Kỳ thi THPT Quốc gia 2016

Kết thúc ngày thi thứ 3: Gần 12.000 thí sinh bỏ thi

Thí sinh tại Hà Nội trao đổi bài thi môn Hóa học sau giờ thi chiều 3/7. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh tại Hà Nội trao đổi bài thi môn Hóa học sau giờ thi chiều 3/7. Ảnh: Như Ý.
TP - Kết thúc ngày thi thứ 3, cả nước có gần 6.000 thí sinh bỏ thi môn Địa lý và gần 6.000 thí sinh bỏ thi môn Hóa học. Ngày thi thứ 3, 120 cụm thi trên cả nước có 66 thí sinh vi phạm quy chế thi trong đó có 7 khiển trách, 6 cảnh cáo, 53 đình chỉ. Đánh giá chung về ngày thi thứ ba, cơ bản diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có các thông tin trái chiều như ngày thi môn Ngữ văn.

Nhiều điểm thi chỉ có 1 hoặc 2 thí sinh

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, ngày thi thứ 3 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế trong tiết trời mát mẻ, khá thuận lợi cho thí sinh dự thi lẫn người nhà.  Ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) Hà Nội cho biết, buổi sáng môn Địa lý, Hà Nội có 38.992 thí sinh đăng ký dự thi nhưng vắng 516 em.

 Kết thúc môn thi, có 11 thí sinh bị lập biên bản, đình chỉ thi vì giám thị phát hiện mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi. Buổi chiều môn Hóa, ở 6 cụm thi số thí sinh đăng ký dự thi là 26.336 thí sinh, vắng 586 em. Có 2 em bị lập biên bản, đình chỉ thi vì sử dụng điện thoại trong phòng thi.

Cũng theo ông Chất, ngay trong ngày thi thứ 3, môn thi Hóa học lượng thí sinh đăng ký dự thi đã giảm sâu, do đó có nhiều điểm thi chỉ có 1-2 phòng thi. Tuy nhiên, theo quy chế thi, các điểm thi vẫn phải duy trì bộ máy hoạt động của cả một hội đồng thi.

Tương tự, ở Hòa Bình, các môn thi như Hóa, Vật lý ở nhiều điểm thi chỉ có 1 thí sinh dự thi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hòa Bình) cho hay, vẫn bố trí đủ 12 cán bộ, nhân viên phục vụ thi.

Các địa phương như Kon Tum, Hà Tĩnh…trong ngày thi thứ 3 kỷ luật phòng thi vẫn siết chặt nhưng không có thí sinh vi phạm quy chế thi, không có thí sinh bị kỷ luật.

Địa lý: khó kiếm điểm cao

Đánh giá về Địa lý năm nay, thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho biết, đề thi tương đối hay, có tính thời sự, vừa sức với học sinh, tuy nhiên độ phân hóa chưa cao.

“Câu 1 của đề thi khá thời sự khi nói về vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học. Đây là câu hỏi mở, có thể sẽ rất nhiều học sinh lấy ví dụ bảo vệ biển, cá chết vừa qua tại các tỉnh miền Trung”, thầy Quang nói.

Câu 4 có phần khó hơn khi yêu cầu học sinh phân tích và giải thích tại sao ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm là thế mạnh ở nước ta, tuy nhiên, câu này cũng đã được học kỹ trong chương trình. Đặc biệt, vế thứ hai của câu 4 rất thời sự khi nói về việc hạn hán, nhiễm mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

“Với câu hỏi này, nhiều thí sinh có thể sẽ trúng tủ bởi việc nhiễm mặn, hạn hán trong thời gian qua được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, thầy Quang nói.

Thầy Quang cho biết, so với năm trước đề thi có phần nhỉnh hơn, tuy nhiên độ phân hóa lại không cao. Thầy Quang khẳng định với đề thi này, phổ điểm có thể sẽ tập trung từ 6- 7 điểm. Năm nay sẽ vẫn có điểm 10 nhưng số lượng điểm 10 sẽ ít hơn năm trước.

Đồng quan điểm này, cô giáo Lại Kim Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Đề thi Địa lý năm nay có cấu trúc rõ ràng, khoa học, đảm bảo tính thực tiễn, tính thời sự và có sự phân hóa. Đặc biệt là câu số 4 đòi hỏi học sinh có kiến thức, tư duy, khả năng tổng hợp kiến thức.

Môn Hóa: sẽ tăng điểm 10

Đối với đề Hóa, thầy Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng đề năm nay khó và hay hơn so với năm trước, tính phân hóa cũng
cao hơn.

“Với 30 câu đầu dành cho học sinh trung bình khá nhưng độ phân hóa cũng đã xuất hiện. Một số câu hỏi không phải học sinh trung bình khá nào cũng có thể làm được” - ông Độ phân tích.

Ở 20 câu sau, dành cho học sinh khá giỏi, năm nay đề thi xuất hiện nhiều câu khó hơn so với năm trước. Độ phân hóa giữa học sinh khá và giỏi cao hơn. Theo thầy Độ, những câu khó chủ yếu ở phần tính toán do câu hỏi dài, phải trải qua nhiều bước mới có kết quả, còn phần lý thuyết có nhiều câu khá hay.

Thầy giáo Nguyễn Hoàng Lâm, giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng đề thi Hóa học năm nay đúng với cấu trúc của đề thi năm ngoái. Những câu thực sự khó không xuất hiện.

Theo thầy Lâm, đề thi đảm bảo có tính thực tiễn và có các bài tập về thực hành tương tự năm ngoái nhưng đã khái quát một số tính chất vật lý để học sinh ngoài quan tâm đến tính chất hóa học còn quan tâm đến tính chất vật lý của chúng.

“Theo dự đoán của tôi số điểm 10 sẽ tăng so với 130 điểm 10 năm 2015” – thầy Lâm nói.

Làm rõ nguyên nhân thí sinh vắng thi

Ngày 3/7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn công tác Bộ GD & ĐT kiểm tra tình hình thi cử tại Hội đồng thi cụm thi số 41 và Hội đồng cụm thi số 30 tại Quảng Nam.

Báo cáo của Hội đồng thi cụm thi 41, trong hai ngày thi có 209 thí sinh vắng thi, trong đó có 70 thí sinh dự thi xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Theo Thứ trưởng Ga, số thí sinh vắng thi là khá lớn do vậy cần rà soát nắm bắt cụ thể hoàn cảnh của từng thí sinh, tìm hiểu nguyên nhân vì sao thí sinh không thể dự thi để báo cáo lên Bộ và rà soát lại công tác tổ chức vận động.     

Hoài Văn

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.