Học và “diện” trên nước bạn

Học và “diện” trên nước bạn
Nói gì thì nói, lo gì thì lo, du học sinh nữ vẫn không từ bỏ thói quen “di truyền” của phụ nữ: dành thời gian để làm đẹp và đặc biệt là... shopping!
Học và “diện” trên nước bạn ảnh 1

Các cửa hàng giảm giá luôn hấp dẫn du học sinh (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: M.A

Gặp Vân - sinh viên dự bị chuyên ngành Luật một ngày cuối thu ở TP Leigzip phía đông nước Đức, tôi được cô nàng ríu rít khoe vừa mới cùng nhóm bạn ở cửa hàng về. Hỏi mua được gì, Vân cười tươi rói:

“Lặt vặt không à, chủ yếu là bọn mình đi để... ngắm một tý cho đỡ thèm. Ở bên này, muốn rinh một thứ gì về mình phải đắn đo cả tháng trời chứ không ít. Sống tiết kiệm mà”.

Tiết kiệm là ý thức vốn có của hầu hết du học sinh, thế nên cái “nghiện” của các nàng phần lớn được giải quyết qua các đợt hàng giảm giá. Thực ra cũng không phải hàng rẻ là hàng dạt, đa phần những mẫu ấy hoặc hết mốt, hoặc không được ưa chuộng bởi lý do nào đó, nên các cửa hàng cần thanh lý để chuẩn bị cho những đợt thời trang nóng tiếp theo.

Thúy, một cô bạn quê Hà Nội mà tôi có dịp gặp bên này sở hữu một thân hình “xe lu”, ở nhà thường bị bạn bè chọc nhưng sang xứ người lại hóa hay, quần áo người ta bán cái nào cô nàng mặc vô coi cũng... được!

Thúy khoe: “Tớ mới mua 2 chiếc áo mùa hè đẹp cực kỳ luôn, chỉ 6 euro thôi”. Đấy là cái giá cửa hàng thanh lý đợt thời trang cuối hè, Thúy mua về để dành... năm sau diện (?!).

Tôi vốn cả nghĩ, đẹp thì đẹp thật, nhưng không biết đến mùa hè năm sau Thúy có còn thích mặc hai cái áo mình mua? Nếu không, chắc chắn cô nàng vừa “mất” 6 euro không dễ kiếm.

Hồi mới chân ướt chân ráo sang làm quen cuộc sống ở đây vài ngày, tôi đã được một cô bạn rước đi mua sắm “cho biết với người ta”. Thế nhưng lượn vòng quanh từ các con phố nhỏ cho đến trung tâm, tôi vẫn không dám “đụng” vào bất cứ món nào, trong khi đó cô bạn đi cùng không nói gì, chỉ cười rúc rích.

Cả ngày trời mỏi mệt rồi... về không, lúc này cô nàng mới mở miệng: “Cô nương ơi, có lật tung cái nước Đức này lên cũng không tìm thấy “tiêu chuẩn” của cô đâu! Tìm đâu cho ra rẻ, đẹp, bền... đặc biệt là với chiều cao khiêm tốn như cô, chỉ có size... trẻ con thôi. Nếu muốn rẻ thì đợi vài tháng nữa sẽ có đợt giảm giá, tha hồ mà chọn hàng rẻ”.

Quả đúng như thế, dù tôi cố nong đến size nhỏ nhất thì cũng phải “bơi” trong bộ đồ mới ấy, rộng rinh. Nếu quần có vừa thì cũng quá dài, may mắn thì cũng hơi phù hợp với chiếc áo, nhưng giá cả thì không có cái nào dưới 15 euro.

Có ráng mua về để đem đến tiệm sửa lại cho vừa vặn cũng không dám: cắt ngắn, lên lai quần jeans giá gần 20 euro, xấp xỉ giá mua quần! Quả là khá đau đầu khi cùng lúc nghĩ đến cụm từ “cần tiết kiệm”.

Một sáng đẹp trời, tôi gặp Mỹ, một cô bạn cùng lớp học tiếng Đức với mình. Mỹ hân hoan: “Mình đang vui nè, có ai nhờ vả gì mình làm ngay nha”.

Hỏi có gì mà vui quá vậy, Mỹ cười toe: “Vui còn hơn là nhặt được vàng nữa đấy. Lúc nãy đi chợ Đồng Xuân về (chợ Đồng Xuân được ví như một cộng đồng người Việt thu nhỏ ở Leigzip, nơi đây có đầy đủ mọi thứ phục vụ cho nhu cầu của người Việt xa xứ - NV), mình mua được một cái áo ấm với giá chỉ 30 euro, áo vạt dài và có lông hẳn hoi nhé!”.

Thấy tôi há miệng xuýt xoa, Mỹ cười to hơn: “Khi mới sang đây tớ cũng thế, cái gì cũng ngạc nhiên. Nhưng ở lâu nó quen à. Mai mốt bồ cũng như tớ, “nghiện” hàng giảm giá cho coi. Tớ cũng vừa mua 2 cái áo jeans mài cực đẹp, model cách đây... 4 tháng đó (!). Giờ thì giá nó đã giảm, ao ước mãi mới mua được”.

Cũng như Mỹ, những cô nàng mê hàng hiệu với giá bình dân thì cách duy nhất để làm đầy “bộ sưu tập” của mình là chờ đợi tháng giảm giá. Tuy nói là giá giảm, nhưng “giảm” ở xứ người cũng đâu có rẻ. Dù tiền cuối tháng trong túi vơi không ít theo những đợt ra cửa hàng, các nàng vẫn không lấy đó làm phiền, vẫn đều đặn dắt nhau đi... nghiêng ngó mỗi khi có dịp.

Tiền cho chốn ở, nơi ăn luôn là một bài toán khó cho du học sinh, nhưng với du học sinh nữ lại phải giải thêm một “bài toán” hóc búa nữa là làm sao giải quyết cơn “ghiền” mỗi khi đi ngang các cửa hiệu thời trang.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG