Hội thảo Quốc tế về Phòng chống và Kiểm soát Ung thư tại ĐH Duy Tân

(Từ trái sang phải) GS. TS. Walter C. Willett - Trường Y tế Công cộng, ĐH Harvard, Hoa Kỳ; GS. TS. Robert J. Turesky - ĐH Minnesota, TS. Rashmi Sinha - Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, và TS. Motoki Iwasaki - Trung tâm Phòng chống Ung thư Quốc gia, Nhật Bản
(Từ trái sang phải) GS. TS. Walter C. Willett - Trường Y tế Công cộng, ĐH Harvard, Hoa Kỳ; GS. TS. Robert J. Turesky - ĐH Minnesota, TS. Rashmi Sinha - Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, và TS. Motoki Iwasaki - Trung tâm Phòng chống Ung thư Quốc gia, Nhật Bản
Ung thư đang trở thành hiểm họa và là nỗi lo thường trực của tất cả các quốc gia khi số người mắc bệnh đang có xu hướng ngày một tăng nhanh cũng như đây là căn bệnh khó có thể chữa khỏi ở những giai đoạn cuối. 

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Phòng và Kiểm soát Ung thư do Đại học (ĐH) Duy Tân phối hợp với Ban Quản lý Dự án đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (FIRST) tổ chức ngày 9/11/2018 bởi thế đã thu hút rất đông các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự và chia sẻ thông tin. Mỗi nghiên cứu được giới thiệu tại Hội thảo trở nên vô cùng quý giá bởi giá trị khoa học tích luỹ và bản chất là những phương án dự phòng hữu ích trong việc phòng chống và kiểm soát ung thư.

Thay đổi lối sống để ngăn chặn ung thư

Không còn chỉ đổ tội cho di truyền hay biến đổi gene do tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, các nhà khoa học thời gian gần đây đã đưa ra một nguyên nhân khác gây nên bệnh ung thư ở người. Đó chính là lối sống. Phát hiện đầy ý nghĩa này đang tạo nên một sự thay đổi, một hy vọng lớn để phòng bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cần một quyết tâm lớn từ cộng đồng, và đặc biệt là từ từng cá nhân cụ thể.

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Phòng chống và Kiểm soát Ung thư, các nhà khoa học đã chia sẻ rất nhiều nguyên nhân từ lối sống, cách sử dụng thực phẩm đã khiến con người mắc phải ung thư. Theo GS. Robert J. Turesky, ĐH Minnesota: “Vấn đề sử dụng thực phẩm là vô cùng quan trọng bởi đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh ung thư. Có rất nhiều các hóa chất sẽ xuất hiện trong quá trình nấu nướng và bảo quản thực phẩm. Ví dụ: nếu chúng ta nấu thịt quá kỹ sẽ xuất hiện hóa chất Heterocyclic aromatic amin, đây là chất gây đa ung thư ở người như: ung thư gan, tụy, dạ dày, ruột già, tiền liệt tuyến và tuyến vú. Việc sử dụng liên tục cỏ Aristolochia như một loại thảo dược sẽ tạo ra hóa chất Axit Aristolochic dẫn đến gây độc cho thận và gây ung thư biểu mô đường tiết niệu,...” Cùng chung quan điểm với GS. Robert J. Turesky, các nhà khoa học khẳng định việc ăn quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, trâu, cừu,…), nấu và nướng thức ăn quá kỹ ở nhiệt độ cao, ăn thức ăn ẩm mốc, lưu trữ quá lâu,… cũng sẽ tăng nguy cơ gây ung thư ở người.

