Học ĐH bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, thi vào đâu?

Học ĐH bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, thi vào đâu?
Đây là các chuyên ngành đào tạo đại học (ĐH) chính qui trong các trường ĐH. Để trở thành sinh viên của những chương trình học này, thí sinh cũng phải trải qua kỳ thi tuyển sinh bằng đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

Đó là chương trình đào tạo chính qui của Trường ĐH Hà Nội (Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội trước đây). Chương trình đào tạo các chuyên ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch, quốc tế học, khoa học máy tính và quản lý tài chính.

Toàn bộ chương trình đào tạo chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của giáo viên nước ngoài và các chuyên gia giỏi tại Việt Nam. Trong quá trình đào tạo, tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy và đánh giá kết quả cho toàn bộ khóa học của sinh viên (SV).

Muốn theo học các chuyên ngành này, SV cần tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH vào Trường ĐH Hà Nội, đăng ký thi tuyển theo ngành. Tất cả chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh đều tuyển sinh bằng khối D1 với điểm chuẩn riêng cho từng chuyên ngành.

Để chuẩn bị cho SV có trình độ tiếng Anh đủ để theo học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, cuối năm 2005 trường đã thành lập khoa đại cương có nhiệm vụ đào tạo tiếng Anh.

SV trúng tuyển vào các chuyên ngành kể trên đều phải trải qua ba học kỳ học tiếng Anh tại khoa đại cương. Chương trình đào tạo của khoa đại cương bao gồm 1.200 tiết học với ba khóa học là tiếng Anh cơ bản (BEL), tiếng Anh học thuật (EAP) và tiếng Anh chuyên ngành (ESP).

Năng lực tiếng Anh của SV sẽ được đánh giá bằng bài thi theo dạng thức IELTS. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại khoa, SV có thể sử dụng thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng học thuật cơ bản, phục vụ quá trình học tập các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Sau ba học kỳ học tiếng Anh chuyên sâu, SV sẽ đạt được trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 và tiếp tục được đào tạo một trong các chuyên ngành học bằng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Xuân Vang, hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết, chương trình đào tạo các ngành này đã được bốn trường ĐH nước ngoài bao gồm: ĐH Westminster (Anh), ĐH La Trobe (Úc), ĐH Auckland (New Zealand) và ĐH Dublin City (Ireland) công nhận.

Vì vậy, SV sau khi học xong ba năm đầu tại ĐH Hà Nội có thể chuyển tiếp học năm cuối và nhận bằng tốt nghiệp tại một trong các trường ĐH nước ngoài kể trên.

Học tăng cường tiếng Pháp

Với sự tài trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ và Chính phủ Pháp, một số trường ĐH hiện có các lớp hệ tăng cường Pháp ngữ. Theo học các lớp tăng cường tiếng Pháp, SV sẽ được dành một thời lượng đáng kể để học tiếng Pháp.

Từ năm thứ ba, SV có thể học một số môn chuyên ngành, được khuyến khích bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp, được hưởng một số quyền lợi về tài liệu, giáo trình... và có cơ hội giành học bổng đi du học tại Pháp và các nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh đăng ký dự thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (mã trường QHT) ngành vật lý (mã ngành 106) và ngành hóa học (mã ngành 206), dự thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (mã trường QHX) ngành tâm lý học (mã ngành 501), nếu có nguyện vọng sẽ được tuyển chọn vào học lớp Pháp ngữ.

Các cơ sở đào tạo sẽ thông báo cụ thể khi thí sinh trúng tuyển nhập học. Mỗi ngành tuyển khoảng 20 chỉ tiêu, giai đoạn đầu học chung, riêng ngoại ngữ học riêng, từ năm thứ ba trở đi một số môn học bằng tiếng Pháp.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân có chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tiếng Pháp (mã ngành 439). Trúng tuyển vào lớp này, SV sẽ được hưởng các quyền lợi như được phát giáo trình, băng đĩa, học tăng cường tiếng Pháp 8 - 10 giờ/tuần. Cuối năm thứ hai và thứ ba, SV thi lấy chứng chỉ tiếng Pháp quốc tế miễn phí. Năm thứ tư có thể làm luận văn bằng tiếng Pháp.

Hằng năm có khoảng năm SV được học chuyển tiếp tại Cộng hòa Pháp theo chương trình hợp tác đào tạo với Trường ĐH Tổng hợp Rennes I.

Trường ĐH Thương mại cũng có một lớp tăng cường tiếng Pháp ngành quản trị kinh doanh với chỉ tiêu tuyển khoảng 40 SV/năm. Nhà trường sẽ tuyển chọn trong số những SV trúng tuyển vào trường có nguyện vọng đăng ký, lấy điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. SV học lớp này được học bổng do Tổ chức ĐH Pháp ngữ tài trợ.

Ngoài ra, nhà trường cũng có một lớp tăng cường tiếng Pháp tạo nguồn du học. SV trúng tuyển vào trường có thể đăng ký xét tuyển. Mỗi tuần SV lớp này được học tăng cường ba buổi tiếng Pháp để có đủ trình độ ngoại ngữ dự tuyển các chương trình học bổng du học Pháp.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG