Học vẹt được điểm cao

Học vẹt được điểm cao
TP - Khảo sát kết quả chấm thi môn Văn vào ĐH – CĐ 2006, cho thấy thí sinh đạt điểm cao lại là người làm bài như sách giáo khoa, như bài văn mẫu và như đáp án, rất hiếm sự sáng tạo...
Học vẹt được điểm cao ảnh 1
Ảnh minh họa

Đó là nhận xét của các thầy cô giáo chấm thi môn Văn. Và người ta đang bàn đến một cuộc cải cách ra đề Văn, một cuộc cải cách dạy và học Văn trong nhà trường.

Cười ra nước mắt

Một túi bài thi môn Văn (gồm 34 bài thi) tại Hội đồng chấm của Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội (SPHN) (chấm cho một trường ĐH khu vực khác) được thống kê cho kết quả như sau: 24 bài dưới điểm trung bình; 10 bài đạt 5-6 điểm; 2 bài đạt 7 điểm.

Các lỗi của thí sinh muôn hình vạn trạng và thể hiện từng điểm yếu rất rõ ràng. PGS TS La Khắc Hòa (ĐH SPHN) nhận xét đề ra theo kiểu như hiện nay trơn tru, không có gì thật mới, quen thuộc với học trò.

Thời điểm phóng viên báo Tiền Phong làm việc với thầy La Khắc Hòa thì ông đang chấm một túi bài mà cả tập bài chỉ có 2 điểm 7, đa số là điểm 4,5 - 5. Theo ông, học trò làm bài thi mắc các lỗi: Sai chính tả ngữ pháp n - l lung tung hoặc đề thi chỉ hỏi những vấn đề trong SGK nhưng TS không trả lời được;  thơ thì diễn nôm; chuyện thì kể lể.

Một lỗi nữa không biết của ai: học trò càng giỏi là học trò càng nói giống như sách, giống  như văn mẫu, như đáp án; hiếm có những gì là sự phát hiện của bản thân.

Một số bài thi dùng từ ngữ cực kỳ kiếm hiệp: Mỵ nhìn thấy A phủ bị trói bèn “sán lại” dùng răng cắt dây trói cho anh (TS này nhầm với các chi tiết trước khi chính A Phủ nhay sợi dây trói mình); Mỵ “lén lút” đi đến (phải dùng: “lặng lẽ”).

Một số thí sinh lại không thuộc bài, không hiểu, tán nhăng cuội các tác phẩm một cách thô thiển, ví dụ: bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh được tán như sau: con sóng dưới lòng sâu/con sóng trên mặt nước/ ôi con sóng nhớ bờ ngày đêm không ngủ được/ Tâm hồn người phụ nữ cũng như con sóng khi thì cồn cào, khi thì nổi lên dữ dội; lòng người phụ nữ lúc lại như con sóng ngầm đầy hận thù và nguy hiểm ...

Không ít thí sinh khi viết về hình ảnh con tàu trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên thì tán một cách hài hước: là một phương tiện đánh bắt hải sản để làm phương tiện sinh sống của con người thế mà Chế Lan Viên đã mượn con tàu đó để chở tâm hồn mình, cho tàu ngược lên Tây Bắc, ngược lên miền núi.

Lỗi nhiều nhất xảy ra với bài “Tiếng hát con tàu” cho rằng đó là một con tàu vượt đại dương, giữa nắng, giữa gió con tàu đã phấn khởi rúc lên những hồi còi.

 Có thí sinh viết về nhân vật Mỵ chủ yếu phân tích nhân vật này trong điện ảnh, không  đả động đến tác phẩm văn học.

Có những thí sinh ngây ngô cho rằng gia đình A Phủ trước đây đã cứu Mỵ trong một chuyện gì đó nên bây giờ Mỵ làm lại để trả ơn, đến lúc thấy A Phủ bị trói,  thì Mỵ đã dùng liềm để cắt dây trói rồi giục A Phủ:  chạy đi, chạy đi, nhanh lên, nhanh lên...

Có thí sinh tư duy một cách mơ hồ và “ngây thơ”,  viết: đã nói đến sông ngay lập tức chúng  ta cũng phải  nghĩ đến sóng; đã nói đến trăng phải nghĩ đến ngàn sao lấp lánh;  nói đến Tô Hoài thì phải nói ngay đến vợ chồng A Phủ ...

Nhầm lịch sử, nhầm hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học, tác giả... không phải ít gặp trong các bài thi.

