Hơn 87.000 giáo viên diện tuyển dụng đặc cách: 'Hẩm hiu' như GV Sóc Sơn?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
TP - Dù Bộ Chính trị cho phép được tuyển dụng đặc cách nhưng toàn bộ giáo viên hợp đồng của Hà Nội đều phải tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển. Điều này khiến  256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc khiến họ vô cùng bức xúc. Số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT, cả nước còn hơn 87.000 giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách. Vậy, liệu số giáo viên này có bị rơi vào tình trạng hẩm hiu như các giáo viên ở Sóc Sơn?

Bên kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết qua số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT, cả nước còn hơn 87.000 giáo viên hợp đồng được ký trước 31/12/2015.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thực hiện Kết luận 9028 của Bộ Chính trị (xem xét tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng trước năm 2015), Bộ đã giải quyết đợt 1, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết bổ sung giáo viên mầm non của 19 tỉnh, trong đó có 14 tỉnh tăng cơ học và 5 tỉnh Tây nguyên là 20.300 giáo viên.

Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với Bộ GD&ĐT, yêu cầu các địa phương báo cáo số giáo viên đã ký hợp đồng trước 31/12/2015 đối chiếu với nhu cầu của các địa phương. Hiện qua tổng hợp của Bộ GD&ĐT thì còn hơn 87.000 giáo viên thuộc diện này. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng con số này quá lớn.

Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ cho chủ trương rà soát, giao cho Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT trực tiếp làm việc với các địa phương và sẽ báo cáo con số cụ thể để Thủ tướng quyết định biên chế cho giáo viên theo Kết luận 9028 của Bộ Chính trị. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, phải  rà lại, phải đảm bảo nguyên tắc có người học thì phải có người dạy. Nhưng người đứng đầu ngành Nội vụ cũng nhấn mạnh sẽ chỉ giải quyết theo chế độ “đặc biệt” trên cơ sở biên chế của 2015 còn và với những người đã có hợp đồng lao động.

Dù vậy, với số lượng viên chức sắp sửa tuyển dụng lớn như trên (khoảng trên 100.000 người), Bộ trưởng Nội vụ đang rất lo lắng về việc không thể đạt được mục tiêu tinh giản 10% biên chế cho đến năm 2021.

Vì vừa  bổ sung hơn 20.300 giáo viên mầm non và sắp tới giải quyết theo Kết luận 9028 thì còn tiếp tục bổ sung biên chế nữa. Do đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, giờ chỉ còn cách đẩy mạnh xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, căn cứ thực tiễn, hiện Bộ Nội vụ cũng đang cân đối giữa xã hội hóa và giảm biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong khi đó, vấn đề tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội nhất là 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội công tác trong ngành từ 5 năm đến gần 30 năm. 

Dù có Kết luận 9028 của Bộ Chính trị cho phép được tuyển dụng đặc cách đối với những giáo viên này nhưng toàn bộ các giáo viên hợp đồng của Hà Nội đều phải tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển.  

Ngày 20,21/10/2019, Hội đồng tuyển dụng huyện Sóc sơn, Hà Nội, trung tâm công nghệ thông tin thuộc sở Thông tin truyền thông đã tổ chức cho thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính bài thi môn Ngoại ngữ và Kiến thức chung.

Kết quả thi cho thấy có 1.580 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh dự thi chính thức là 1342, số thí sinh bỏ thi là 238. Số thí sinh trúng tuyển vòng 1 là 936/575 chỉ tiêu. (trong đó THCS là 430/179 chỉ tiêu, Tiểu học là 350/242 chỉ tiêu. Mầm non là 156/154 chỉ tiêu.

Như vậy, so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu là 685, nếu tuyển đủ số thí sinh tại 575 chỉ tiêu tuyển dụng sau vòng 1, huyện thiếu 110 chỉ tiêu. Trong đó THCS thiếu 18 chỉ tiêu, tiểu học thiếu 40 chỉ tiêu, Mầm non thiếu 52 chỉ tiêu.  Có những bộ môn không còn thí sinh  như môn Thể dục trường THCS Tân Minh B và trường THCS Minh Phú, môn Âm nhạc trường THCS Bắc Phú, THCS Xuân Thu, THCS Minh Phú, THCS Minh Trí. Về số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, trong kỳ thi tuyển, đã có 241 người đăng ký dự thi, nhưng số người tham gia vòng 1 chỉ là 172 người, bỏ thi vòng 1 là 69 người, trúng tuyển là 121 người. Trong đó THCS là 84 người, Tiểu học là 37 người. Có 51 người trượt vòng 1.

MỚI - NÓNG