Học sinh 'ồ ạt' lên đường du học sau thi THPT quốc gia

Nhiều thí sinh và phụ huynh đến nghe tư vấn, tìm hiểu du học trong một buổi hội thảo
Nhiều thí sinh và phụ huynh đến nghe tư vấn, tìm hiểu du học trong một buổi hội thảo
TPO - Trong khi các bạn bè đang chuẩn bị nhập học sau đợt xét tuyển đại học, cao đẳng thì nhiều thí sinh khác đang rục rịch để chuẩn bị cho hướng mới trong cuộc đời, đó là du học.

Du học không còn gì xa lạ với với học sinh và phụ huynh Việt Nam. Đặc biệt là với nhiều em học sinh sau khi hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam.

Xác định du học từ sớm

Tháng 9 tới đây, em Lâm Sĩ Cường, cựu học sinh trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM sẽ cùng nhóm bạn lên đường du học tại Đài Loan. Để chuẩn bị cho chuyến du học của mình, Cường đang tích cực học tiếng và văn hóa Đài Loan để nhanh chóng thích nghi với môi trường trong thời gian sắp tới.

Cường cho biết, ý định đi du học của em chỉ mới lóe lên từ đầu năm lớp 12 mới đây và nguyên do em chọn Đài Loan là vì có người nhà đang sinh sống và làm việc ở bên này. “Ý định đi du học của em cũng rất tình cờ vì nhiều bạn trong lớp sau mỗi năm lại lần lượt đi du học. Tò mò tìm hiểu về du học nên dần dần thấy thích và em quyết định đi để trải nghiệm bản thân tốt hơn”, Cường chia sẻ về lý do đi du học.

Với tâm lý đi du học sau khi kết thúc lớp 12 nên Cường không đặt nặng đến kết quả trong kỳ thi THPT QG, do đó, tâm lý của Cường trong quá trình học cũng như thi khá thoải mái. Cường quan niệm: “Mình chỉ cần cố gắng đừng để điểm quá kém là được. Bên cạnh đó, dù đi du học và không dùng kết quả để xét đại học nhưng mình không được phép để điểm thi quá thấp, như thế sẽ mất mặt với bạn bè và làm gia đình buồn lòng”.

Chính sự thoải mái về mặt tâm lý, không đặt nặng kết quả mà kỳ thi THPT QG vừa rồi, Cường đạt được 20 điểm khối A.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho việc du học, Cường cho biết, hiện tại mọi thủ tục đã hoàn tất. Chi phí để làm thủ tục, visa, vé may bay vào khoảng 70 triệu đồng. Sau khi qua bên kia, Cường sẽ có 1 năm học dự bị đại học, sau đó sẽ quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp với bản thân.

Cường cũng cho biết thêm, cùng đi với em trong đợt này còn có 5-6 bạn khác, mỗi người một lứa tuổi khác nhau tuy nhiên, tất cả đều đang rất hào hứng cho chuyến trải nghiệm ở nơi xứ người sắp tới.

Tương tự, Mỹ Vân trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM cũng dự định sẽ du học Mỹ sau khi kết thúc kỳ thi THPT QG nên tâm lý rất thoải khi bước vào kỳ thi. Vân cho biết, không chỉ riêng Vân mà nhiều bạn bè khác của em cũng có dự định du học giống em. Mỗi bạn mỗi trường, mỗi quốc gia khác nhau nhưng bạn nào cũng rất tự tin đi tìm cơ hội phát triển cho bản thân mình.

“Kỳ thi THPT QG vừa qua với em khá thoải mái, đó là kỳ thi để em thể hiện bản thân và năng lực của mình với các bạn chứ em không đặt nặng kết quả để xét đại học như các bạn khác”, Vân kể.

Học sinh 'ồ ạt' lên đường du học sau thi THPT quốc gia ảnh 1 Lâm Sĩ Cường chuẩn bị lên đường du học Đài Loan sau kỳ thi tốt nghiệp
THPT QG vừa qua.

Hàng chục ngàn học sinh đi du học mỗi năm

Ông John Laxon, Giám đốc Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của Tổ chức Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) cho biết, thống kê vào cuối tháng 3/2017 cho thấy, lượng học sinh sinh viên được cấp visa trong 12 tháng qua tăng 27% so với cùng kì với hơn 2.200 học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập. “Nếu chỉ tính riêng Quý 1/2017, lượng visa được cấp đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kì năm ngoái”, ông John Laxon nói.

Theo ông John Laxon, một trong những nguyên nhân chính yếu là sự ổn định, yên bình của môi trường sống và sự phát triển của nền kinh tế New Zealand trong những năm gần đây. New Zealand được xếp hạng là đất nước yên bình nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo Chỉ số Hòa bình Thế giới năm 2016 (2016 Global Peace Index).

Đây cũng là 1 trong 3 quốc gia xếp hàng đầu thế giới về sự cởi mở và chất lượng cuộc sống theo bảng khảo sát do ngân hàng HSBC thực hiện với đối tượng tham gia khảo sát là người nước ngoài làm việc ở các quốc gia nơi họ không phải là người bản địa (HSBC Expat Explorer Survey).

Trong khi đó, theo số liệu được Vụ Giáo dục - Văn hóa và Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) công bố năm 2016, trong vòng 10 năm qua, số lượng học sinh, sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ đang tăng lên chóng mặt và chưa hề có dấu hiệu chững lại.

Tính đến năm học 2015-2016, lượng du học sinh tại Mỹ là 1.043.839 người, tăng hơn 7,1% so với năm học trước đó và chiếm 5,2% tổng số sinh viên đại học tại Mỹ. Và với con số 21.400 sinh viên đang theo học tại Mỹ đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 trong số quốc gia đứng đầu về du học sinh theo học ở Mỹ, so với vị trí thứ 9 năm 2015 (tăng 14,3%).

Báo cáo cũng cho thấy lượng sinh viên Việt Nam tại Mỹ chủ yếu theo học đại học. Năm học 2015-2016, có 67,2% sinh viên Việt Nam học đại học, 15,1% cao học, 7,8% tham gia chương trình đào tạo thực hành không bắt buộc OPT, và 9,9% học các chương trình không cấp bằng như tiếng Anh, hoặc học tập ngắn hạn.

Ngoài các thị trường du học trên thì du học Anh, Pháp, Đức, Nga, Hà Lan, Canada, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine… cũng có hàng ngàn đến hàng chục ngàn sinh viên đang theo học.

Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, nhiều năm qua các trường đại học tuyển sinh thiếu chỉ tiêu và liên tục đặt câu hỏi “Thí sinh đi đâu?” trong khi nguồn tuyển được đánh giá là dồi dào. “Như năm nay, có đến 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, dù biết có nhiều nguyên do nhưng số lượng học sinh đi du học chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này”, chuyên gia này nói.
MỚI - NÓNG