Có thí sinh viết: “Con tàu để ca ngợi động viên nhân dân ta lên đường xây dựng Tổ quốc và chống Mỹ”. Bài “Việt Bắc” của Tố Hữu thì có em nhầm hoàn cảnh ra đời với dòng tâm sự: sau CM T8 thành công đất nước ta kháng chiến thắng lợi, các cơ quan TW, Chính phủ “phải” chuyển về thủ đô HN để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến và bài thơ được viết vào thời điểm ấy, năm 1948.

Có TS viết về vợ chồng A Phủ thì có lúc gọi tác giả là Tô Hoài, lúc khác gọi là Nguyễn Minh Châu.

Những lỗi chính tả sơ đẳng như : Vợ “Trồng” a phủ,  cúi “suống”,  cởi“ chói”  là rất nhiều.

Cần thay đổi cách ra đề

Nên bỏ kiểu ra đề… khuyến khích học vẹt  

Ông Đinh Văn Thiện (Thư ký Ban chấm thi ĐH SPHN) cho rằng: “Hiện nay người ta đang xôn xao một vấn đề văn dễ hay khó. Theo tôi, năng lực của TS mới quan trọng. Chỉ có học và không học; chỉ có năng lực và không năng lực; không có chuyện khó dễ.

Một truyện ngắn vợ chồng A Phủ người ta có thể ra nhiều đề. Ví dụ: phân tích tâm trạng của Mỵ ngày Xuân trên cánh đồng làng.

Người ta học Văn là để có năng lực văn chương, để diễn đạt mọi vấn đề đời sống chứ không phải học Văn là để nói về một vấn đề mà học sinh nào cũng biết. Phải loại trừ những kiểu đề thi  có sẵn trong sách luyện thi, trong văn mẫu khiến thí sinh có thể chép...”.

PGS TS Lã Nhâm Thìn, Chủ nhiệm khoa Văn - Trưởng môn chấm thi môn Văn, ĐH SPHN đặt vấn đề: Đề thi kiểu như hiện nay khó chọn được TS giỏi thực sự, thi cử phải hướng tới những đề văn có tính chất phát hiện, khái quát, tổng hợp tư duy. Như thế mới chọn được TS có năng lực thực sự. Nếu chỉ ra đề vào một  vấn đề cụ thể, một tác phẩm cụ thể thì TS ít phát huy năng lực và tư duy tổng hợp.

Còn PGS TS Nguyễn Thị Bình (ĐH SPHN) nêu ý kiến: Nếu ra đề khó dư luận sẽ phản đối. Việc ra đề phải tính đến cả tâm lý nguyện vọng của nhân dân, phải bám sát chương trình mà ra.

Theo bà Bình, nếu thay đổi cách ra đề thì phải thay đổi cách học, thay đổi chương trình và cách dạy. Nếu bây giờ yêu cầu học phải giảm tải, không được đánh đố, không gây khó khăn cho người học.

Đề có thể không cần nhiều câu, nên kết hợp yêu cầu cảm thụ tác phẩm với tăng cường tư duy khái quát khả năng lý luận, để học trò không hoàn toàn phụ thuộc vào chuyện học thuộc và sẽ làm giảm hẳn hiện tượng phao thi khiến thí sinh phải tư duy trên cơ sở kiến thức cảm thụ, học được; biết tổ chức bài viết theo những sáng tạo chứ không viết tràng giang đại hải như bây giờ.

PGS TS Lê Quang Hưng (ĐH SPHN) cho rằng  khi cả nước ra chung một đề thì đề thi hợp với đối tượng này nhưng lại không hợp với đối tượng kia. Ông  ước mong đề Văn cho thí sinh thi vào các trường phải khác nhau. Theo ông cả nước thi  một đề thì có muốn cải tiến, cách tân cũng rất khó, vì yêu cầu về Văn mỗi trường khác nhau.

Cải tiến đề thi phải  nhìn nhận cho đúng để kết hợp hài hòa giữa những gì thí sinh được học và những gì là cảm nhận riêng, là sáng tạo của họ; kết hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội chính trị chứ không phải đi từ cực đoan này sang cực đoan khác là ý kiến được các thầy chấm thi Văn nêu lên nhiều nhất.

Theo các thầy, trong 3 câu hỏi của đề thi Văn hiện nay phải nên một phần để thí sinh phát huy tính sáng tạo, năng lực cá nhân và một phần kiểm tra kiến thức đã học được trên cơ sở mặt bằng phân hóa thí sinh, đề thi không nên bỏ qua chuẩn mực kiến thức dạy và học ở nhà trường. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.