Bên cạnh vấn đề thực phẩm, nhiều thói quen xấu trong cuộc sống cũng là nguy cơ gây ung thư và nhiều căn bệnh khác. Đến với Hội thảo, GS. Walter C. Willett - ĐH Y tế Công cộng Harvard, đã có 1.521 công bố khoa học và là nhà khoa học hàng đầu Hoa Kỳ cũng như thế giới về Khoa học Dinh dưỡng và Dịch tễ học Dinh dưỡng, chỉ ra sự tăng cân quá nhanh dẫn đến béo phì trong suốt quá trình trưởng thành là một nguy cơ lớn đối với bệnh tiểu đường, tim mạch và các ca tử vong trong đó có ung thư. TS. Rashmi Sinha - Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ với tham luận “Vai trò của vi sinh vật trong chế độ ăn uống, béo phì và ung thư” cũng đã khẳng định việc mất kiểm soát trong ăn uống dẫn đến béo phì vô cùng nguy hại cho sức khỏe của con người. Ở một góc nhìn khác, nhà khoa học Lại Thị Minh Hằng đã có nghiên cứu rất thấu đáo về “Hút thuốc Lào và nguy cơ ung thư dạ dày ở nam giới Việt Nam”. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi đốt thuốc, đầu châm thuốc có sức nóng lên tới 950 độ C sinh ra 7.000 loại hóa chất. Hút thuốc lào dẫn đến lượng CO tăng gấp 6 đến 15 lần. CO cạnh tranh với oxi khiến những người có mạch vành yếu có thể tử vong ngay khi hút thuốc. Hút thuốc Lào có thể gây ung thư phổi, bàng quang, tiền liệt tuyến, dạ dày,…

Khi ung thư có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và thời gian gần đây, tỉ lệ giới trẻ mắc ung thư tăng lên rất nhanh thì lời khuyên của PGS. Lê Trần Ngoan - ĐH Y Hà Nội tại Hội thảo thực sự hữu ích: “Hiện nay, ở Việt Nam có 2 loại ung thư phổ biến là ung thư gan và ung thư cổ tử cung (mắc nhiều ở miền Trung và miền Nam). Để góp phần giảm thiểu các loại ung thư này, Việt Nam đã áp dụng hình thức tiêm phòng vì cách thức này phù hợp với năng lực kinh tế của nước ta. Tại Hội thảo hôm nay, một vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra chính là dinh dưỡng. Kiểm soát dinh dưỡng có thể nằm trong tầm tay nếu chúng ta xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp. Mỗi người hãy ăn nhiều rau xanh, gia cầm, hải sản, các loại đậu đỗ hạt,… đồng thời tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, tránh béo phì, tạo tâm hồn thư thái giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai để luôn làm việc và hỗ trợ cộng đồng.

Nâng cao ý thức phòng chống ung thư qua hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Mỗi quốc gia đều có các cách thức khác nhau để phòng ngừa, giảm thiểu và chữa bệnh ung thư. Đó là những chiến dịch truyền thông như: Không hút thuốc lá để chống ung thư phổi, Tiêm vắc xin để phòng ung thư cổ tử cung, ung thư gan,… Tuy nhiên, để đón đầu và phòng ngừa ung thư cần có sự góp sức rất lớn từ các kết quả nghiên cứu khoa học, các buổi hội thảo quốc tế chuyên đề, các chương trình đào tạo chất lượng cao nhằm nâng cao ý thức của người dân

Hội thảo Quốc tế về Phòng chống và Kiểm soát Ung thư tại ĐH Duy Tân ảnh 1 Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo Khoa học Quốc tế về Phòng chống và Kiểm soát Ung thư được tổ chức ở miền Trung Việt Nam, PGS. TS. Lê Trần Ngoan cho biết: “Hội thảo chính là cầu nối để truyền tải các nguyên tắc, phương pháp và thành tựu khoa học đến các giảng viên, các em sinh viên - học sinh ở vùng miền khó khăn nhất của đất nước nhằm trang bị những kiến thức cơ bản trong việc phòng chống ung thư. Việc tổ chức Hội thảo ở ĐH Duy Tân cũng thật sự có ý nghĩa bởi nhà trường đã và đang đào tạo và tuyển sinh khóa thứ 4 ngành Bác sĩ Đa khoa. Chúng tôi mong muốn thông qua hội thảo sẽ giúp các sinh viên hiểu rằng các bác sĩ không chỉ khám hay cấp cứu bệnh nhân mà còn biết cách phòng bệnh để người khỏe không mắc ung thư, và việc học Y khoa luôn cần có chiến lược học tập bài bản ngay từ những năm đầu. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra đề nghị và đến hôm nay mới mời được những giáo sư danh tiếng như GS. Willett - ĐH Y tế Công cộng Harvard hay GS. Turesky - ĐH Minnesota, cùng các giáo sư khác đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Việc ĐH Duy Tân hợp tác tổ chức thành công Hội thảo lần này thực sự đáng quý để mở ra các hợp tác mới trong nghiên cứu và đào tạo Y khoa thời gian tới.

