Kê đơn cho các hội chứng sau kỳ thi đại học

Kê đơn cho các hội chứng sau kỳ thi đại học
TP - Các nhà tâm lý học Trung Quốc cảnh báo, sau khi thi đại học thí sinh nên kịp thời điều chỉnh tâm thái để thích ứng tốt với tâm lý đột ngột chuyển từ trạng thái căng thẳng sang cảm giác thư giãn, xả hơi.

Ca bệnh 1: “Sau buổi thi cuối cùng, con tôi tỏ ra rất mệt mỏi. Hình như, có một vài bài toán nó chưa làm được. Bây giờ nó giam mình trong phòng suốt ngày, hỏi gì cũng không nói, đến bữa cơm cũng chẳng buồn ăn. Chúng tôi lo lắng vô cùng” – Bà Lý, mẹ của một thí sinh than phiền.

Chẩn đoán: Bệnh trầm cảm sau thi

Phân tích chứng trạng: Nhà giáo Trương Thành Lợi – Chuyên gia sức khỏe tâm lý trường Trung học số 4 (thành phố Thẩm Dương) nhận định, con của bà Lý có thể  đã mắc chứng trầm cảm sau thi.

Theo ông Trương, sau khi kỳ thi đại học kết thúc, đa số thí sinh đều ít nhiều rơi vào tình trạng âu lo; đặc biệt là trước khi kết quả được công bố, phần lớn thí sinh có tâm lý sợ hãi không biết mình đỗ hay không. Họ sẽ hồi tưởng những chi tiết trong bài thi, các đề mục…

Những gì chưa làm được trong phòng thi vẫn tiếp tục giày vò họ khi trở về nhà. Họ không ngừng phủ định những đáp án mình đã đưa ra; lúc nào cũng cảm thấy mình phải chuẩn bị nghe tin trượt. Có em lại tưởng tượng rằng mình quên điền số báo danh, hoài nghi mình xóa nhầm đáp án đúng…

Ông Trương khuyên: Sau kỳ thi, nếu để tâm lý rơi vào trạng thái đi xuống, mất ngủ, dễ nóng giận, có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến trạng thái trầm cảm kéo dài.

Cách chữa trị: “Nếu bọn trẻ có những biểu hiện như vậy, phụ huynh cần kịp thời tiến hành “khai thông” – Ông Trương nói: “Cần để cho các cháu  hiểu rằng, thực ra không phải là chúng thi tồi mà chỉ vì áp lực tâm lý quá lớn, từ đó mà hoài nghi đáp án của mình…

Cho dù các cháu có thể chưa phát huy hết năng lực, cũng không nên tự ti, cần giữ tâm thái bình ổn, chờ ngày công bố kết quả. Thực tế, có những người thi trượt đại học nhưng rồi tiền đồ vẫn xán lạn”.

Hội chứng tuột dốc

Ca bệnh 2: Chỉ trong 2 ngày sau khi thi ĐH, Tiểu Lâm đã tham gia tới 10 lượt tụ tập lớn nhỏ, lần nào cũng uống say. Theo lời Tiểu Lâm, rất nhiều bạn bè cậu cũng ở trong tình trạng này.

Chẩn đoán: Quá phóng túng

Phân tích chứng trạng: “Thư giãn sau kỳ thi cũng phải chú trọng thời gian và địa điểm” – Ông Hà Như, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhân dân tỉnh Liêu Ninh) nói: “Trước khi thi, việc ăn uống và ngủ nghỉ của thí sinh thường được chú trọng và có quy luật, nhưng kỳ thi kết thúc, các em để đồng hồ sinh học lập tức thay đổi, gây tổn hại rất lớn tới sức khỏe và tâm lý”.

Cách chữa trị: Chủ nhiệm Hà kiến nghị, sau khi thi, các em cố gắng không để cơ thể rơi vào trạng thái trượt dốc.

“Có một số bậc phụ huynh cho rằng, con cái mình tham dự kỳ thi đại học đã quá mệt mỏi rồi, thi xong nên ăn uống thoải mái, đi chơi, tụ tập vô tư… Phụ huynh nên sắp xếp phương thức nghỉ ngơi hợp lý cho các con, tham gia nhiều vào các hoạt động có ý nghĩa, như đi du lịch, tập thể dục…”.

Hội chứng quên chí tiến thủ

Ca bệnh 3: “Cuối cùng cũng không cần đến sách vở nữa, quỷ tha ma bắt những công thức, chữ nghĩa đáng ghét đó đi”. Vừa kết thúc kỳ thi, Lan Lan liền “thiết kế” cho mình một chuỗi ngày nghỉ ngơi dài dài.

Chẩn đoán: Quên chí tiến thủ.

Phân tích chứng trạng: Thi xong là có thể hoàn toàn xả hơi, không cần học nữa?

“Rất nhiều em học sinh vừa tốt nghiệp xuất sắc trung học song khi vào đại học lại cảm thấy không thể thích ứng. Không phải các em không có năng lực học tốt, mà là do tinh thần quá tản mạn, không thích ứng với phương thức học tập tự chủ ở đại học, thành tích học tập vì thế mà suy giảm” – GS Tôn Hạo Dịch, Tổng thư ký Hội Nghiên cứu Thanh thiếu niên Liêu Ninh nói.

Cách chữa trị: Giáo sư Tôn nói, các em cần tận dụng tốt thời gian nghỉ sau khi thi đại học, phải tự “nạp năng lượng” cho mình, làm phong phú cuộc sống riêng.

Có thể tìm hiểu các thông tin về ngành học, trường học mình sẽ theo ở các thầy cô giáo, người thân, bạn bè… tạo nền móng cho việc học sau này; cũng có thể tìm một số công việc làm thêm hoặc hoạt động tình nguyện… để học về các kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống, chứ không phải lãng phí thời gian vô ích. 

 Phùng Mỹ Lâm
Theo mạng tin tức giáo dục TQ, tháng 6/2006

MỚI - NÓNG