Học trò chế máy đánh chữ cho người khiếm thị

TP - Thấy các bạn học sinh khiếm thị thiếu thốn tài liệu học tập, Nguyễn Văn Hoài Linh (lớp 12A1) và Ngô Quang Hiếu (lớp 12A5) trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) chế tạo thành công máy đánh chữ braille - một thiết bị giúp những người khiếm thị học tập một cách dễ dàng hơn.

Đọc văn bản, in ra chữ braille

Trong một buổi hoạt động tình nguyện tại trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), Linh và Hiếu không khỏi băn khoăn khi thấy những học sinh khiếm thị ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận môn học vì thiếu tài liệu.

Học sinh và thầy cô giáo phải dùng tay đục thủ công các kí tự lên bảng nhựa hoặc giấy bìa cũ để làm tài liệu học. Nếu có sai sót thì phải đục lại từ đầu rất tốn công sức, thời gian. Kí tự nổi lúc đục vào thì phải là kí tự ngược, rất dễ gây nhầm lẫn… Từ đây, Linh và Hiếu nảy ý tưởng sẽ chế tạo ra máy đánh chữ braille.

“Để tạo ra máy đánh chữ braille, chúng em phải tìm hiểu về điện tử, vi mạch, cơ khí truyền động, những kĩ năng về lập trình vi mạch, phần mềm, thuật toán... Chưa kể, việc tìm mua các linh kiện điện tử cũng rất khó khăn”, Hiếu nói.

Trong quá trình chế tạo, Hiếu và Linh chia nhau một người lo phần cứng và một người thiết kế phần mềm. “Vì em là học sinh chuyên Toán nên sẽ đảm nhận thiết kế mẫu mã, lắp đặt, mua linh kiện và lắp ráp máy. Còn Hiếu là dân chuyên Tin nên đảm nhận lập trình và thiết kế giao diện”, Linh chia sẻ.

Học trò chế máy đánh chữ cho người khiếm thị ảnh 1 Hoài Linh đang hướng dẫn một học sinh khiếm thị làm quen với máy đánh chữ mini.

Ban đầu, Hiếu và Linh dự định chế tạo chiếc máy đánh chữ với chức năng phát ra âm thanh của các kí tự. Tuy nhiên, nhận thấy ý tưởng này ít khả thi và khả năng lưu giữ được thông tin không cao, đôi bạn quyết định tạo ra máy đánh chữ braille có thể in chữ nổi ra giấy.

“Với sản phẩm này, các bạn khiếm thị có thể đọc hoặc gõ, máy sẽ tự chuyển hóa thành các kí tự chữ braille và in ra giấy”, Hiếu nói và cho biết, rất nhiều lần, sản phẩm đã hoàn chỉnh nhưng thử nghiệm thì lại không hoạt động, lại tháo rời tất cả kiểm tra lại từ đầu. Từ thiết kế phần cứng, phần mềm, các chi tiết lắp ráp...

“Tụi em đang học lớp 12, áp lực học, nghiên cứu đổ dồn xuống khiến nhiều lúc hai đứa muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, sự động viên của thầy cô, gia đình, bạn bè và nhất là mong muốn giúp đỡ các bạn khiếm thị tiếp thêm động lực để tụi em tiếp tục nghiên cứu”, Hiếu bộc bạch.

Sau hơn 3 tháng, đứa con tinh thần của Hiếu và Linh cũng ra đời. Máy đánh chữ braille hoạt động rất đơn giản: trên máy có 2 nút điều khiển nhập và in, người khiếm thị có thể đọc hoặc gõ văn bản, máy sẽ xử lý và in ra chữ braille ở trên giấy. Chi phí để tạo ra một máy đánh chữ braille chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.

“Tụi em hoàn toàn tự tin máy đánh chữ braille có thể thay thế phương pháp tạo ra tài liệu chữ nổi hiện nay ở các trường dạy học sinh khiếm thị. Chi phí tạo ra chiếc máy cũng ít hơn nhiều so với các loại thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài”, Linh hào hứng giới thiệu.

Muốn “phủ sóng” máy đánh chữ braille

Theo thầy Nguyễn Hữu Siêu, giáo viên Tin học trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đồng thời cũng là người hướng dẫn cho Linh và Hiếu, máy đánh chữ braille là một ý tưởng mang tính nhân văn sâu sắc.

Chiếc máy thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, các em khiếm thị có thể tự mình thực hiện thao tác mà không gặp trở ngại gì. Chiếc máy cũng có thể giải quyết tình trạng khó khăn của các trường trong quá trình tạo tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị, đồng thời, cũng có thể là công cụ để các em ghi chép bài vở trên lớp.

Sản phẩm được thầy cô và các bạn học sinh trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu dùng thử. Các thầy cô nhận xét máy rất dễ sử dụng, các bạn khiếm thị cũng có thể dễ dàng thao tác ngay sau khi được hướng dẫn. 

Vừa qua, sản phẩm máy đánh chữ braille xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật (năm học 2016 - 2017) do Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức.

“Tụi em đang thiết kế lại máy để có tính thẩm mỹ hơn, có thể dễ dàng sản xuất đại trà để đưa ra thị trường. Đồng thời, tụi em cũng sẽ nâng cao chất lượng âm thanh, tính tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt, tốc độ xử lý của máy đã được nâng lên 8 ký tự (so với 4 trước đây)”, Hiếu chia sẻ và hy vọng sản phẩm sẽ được biết đến rộng rãi, sẽ có nhiều nhà sản xuất mua về để sản xuất phục vụ cho những người khiếm thị trên khắp cả nước.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.