Học tại chức bằng… phong bì

Học tại chức bằng… phong bì
TP - Theo học hệ tại chức ở một số trường, học viên có thể không cần học  bất cứ điều gì; thậm chí khi đi thi muốn 5 điểm thì “đi thầy” 50.000 đồng, muốn 6,7 điểm thì 100.000 đồng.

Chị C vừa thi tốt nghiệp khoa Tại chức ĐH T.M trút bầu tâm sự: Học tại chức là không cần... học; muốn có điểm, học viên có thể không cần học  bất cứ điều gì; thậm chí khi đi thi muốn 5 điểm thì “đi thầy” 50.000 đồng, muốn 6,7 điểm thì 100.000  đồng.

Quy trình đóng nộp là: Thi xong, đến nhà thầy nộp phong bì và chờ đợi, điểm số sẽ tương ứng với các con số trong phong bì. 

Chị khẳng định, đây là hiện tượng phổ biến vì có tới 90% học viên “đi thầy”. C cho biết, chị thuộc hàng ít đi thầy trong lớp nhưng trong tổng số hơn 50 môn học cũng phải “đi” khoảng 10 môn.

Một học viên khác tỏ ý “ghen tỵ” với học viên C vì lớp của học viên này chỉ có số học viên bằng một nửa số học viên lớp kia nên số tiền “đi thầy” bao giờ cũng là gấp đôi ở lớp khác để được 5,6 điểm, phong bì chỉ cần 50.000 thì học viên lớp chị phải “đi” 100.000 đồng.

Vì thế, khi hỏi về con số tốn kém của tấm bằng tại chức là khoảng 50 triệu đồng mà học viên C đã nêu thì học viên M đã rụt cổ lại và nói: “Hơn chứ (mỗi kỳ 5-7 môn chạy từ 100.000 – 200.000 đồng; mời thầy, liên hoan… tính ra, trung bình 2 triệu đồng/môn; mỗi năm hơn chục triệu đồng.

Chị M còn cho biết thêm, chị là học viên có học lực đứng thứ ba lớp nhưng cũng “đi thầy” đến mười mấy môn trong tổng số khoảng 50 môn.

Học viên M cho biết, nếu  học viên nào có lý do gì đó mà phải nghỉ học một số buổi hoặc làm luận văn thì còn tốn kém hơn nhiều. Học viên này đã lấy ví dụ về một học viên  trong lớp mình, chị G học không đủ số tiết nên phải đến cô giáo hướng dẫn cho mất hơn triệu đồng; đến lúc học thêm xong, lại mất phong bì 5 lần 7 lượt và đi toi 2 triệu đồng/môn học.

Chuyện làm luận văn còn tệ hại hơn. Giáo viên gợi ý nhận hướng dẫn. Học viên chỉ sao chép luận văn mà giáo viên  hướng dẫn cho “mượn mẫu tham khảo” nhưng thực chất là rập khuôn hoặc thay mỗi tên người thực hiện. 

Vì sao không học tại chức ở một trường khác để có thể đỡ tốn kém  hơn chăng? Trả lời câu hỏi này, học viên ở ĐH TM tâm sự:  Tôi đã tìm hiểu, các trường khu vực kinh tế đều thế cả.

Thuê người đi học để ...   sinh con !

Một học viên tại chức kể cho phóng viên Tiền phong nghe chuyện như vậy. Theo học viên này, học viên tại chức thuê sinh viên đi học là chuyện thường.

Bỏ ra 20.000 - 30.000 đồng là có sinh viên xịn đi học thay. Giáo viên khó phát hiện vì chuyện này thường diễn ra ở những lớp đông, buổi tối, học hành lộn xộn.

Học viên này kể chuyện các đối tượng thuê người học hộ thường là các học viên trẻ vừa tốt nghiệp THPT, gia đình khá giả và bản thân ham chơi hoặc các cán bộ bận công việc.

Chuyện kể rằng, có một học viên nọ mang bầu đi học, đến khi gần ở cữ thì phải thuê người đi học; thuê học dài hạn chỉ mất 20.000 đồng/buổi.

Đến khi đi thi thì chính chủ  nhân lại đi thi. Trả lời câu hỏi về chất lượng thi cử nếu nghỉ học nhiều như vậy, một học viên khẳng định: “Đã có phong bì làm bài thi thay”.

Nói không với tiêu cực là hình thức

Ông Ngô Quang Hiển, Trưởng khoa Tại chức, ĐH Thương mại cho biết, ĐH Thương mại hiện đào tạo khoảng 12.000 học viên ngành: Kế toán và Quản trị Kinh doanh.

Ông khẳng định, nhà trường đã quản lý hệ tại chức chặt chẽ hơn trước nhiều. Khi nghe thông tin dư luận bên ngoài thì khoa Tại chức cũng có nhắc nhở cán sự lớp, giáo viên và đã nhắc nhở hàng tháng.

Theo ông, công việc nói không với tiêu cực của hệ này xem ra cũng khó vì cũng có nhiều học viên lười học, ý thức kém nhưng lại chạy điểm và gây thiệt thòi cho những học viên học nghiêm túc. Việc tiêu cực của học viên là việc đi ngầm nên nhà trường không thể có thông tin.

Ông Hiển còn chỉ ra 2 công văn mới của ĐH Thương mại về việc nói không với tiêu cực của trường này, một công văn vào tháng 2/2006 và một công văn vào tháng 9/2006.

Công văn tháng 2 khẳng định: Qua phản ánh của sinh viên các lớp học đại học tại chức, kết hợp với quá trình đào tạo tại trường và các cơ sở liên kết đào tạo tại chức với trường, có một số hiện tượng phát sinh trong các lớp tại chức đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và các thầy cô giáo… cần được chấn chỉnh kịp thời.

Theo ông Hiển, “bệnh” này phải do giáo viên tự giác “chữa” kết hợp với việc cải tiến thi cử, tăng cường kiểm tra kiểm soát thì mới có thể nói không với tiêu cực của hệ tại chức một cách thực chất nhất.

MỚI - NÓNG