Học tín chỉ : Dễ cho người học, khó cho nhà quản lý

Học tín chỉ : Dễ cho người học, khó cho nhà quản lý
Hiện nay ở nước ta, số trường áp dụng hình thức đào tạo này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại miền Bắc, chỉ gồm 2 trường ĐH Xây dựng HN  và trường ĐH Thăng Long thực hiện đào tạo theo tín chỉ.

Học chế tín chỉ - một hình thức đào tạo tiên tiến trên thế giới - cho phép người học chủ động chủ động hơn, đánh giá sát thực tế, hạn chế được tình trạng dạy và học theo lối kinh viện.

Từ năm học 2001 - 2002, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường ĐH,CĐ thực hiện đào tạo theo hình thức này, chỉ sau một năm hồ hởi tiếp cận, các trường đều chẳng mặn mà bởi gặp khó khăn trong khâu quản lý và cơ sở vật chất chưa đồng bộ.

Tín chỉ nhằm đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Lượng kiến thức của sinh viên gồm hai khối cơ bản: Giáo dục đại cương và giáo dục chuyên môn. Mỗi khối kiến thức có 2 nhóm học phần: Học phần bắt buộc (SV phải học và thi đạt mới được tiếp tục sang học phần khác); Nhóm học tự chọn (kiến thức cần thiết SV chọn theo hướng dẫn của nhà trường). Mỗi tín chỉ gồm 15 tiết học lý thuyết.

Cơ hội cho sinh viên học thêm ngành

Cứ 30 tiết thảo luận trên lớp, bài tập, thí nghiệm hoặc 45-60 tiết thực tập, kiến tập, làm tiểu luận hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp được tính tương đương 1 tín chỉ.

SV có thể lựa chọn một số lượng tín chỉ nhất định để theo học trong một học kỳ. Mỗi SV sẽ có một thời khóa biểu riêng. Tùy theo từng trường, thông thường trong một học kỳ quy định số tín chỉ tối đa là 36 và tối thiểu là 21 và tùy theo ngành học tổng số tín chỉ từ 283- 289.

Tính từ đầu khóa học, nhưng sinh viên có tối thiểu 60% số tín chỉ tích lũy quy định của ngành đang học và có điểm trung bình chung tích lũy từ 70 trở lên được đăng ký học thêm ngành chuyên môn ở cùng nhóm ngành tại trường đang học.

Có điểm trung bình chung tích lũy từ 8,0 trở lên được đăng ký học thêm ngành chuyên môn ở trường ĐH hoặc CĐ khác. Thời gian học chuyên môn thứ hai được tính trong tổng thời gian học tối đa quy định cho SV theo học chế tín chỉ.

SV học thêm ngành chuyên môn được bảo lưu kết quả học tập của những học phần có số tín chỉ tương đương hoặc lớn hơn. Rõ ràng, học tín chỉ đã mở cơ hội cho SV học thêm một ngành học khác và tạo sự linh hoạt cho người học, tùy theo điều kiện mà có thể điều chỉnh lịch học.

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, có hầu hết các ngành đã áp dụng chế độ tín chỉ. Khoảng 50% số SV của trường tốt nghiệp sớm một học kỳ, có 4 SV lên lớp sớm 1 năm học. Trên lý thuyết, SV có thể ra trường sớm tới 1,5 năm.

Khó khăn trong quản lý

Hiện nay ở nước ta, số trường áp dụng hình thức đào tạo này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại miền Bắc, chỉ gồm 2 trường ĐH Xây dựng HN  và trường ĐH Thăng Long thực hiện đào tạo theo tín chỉ.

Trường ĐH Đà Lạt cũng từng áp dụng hình thức này nhưng đã ngừng lại do không đủ điều kiện. Phần lớn các trường ĐH, CĐ đều cho rằng rất khó khăn trong khâu quản lý khi thực hiện hình thức đào tạo tín chỉ.

Riêng việc đăng ký tổ chức các lớp học đầu mỗi học kỳ phải nạp và xử lý rất nhiều dữ liệu, chưa kể những phát sinh. Các trường còn phải cố vấn học tập tại khoa giúp SV lựa chọn, đăng ký các học phần theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện, khả năng.

Không phải lúc nào nhà trường cũng thỏa mãn được nhu cầu người học như trường ĐH Xây dựng quy định phải có ít nhất 15 SV mới "dựng" lên một lớp môn học. Ngoài ra còn phải đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đa phần các trường ĐH, CĐ ở ta chưa áp dụng được.

Theo PGS.TS, Bùi Anh Tuấn, Trưởng Khoa Quốc tế trường KTQD: "Việc áp dụng học chế tín chỉ đến nay chưa phù hợp vì còn nhiều bất cập trong hệ thống quản lý. Hệ thống tín chỉ quản lý theo học môn học còn hệ thống quản lý của các trường CĐ,ĐH hiện nay theo trường, khoa, lớp".

Đào tạo theo tín chỉ cũng còn phải tính đến việc quản lý các lớp học và tổ chức các hoạt động tập thể. Lớp học môn học thường "phá vỡ" các lớp học quản lý. Phải tìm một  thời gian thích hợp, lớp quản lý mới có thể "gom" đủ các thành viên cho các hoạt động Đòan và hoạt động tập thể. Như vậy, hình thức đào tạo theo tín chỉ có nhiều tiến bộ nhưng cũng đã đặt ra những đòi hỏi mà các trường không dễ thỏa mãn được.

MỚI - NÓNG