Học sinh trở lại lớp, giáo viên bỏ trường đi!

Học sinh trở lại lớp, giáo viên bỏ trường đi!
TP - Trong bài “Học sinh bỏ học: Con số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT”, tác giả bài viết đã nhắc tới trường THCS Nguyễn Thái Bình (Khánh Vĩnh, Khánh Hoà).

Dạo đó, tôi cùng các thầy cô giáo của trường Nguyễn Thái Bình đi vận động học sinh trở lại lớp. Nửa năm sau, lại đến trường THCS Nguyễn Thái Bình vì chuyện bỏ trường. Tuy nhiên, lần này không phải là chuyện của học sinh.

Đầu năm học 2008 – 2009, trường Nguyễn Thái Bình có 52 giáo viên. Nhưng chỉ một tháng sau khai giảng, đã có 5 giáo viên rời khỏi trường, gồm 1 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Thể dục, 2 giáo viên tiếng Anh. Họ đều nêu lý do xin nghỉ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già không ai chăm sóc”.

Do giáo viên môn khác không thể dạy thay, nên hiện nay ba cô giáo Tiếng Anh còn lại của trường phải đảm đương 71 tiết/tuần, có cô dạy nhiều nhất là 26 tiết/tuần trong khi quy định là không quá 19 tiết/tuần.

Trong ngày, tôi đến trường Nguyễn Thái Bình, cô giáo Lê Thị Minh Nhật đã phải lên lớp 7 tiết.

Thầy giáo Trần Thái Linh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình than thở: “Chúng tôi đã lên lịch phụ đạo cho các em học yếu môn tiếng Anh, nhưng nay phải bỏ. Ngay cả số tiết chính khóa cũng khó bảo đảm, vì trong ba cô giáo có hai cô bị bệnh, sức khỏe không tốt”.

Trường Nguyễn Thái Bình được thành lập năm 2003, là trường THCS duy nhất ở 4 xã cánh Bắc huyện Khánh Vĩnh. Chỉ có 11 giáo viên của trường là người Khánh Vĩnh hoặc đã “địa phương hóa”, tức là lập gia đình với người ở địa phương hoặc giáo viên cưới nhau, kiếm đất cất nhà gần trường. Gần 40 người khác hầu hết là giáo viên trẻ, gia đình ở Nha Trang hoặc huyện Diên Khánh.

Lên huyện miền núi dạy học, họ được hưởng hệ số lương khu vực bằng 0,3 mức lương tối thiểu (540.000đ/tháng), hệ số phụ cấp đứng lớp là 0,35 (giáo viên ở đồng bằng được 0,3) và được tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 100.000đ/người/tháng.

So với giáo viên ở đồng bằng, mỗi tháng họ được nhận nhiều hơn 300.000đ - 350.000đ. Nhưng chỉ riêng tiền xăng để chạy xe về nhà rồi trở lại trường, để đi vận động học sinh đến lớp đã nhiều hơn số tiền đó. Như thầy Trần Thái Linh, mỗi tháng đổ xăng hết khoảng 700.000đ.

“Các cô giáo lúc mới lên cũng vui vẻ và chịu vất vả, thiệt thòi được, nhưng khi họ có gia đình thì nảy sinh nhiều khó khăn, dẫn đến tâm tư” - Thầy giáo Trần Thái Linh nói. “Khi có nơi dưới xuôi tiếp nhận là họ xin nghỉ trên này ngay, thậm chí chấp nhận bị cho thôi việc”.         

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".