Học trung học tại Úc

Học trung học tại Úc
TPO - Học sinh được giáo viên tận tình giảng dạy để nắm được bản chất vấn đề. Nếu ai chưa hiểu bài, sẽ được dự lớp học thêm miễn phí do trường tổ chức…

Theo quy định, học sinh quốc tế học trung học tại Úc phải theo một lớp dự bị trước, nếu qua kiểm tra đạt yêu cầu mới vào học chính thức. Tuy nhiên, do vốn tiếng Anh tốt, tôi được vào học thẳng lớp chính thức, chung với học sinh bản xứ.

Thời khóa biểu khá nhẹ nhàng, chỉ có các môn văn, toán, khoa học, xã hội, thể dục và 2 môn khám phá.

Môn khám phá, mỗi học kỳ, học sinh học 2 môn và thay đổi để hết 4 học kỳ (một năm) phải học hết 8 môn, gồm: thể dục, tiếng Nhật, tiếng Đức, kịch, mỹ thuật, âm nhạc, nữ công gia chánh. Nội dung các môn học này là bước khởi đầu để lên lớp 10, thích môn nào, học sinh chọn học chính thức môn đó.

Có thể nói, học sinh Việt Nam học ở đây không quá lo về kiến thức, vì chương trình thấp hơn chương trình cùng lớp ở Việt Nam một chút. Nội dung kiến thức không đi quá sâu, không đánh đố. Tuy nhiên, học sinh phải hiểu bản chất của vấn đề. Vì thế, giáo viên giảng bài rất kỹ trên lớp, giảng đến khi nào học sinh hiểu được vấn đề mới thôi.

Nếu chưa hiểu và không tự làm được bài, tuần một buổi, học sinh sẽ được tham dự lớp học thêm do trường mở miễn phí. Nhưng thông thường, ít học sinh phải đi học thêm vì giáo viên giảng bài trong lớp đã rất kỹ.   

Đối với môn văn, trường khuyến khích học sinh đọc sách. Quy định bắt buộc là một học kỳ, học sinh phải đọc ít nhất một cuốn sách. Nhà trường luôn kiểm tra việc đọc của học sinh bằng những kỳ thi đọc sách, viết bài cảm nghĩ về nhân vật trong sách đã đọc... Con của chủ nhà  nơi  tôi ở trọ học trên tôi hai lớp, có tuần đọc đến 20 cuốn sách.

Ngoài ra, mỗi học kỳ, chúng tôi được xem 4 bộ phim, sau đó phải phân tích theo chủ đề của giáo viên đưa ra. Mới đây, kỳ kiểm tra học kỳ, chúng tôi được xem phim Ngọa Hổ Tàng Long rồi phải viết lại phần kết phim theo ý kiến riêng. Với kiểu học này, chúng tôi tha hồ tưởng tượng, sáng tạo.

Môn công nghệ cũng được nhiều học sinh thích. Chúng tôi không chỉ bó gối trong lớp học lý thuyết hay vẽ bản vẽ. Lý thuyết chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chúng tôi phải tự tìm kiếm thêm thông tin trên mạng, trong khi  thực hành chiếm chủ yếu thời gian. Chúng tôi phải bắt tay cưa, đục, hàn... với nguyên vật liệu do trường cung cấp.

Bài làm ngoài sản phẩm cụ thể, chúng tôi phải trình bày lại phần thực hiện của mình trên máy tính (sử dụng phần mềm power point). Do yêu cầu học phải thường xuyên tìm kiếm thông tin, nên mỗi học sinh đựơc trường cấp một máy tính xách tay để sử dụng ở lớp và cả về nhà, trong đó cài sẳn các phần mềm (học sinh từ lớp 4 đã được phát máy tính).

Nhà trường  chịu trách nhiệm bảo trì sửa chữa máy, còn  phụ huynh học sinh phải đóng tiền thuê máy.

Bài kiểm tra cuối học kỳ của môn Xã hội, đề thường được ra ở dạng mở. Đề tài có thể do giáo viên chọn hoặc học sinh tự chọn trong chương trình học. Sau đó, mỗi học sinh tự tìm kiếm thông tin liên quan, đến ngày thi, giáo viên mới đưa ra câu hỏi cụ thể trong đề tài học sinh chọn và chuẩn bị.

Trong khoảng thời gian 2 giờ làm bài, trong giờ đầu, chúng tôi làm dàn bài, nêu những ý chính rồi nộp lại toàn bộ tư liệu đã tìm kiếm được. Giờ thứ hai, học sinh bắt đầu làm bài, phân tích thêm trên sườn dàn bài đã làm.

Cách học và kiểm tra này không yêu cầu học sinh phải sử dụng trí nhớ, không phải học thuộc lòng, nhưng phải nắm vững bài và phải thể hiện kỹ năng lập luận, viết báo cáo, thuyết trình... Nó cũng đòi hỏi mỗi học sinh phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để tự học.     

