Họp là đóng tiền!

TP - Đầu năm học, khi nhận được giấy báo họp, phụ huynh nào cũng trong tâm trạng: họp tức là đóng tiền! Giấy mời họp, tin nhắn báo họp của các trường đầu năm từ lâu bỗng trở thành “trát đòi nợ”.

Buổi họp phụ huynh ít còn không khí là buổi đối thoại giữa gia đình và nhà trường để phối hợp giáo dục học sinh, cũng từ lâu, nó trở thành nỗi ám ảnh với phụ huynh: đi thì tức, không đi thì lo!

Một chuyên gia giáo dục cho biết ở các nước châu Âu như nước Đức, bậc phổ thông, học sinh được học trong các trường công hoàn toàn miễn phí. Thậm chí gia đình nào khó khăn còn được chính phủ cho thêm tiền.

Một chị phụ huynh từng theo chồng sang Mỹ 5 năm làm việc cho hay, ba con chị học  ở ba bậc học là mầm non, tiểu học, THPT  không phải đóng học phí hay bất kỳ một khoản gì nếu học trường công.

Ở bậc tiểu học, mỗi phụ huynh chỉ phải đóng duy nhất quỹ phụ huynh 25 đô la. Quỹ này sẽ dùng để mua quà tặng cho giáo viên khi chia tay lớp cuối năm. Còn ở bậc THPT, không phải đóng khoản gì, nếu có mùa quà tặng cô giáo nhân dịp Noel hay cuối năm học thì cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần như tấm thiệp.

Khi trở về Việt Nam, chị cho con học trường tư, không lựa chọn trường công. Vì ở trường tư, tất cả các khoản được gói gọn trong học phí, phụ huynh cứ thế đóng, không phải băn khoăn sao khoản này nhà nước không quy định mà trường vẫn thu.

Năm học mới 2017-2018 mới chính thức bắt đầu được 2 tuần. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội những lá đơn, những bức xúc về lạm thu đầu năm khiến dư luận xôn xao. Ví như mỗi phụ huynh phải đóng tới 16 triệu đồng ở một trường tiểu học tại Đồng Tháp, đóng 9 - 10 triệu ở hai trường của Hải Phòng; các khoản đóng góp không minh bạch ở hai trường tại Hà Nội…

Đã có vị hiệu trưởng này, vị  hiệu trưởng kia phải giải trình, phải kỷ luật. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phải thốt lên: các hiệu trưởng hình như không chịu đọc báo, không chịu hiểu các văn bản hướng dẫn từ phòng, sở, đến bộ. Họ đưa ra các khoản thu xã hội hóa mà không cần sự phê duyệt của  phòng giáo dục, UBND quận,  huyện.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, tình trạng lạm thu này bắt đầu từ chính chủ trương xã hội hóa và sự biến tướng của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trước thực trạng này, nên chăng Bộ GD&ĐT hãy quy định đã tự nguyện phải vô danh? Bởi nếu không vô danh, thì khó có tự nguyện thực sự trong bối cảnh hiện nay ở nước ta. Và như thế, lạm thu sẽ  luôn là căn bệnh kinh niên, không thuốc chữa. 

MỚI - NÓNG