phát hiện tại khu vực bến đò Sĩ (giáp ranh giữa xã Phượng Hoàng và xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà).

Cả 5 đều trong tư thế buộc khăn quàng đỏ vào tay nhau thành vòng tròn. 5 em đều 13 tuổi và là nữ học sinh lớp 7B, Trường THCS Phượng Hoàng bị thiệt mạng là Bùi Thị Thủy, Bùi Thị Nguyên (hai chị em sinh đôi), Nguyễn Hoàng Hà, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Hồng.

Tìm trong cặp sách, người nhà thấy có lá thư để lại có đoạn “Chào các bạn tập thể lớp 7B, hôm nay là ngày cuối cùng 5 chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi lại là những đứa con bất hiếu, nhưng chúng tôi cũng khổ lắm.

Đứa 1 do bố mẹ mắng nhiều quá, nhục lắm. Đứa 2 do nhà đông em gái nên bị mắng nhiều lắm. Đứa 3,4 do cha mẹ bắt ép nhiều quá nên cũng phải chịu. Đứa 5 do bố mẹ mắng nhiều quá.

Chúng tôi rất nhớ 7B và mong các bạn hiểu cho chúng tôi. Rất nhớ và mãi yêu lớp 7B. Cuối cùng chúng tôi xin cám ơn những người nhặt được xin hãy đưa cho bạn X. lớp 7B”.

Thầy Nguyễn Công Hội, Hiệu trưởng Trường THCS Phượng Hoàng vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết, trước ngày 5 em tự vẫn vài ngày, 8 em nữ lớp 7B gồm:

Bùi Thị Thủy, Bùi Thị Nguyên, Nguyễn Hoàng Hà, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Thủy, Phạm Thị Hạnh và Phạm Thị Biển đã cắt đầu ngón tay lấy máu viết lên khăn mùi soa thề “kết nghĩa cùng sống chết” và lấy tên là nhóm Tám Lệ...

Trao đổi với PV Tiền phong xung quanh vụ việc này, thầy Nguyễn Công Hội, thầy chủ nhiệm lớp 7B Phạm Hữu Toản và một vài phụ huynh (xin được giấu tên) trong số 5 em tự vẫn kể trên cho biết, hoàn cảnh gia đình cả 5 em đều không quá khó khăn, bố mẹ cũng ít mắng mỏ con cái. Cả 5 em đều có học lực tốt (4 em là HS tiên tiến, 1 em là HS giỏi), sức khỏe tốt.

Được biết, sau buổi học chiều 24/5, nhóm 5 em này đã rủ em Phạm Thị Thủy cùng đi về nhà em Nguyễn Thị Tâm ăn cơm (thực ra là đi thực hiện kế hoạch vạch sẵn), nhưng em Phạm Thị Thủy từ chối nên thoát nạn.

Trước đó ít phút ở cổng trường, em Nguyễn Thị Tâm khi chia tay đưa cho em Phạm Thị Hạnh khăn mùi soa bảo giữ làm kỷ niệm. Em Hạnh mở khăn ra thấy tên của 5 người đã bị gạch là Bùi Thị Thủy, Bùi Thị Nguyên, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Thủy. Hạnh ngạc nhiên hỏi thì Tâm không trả lời...

Lam Khê

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...