Giáo dục toàn diện

Học trung học tại Úc ảnh 1
Nguyễn Quốc Nam Phương

Trường tôi học rất chú trọng các hoạt động phát triển năng khiếu. Sân thể thao lớn đến... ngoài sự tưởng tượng của tôi khi ở Việt Nam. Có khá nhiều môn thể thao để học sinh đăng ký chơi, từ những môn thông thường như cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội,  bóng đá, đến golf, khúc côn cầu, cưỡi ngựa...

Trường cũng có hơn 10 dàn nhạc như dàn nhạc giao hưởng, khí cụ, đàn guitar, đội nghi thức... Tôi chỉ chơi được piano, qua đây thấy “choáng” vì bạn nào cũng biết vài ba nhạc cụ. Ngoài ra, còn có các đội kịch nghệ, đội họat động xã hội (chuyên tổ chức các hoạt động gây quỹ làm công tác từ thiện…

Ở đây, học sinh rất mạnh dạn, tự tin. Họ có thể trò chuyện với giáo viên thoải mái. Học sinh có thể hỏi bài bất kể lúc nào, bởi giáo viên rất thân thiện. Nhưng nói chuyện thiếu lễ phép là bị “chỉnh” ngay.

Lý thuyết đi đôi với thực hành

Học sinh bậc trung học cơ sở vẫn học môn khoa học chứ chưa phân biệt ra thành các môn khác nhau. Tuy nhiên, tuần tự theo mỗi học kỳ, các chủ đề khoa học sẽ khác nhau. Ở mỗi chủ đề, để đánh giá năng lực, học sinh đều phải thực hiện các dự án, làm báo cáo và kiểm tra.

Ví dụ, với chủ đề khoa học về các nguồn năng lượng, dự án được đặt ra cho học sinh là chế tạo những chiếc “xe sạch” sử dụng năng lượng tự nhiên từ gió, nước, và ánh sáng mặt trời. Những chiếc “xe sạch” này phải đạt mục tiêu: Có thể vận chuyển được trọng lượng nặng nhất, đi được xa nhất, giá thành rẻ nhất.

Để làm được dự án này, chúng tôi được học lý thuyết căn bản về năng lượng, sau đó làm quen với “vật liệu” là bộ ráp hình Lego đặc biệt dùng để học trong chủ đề này, gồm: Panel năng lượng mặt trời, động cơ điện, động cơ quạt nước, động cơ quạt gió và các bộ phận khác… Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Không chỉ đơn thuần là một dự án khoa học, bài tập này hết sức thực tế. Cả lớp được chia thành nhiều nhóm để lập ra những công ty khác nhau. Những công ty này sẽ phải thuyết trình về quá trình thực hiện: Từ mẫu thiết kế ban đầu đến thành phẩm, đồng thời phải biết phân tích về ưu điểm và lợi ích cho môi trường, giá thành… Nhằm “cạnh tranh” trong “đấu thầu” việc chế tạo ra những chiếc “xe sạch” hiệu quả và giá cả hợp lý.

Cách học này hết sức lôi cuốn và giúp chúng tôi ứng dụng bài học vào thực tế. Ngoài ra, chúng tôi còn được trang bị thêm kỹ năng phân tích, đánh giá, làm việc theo nhóm, thuyết trình trước đám đông, phải tự tìm tòi, khám phá... Đây là những kỹ năng hết sức cần thiết cho việc học tập, làm việc và đời sống hằng ngày.

Nguyễn Quốc Nam Phương là học sinh xuất sắc. 12 tuổi, Phương đậu các bằng ECCE (Bằng trung cao Anh ngữ) của đại học Michigan (Mỹ) và TOFEL quốc tế 553 điểm. Vào thời điểm đó, Nam Phương là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt được các thành tích nêu trên.

Năm 13 tuổi, Phương đậu bằng ECPE của đại học Michigan. Nam Phương là một trong 2 thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt thành tích này.

14 tuổi, Phương thi bằng SAT đạt 1070 điểm. SAT (Scholastic Aptitude Test) là kỳ thi kiểm tra năng lực của ứng viên xin học đại học, SAT trên 1000 điểm là đủ điều kiện học đại học tại Mỹ.

Với những thành tích xuất sắc trong học tập, năm 2005, "thần đồng" Nguyễn Quốc Nam Phương (và cả em gái Nguyễn Quốc Nam Anh học rất giỏi) được Trường trung học John Paul (bang Queensland, Úc) cấp học bổng toàn phần học tiếp đến hết trung học.

Đây là bài viết của Nam Phương, được trường gửi cho IDP Education ại Việt Nam (www.idp.com.vn). Chúng tôi xin được giới thiệu tới bạn đọc.

Nguyễn Quốc Nam Phương 
Du học sinh tại Queensland, Úc

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.