Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT và dạng đề mẫu môn Văn lớp 12

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT và dạng đề mẫu môn Văn lớp 12
Cũng như một số năm học trước, năm học này, chương trình thi tốt nghiệp THPT môn Văn bao gồm toàn bộ phần văn học Việt Nam và phần văn học nước ngoài ở lớp 12.
Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT và dạng đề mẫu môn Văn lớp 12 ảnh 1

Đáng lưu ý: mặc dù có in trong sách giáo khoa Văn học 12 tập I, phần văn học Việt Nam (mới được chỉnh lí và hợp nhất năm 2000, NXB Giáo dục tái bản vào các năm 2001 và 2002 và 2003), nhưng 4 bài sau đây không có trong phạm vi ra đề thi, vì những bài này đã được chuyển từ chính khoá sang đọc thêm: 1) Vãn cảnh, trích Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh; 2) Thời và thơ Tú Xương của Nguyễn Tuân; 3) Huệ Chi trước lễ cưới (trích Cửa biển) của Nguyên Hồng; 4) Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Ngoài ra, có 4 bài sau đây chỉ học chính khoá đoạn trích (phần còn lại ở mỗi bài cũng đã chuyển sang đọc thêm); do đó, đề thi chỉ đề cập đến đoạn trích đã học, không rơi vào phần đọc thêm: 1) Tâm tư trong tù của Tố Hữu học từ câu mở đầu “Cô đơn thay là cảnh thân tù” đến câu “hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày”; 2) Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm học từ câu “em ơi buồn làm chi” đến câu “những chuyện muôn đời không nói năng”; 3) Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận học từ câu “Các vị La Hán chùa Tây Phương” đến câu “Các vị đau theo lòng chúng nhân”; 4) Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên học từ câu “Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng” tới câu “Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”.

Phần văn học nước ngoài, chương trình thi gồm 6 tác giả với 6 tác phẩm hoặc đoạn trích. Cụ thể là : 1) Gorki với tác phẩm  Một con người ra đời; 2) Lỗ Tấn -Thuốc; 3) Ê xê nin - Thư gửi mẹ; 4) Aragông - En xa trước gương; 5) Hêminguê - Ông già và biển cả (trích); 6) Sôlôkhôp - Số phận con người (trích).

II. Về số lượng và dạng thức đề thi

Theo quy định hiện hành, môn Làm văn có hai đề thi. Học sinh được chọn một trong hai đề và làm bài trong thời gian 150 phút.

- Mỗi đề thi bao gồm hai hoặc ba câu ; không có đề thi chỉ có một câu (10/10 điểm). Trong mỗi đề thi đều có câu chủ yếu yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức và có câu chủ yếu đòi hỏi các em vận dụng kiến thức. Mỗi đề thi đều có thể đề cập đến những khu vực khác nhau của chương trình. (Không có đề riêng về lí luận văn học).

Đề thi ghi rõ điểm tối đa cho từng câu. Cũng như một số năm gần đây, trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường những đề yêu cầu HS vận dụng sáng tạo kiến thức đã học. Giáo viên và học sinh cần hết sức chú ý đến vấn đề này trong quá trình giảng dạy và học tập.

Một bộ đề thi có dạng thức tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT môn Làm văn để làm ví dụ :

Đề 1

Câu 1 (2 điểm): Theo anh/chị, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Mác xim Gorki có những gì cần phải chú ý?

Câu 2 (8 điểm): Nhận xét về tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định:

“Cái hay vô song của tập thơ là chất người Cộng sản Hồ Chí Minh”. (Yêu thơ Bác- Tạp chí Văn học số 5, 1966”.

Anh, chị có đồng ý với nhận xét đó không?

Hãy làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng việc phân tích một số bài trong tập thơ nói trên.

Đề 2

Câu 1 (2 điểm): Trong truyện ngắn “Vi hành”, tác giả Nguyễn ái Quốc đã sáng tạo được một hình huống độc đáo. Anh chị hãy cho biết đấy là tình huống gì và có ý nghĩa như thế nào?

Câu 2 (2 điểm): Theo anh chị, bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng có những giá trị đặc sắc gì về nội dung và nghệ thuật?

Câu 3 (6 điểm): Nhà văn Kim Lân đã có lần kể lại: tác phẩm “Vợ nhặt” của ông “thực ra là một chương đã được viết lại của truyện dài “Xóm ngụ cư (...) ý của truyện: trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng”. (Theo Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học (1945-1954); Hồi ức, kỷ niệm, tập I, NXB Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam, 1985, trang 94).

Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý tưởng của nhà văn qua việc phân tích truyện ngắn “Vợ nhặt”. 

III. Về yêu cầu ôn tập

Ở phần văn học Việt Nam, đối với bài khái quát giai đoạn văn học, học sinh cần lưu ý những thành tựu văn học qua các thời kỳ phát triển và một vài đặc điểm chung. Đối với bài khái quát về tác gia, cần phải nắm chắc quá trình sáng tác và đôi nét về phong cách nghệ thuật của từng tác gia.

Đối với những bài giảng văn, học sinh phải nhớ chính xác tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời và thể loại của tác phẩm; tóm tắt chính xác, đầy đủ nội dung tác phẩm (nếu là truyện), phải học thuộc lòng những bài thơ ngắn, những đoạn thơ tiêu biểu của những bài thơ dài hoặc những đoạn trích dài; nhất thiết phải nắm chắc giá trị nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm.

Ngoài ra, còn phải biết tập hợp các tác phẩm thành từng nhóm; từ đó rút ra những nét chung của chúng; đồng thời thấy được sự độc đáo của từng tác phẩm trong nhóm tác phẩm.

Ở phần văn học nước ngoài, đối với mỗi bài đều phải nắm được sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả, giá trị bao trùm của tác phẩm hoặc đoạn trích đã học.

Chú ý: Bên cạnh việc ôn tập về kiến thức, học sinh cần chú ý nhiều đến việc ôn luyện kĩ năng làm văn, từ kĩ năng dùng từ, đặt câu đến kĩ năng dựng đoạn, đưa dẫn chứng, phân tích dẫn chứng... mà cách tốt nhất là làm nhiều bài văn khác nhau theo những đề bài ở sách giáo khoa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.