Đến tham dự Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Long - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chia sẻ: “Hiện tại, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đang tiếp nhận rất nhiều ca bệnh ung thư không chỉ ở địa phương mà còn từ khắp đất nước. Trong đó, nổi trội là các ca về ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, và ung thư vùng đầu cổ. Ung thư nếu phát hiện muộn ở các giai đoạn thì ít có cơ hội được chữa khỏi trong khi nếu phát hiện sớm có thể can thiệp y tế để chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống. Bởi vậy việc đào tạo để các bác sĩ có những kiến thức nhất định về ung thư là rất quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư ở từng cá nhân và trong cả cộng đồng, giúp cho việc chạy chữa đạt hiệu quả và ít tốn kém. Hiện nay, sinh viên Y khoa vào những năm cuối khóa sẽ học về các môn bệnh học, trong đó có môn học về Ung thư. Để góp phần cung cấp kiến thức cho sinh viên, Bệnh viện Ung bướu sẵn sàng cử các cán bộ tham gia giảng dạy một số kiến thức cơ bản về những ca ung thư thường gặp cho sinh viên.

GS. Walter C. Willett - ĐH Y tế Công cộng Harvard khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức Hội thảo lần này: “Theo tôi, việc tổ chức buổi Hội thảo như hôm nay là thực sự cần thiết để các chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những nghiên cứu mới và có thể mang đến những cơ hội học hỏi lẫn nhau. Tại ĐH Harvard, chúng tôi rất chú trọng đào tạo Y tế Dự phòng. Mỗi khi dạy về Y dự phòng, tôi luôn dặn dò sinh viên: Một người bác sĩ nếu không thể tự mình thực hiện các biện pháp phòng bệnh thì sẽ không thể truyền đạt lại cho bệnh nhân của mình một cách hiệu quả. Vì vậy, một bác sĩ có thể ngừng hút thuốc, thường xuyên luyện tập thể thao, có chế độ ăn uống lành mạnh thì mới có thể khuyên nhủ bệnh nhân. Khi sinh viên hiểu rõ cách phòng bệnh thì lúc đó các bạn mới có thể tự mình nghiên cứu, tìm ra những phương pháp giúp con người có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết thêm: “Hội thảo về phòng chống và kiểm soát ung thư đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong và ngoài nước bởi ung thư là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm, liên quan đặc biệt đến sinh mệnh con người. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi số lượng bệnh nhân ung thư đang tăng nhanh ở khắp các quốc gia thì các nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo là vô cùng có ý nghĩa, mang đến cơ hội phòng chống, kiểm soát, điều trị, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Hội thảo chính là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, giới thiệu các nghiên cứu mới cũng như đưa ra những định hướng để giảm thiểu việc người dân mắc bệnh ung thư trong tương lai.

Những nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế gây ung thư, vấn đề chuyển hoá các chất trong cơ thể, các chỉ số khoa học mang tính đánh giá, dự báo nguy cơ ung thư, hay các vấn đề dễ hiểu hơn như thay đổi lối sống, đào tạo sinh viên để trở thành các thầy thuốc giỏi được các Chuyên gia - Bác sỹ chuyên khoa đầu ngành trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo là những tài liệu vô cùng quý giá cho ngành Y trong công cuộc phòng chống, kiểm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về đào tạo của Khoa Y - Đại học Duy Tân tại đây:https://duytan.edu.vn/khoa-y

MỚI - NÓNG