Học sinh 'ngồi nhầm lớp' là do... Bộ ?

Học sinh 'ngồi nhầm lớp' là do... Bộ ?
Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, được tổ chức tại Đồng Tháp chiều 22/4, ông Hồ Việt Hiệp - Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho rằng, nguyên nhân việc “ngồi nhầm lớp” là xuất phát từ chương trình của Bộ GD-ĐT.
Học sinh 'ngồi nhầm lớp' là do... Bộ ? ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Giải quyết tình trạng “ngồi nhầm lớp” cần phải có thời gian...”. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Ông Hiệp cho biết, chương trình tiểu học biên soạn để học hai buổi/ngày trong khi điều kiện ở các tỉnh không đủ để thực hiện việc này. Mỗi tiết học chỉ có 35 phút nên giáo viên phải tiết chế thời gian rất nhiều.

Do đó chỉ có 2/3 học sinh tham gia tiết học, 1/3 còn lại đứng ngoài lề vì các em yếu. Nếu gọi lên, các em đọc chưa thông viết chưa thạo này sẽ mất thời gian. Nghĩa là yếu càng yếu hơn.

Tuy các em chưa biết đọc biết viết nhưng buộc vẫn phải cho lên lớp vì theo qui định của Bộ GD-ĐT, không được cho học sinh tiểu học ở lại lớp!

Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, qua một học kỳ thực hiện cuộc vận động “hai không”, kết quả học kỳ I năm học 2006-2007 đã phản ánh đúng thực chất giáo dục của tỉnh.

Theo đó, tỉ lệ giỏi 6,8% của năm học trước đã giảm còn 4,64%. Tỉ lệ tương tự đối với loại khá là 32,3% và 21,14%, Trung bình là 49,39% và 43,31%.

Toàn tỉnh có hơn 20.000 học sinh có học lực yếu kém, trong đó có khoảng 2.000 học sinh “ngồi nhầm lớp”. Tỉ lệ học sinh yếu kém tăng dần theo cấp học từ thấp lên cao.

Tỉnh Cà Mau có tỉ lệ học sinh đạt loại khá trở lên cũng giảm đáng kể. Ở bậc THCS, năm học trước, tỉ lệ học sinh đạt học lực từ khá trở lên là 24,56% đã giảm còn 19,79%. Ở bậc THPT, tỉ lệ này là 22,26% và 14,73%.

Ông Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, tỉ lệ học sinh yếu toàn tỉnh trên 40%, tăng nhiều so với năm học trước. Tỉ lệ học sinh yếu kém tại tỉnh Bạc Liêu cũng tăng từ 4 - 8%.

Ông Võ Thanh Giang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” có ở tất cả các trường, kể cả trường chuyên! Tại Sóc Trăng, theo ông Mai Văn Nhân - giám đốc Sở GD-ĐT, tỉ lệ học sinh yếu kém đã tăng 7% so với năm học trước, trong đó bậc THCS là 30% và THPT trên 40%.

Tình trạng gia tăng học sinh yếu kém cũng xảy ra ở hầu khắp các tỉnh. Ý kiến hầu hết các tỉnh đều có một điểm chung: càng lên cao, tỉ lệ yếu kém càng nhiều.

Giải thích về điều này, bà Huỳnh Thị Ngô Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ giải thích, vì thực hiện phổ cập trong khi điều kiện phân luồng học sinh THCS chưa có nên phải để các em vào các trường THPT học, mà như thế thì kết quả học tập yếu kém cũng không có gì là lạ.

Ông Bùi Văn Dũng - Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, băn khoăn: Năm nay chúng ta phát hiện nhiều trường hợp “ngồi nhầm lớp” như vậy, năm sau có còn không?

Ông tự trả lời là có vì theo ông, một phần vì phổ cập, phần khác vì đội ngũ giáo viên ở các bậc mẫu giáo, tiểu học còn yếu kém về chuyên môn.

Thi tốt nghiệp lần 2: Chạy theo thành tích?

Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã trải qua gần tám tháng thực hiện.

Chỉ qua học kỳ I, số học sinh yếu kém ở hầu khắp các tỉnh đều tăng so với trước.

Theo dự thảo do Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến có nội dung quan trọng là sẽ có kỳ thi tốt nghiệp lần 2 (dự kiến được tổ chức vào các ngày 22, 23 và 24/8) dành cho những học sinh rớt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1.

Theo Bộ GD-ĐT, do cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên chất lượng giảng dạy giữa các tỉnh chưa đồng đều, việc triển khai cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử” sẽ khiến tỉ lệ rớt tốt nghiệp THPT cao hơn các năm trước.

Do đó, để đảm bảo ổn định xã hội, giúp học sinh hoàn thành chương trình THPT có điều kiện đi vào cuộc sống..., những học sinh rớt tốt nghiệp lần 1 sẽ được trường bồi dưỡng để thi tốt nghiệp lần 2.

Ông Bùi Văn Dũng đặt câu hỏi: Vì sao phải thi lần 2? Vì chúng ta làm quyết liệt nhưng do kết quả thấp nên tổ chức thi lại lần 2. Đó có phải cũng là chạy theo thành tích?

Cùng có băn khoăn, ông Hồ Việt Hiệp cho rằng, mục tiêu của chúng ta là nâng chất lượng một cách thực chất, nếu để các em tự chọn môn thế mạnh để thi lại thì có đạt được mục tiêu hay chỉ là giúp các em đỗ tốt nghiệp?

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, qua 8 tháng thực hiện, cuộc vận động đã đem lại những kết quả nhất định. “Học kỳ I, học sinh yếu kém tăng không có nghĩa là chất lượng giáo dục giảm đi mà đã có những bước tiến bộ hơn. Việc dạy, học và đánh giá đã thực chất hơn, qua đó có biện pháp bồi dưỡng các em yếu kém.

Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới là một thử thách. Chúng ta xác định nếu làm nghiêm túc thì kết quả tốt nghiệp sẽ thấp hơn, nhưng chúng ta phải khẳng định trách nhiệm với xã hội. Đó là cách để học sinh có tấm bằng thực chất.

Việc giải quyết bệnh thành tích phải làm trong nhiều năm và ngành giáo dục phải có cái nhìn đúng thực tế. Thi tốt nghiệp lần 2 là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm với học sinh, giúp các em nâng cao kỹ năng học tập, nhưng đây không phải là biện pháp lâu dài. Cách giải quyết triệt để là nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cấp học dưới” - bộ trưởng nói.

Xác định học sinh yếu kém, tìm ra nguyên nhân từ đó có những biện pháp tích cực để có hướng xử lý tận gốc là việc làm cần thiết. Tuy nhiên một câu hỏi được nhiều người đặt ra là khi nào tình trạng này mới chấm dứt?

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG