Khâm phục thí sinh bị bệnh hiểm nghèo và 200 nghìn đi thi đại học

Em Thực ở nhờ lán xây dựng của người quen để thi đại học
Em Thực ở nhờ lán xây dựng của người quen để thi đại học
Bị bệnh ung thư mầm thận, nhưng thí sinh Mai Trí Thực (SN 1996, Vĩnh Thượng - Sơn Công - Ứng Hòa - Hà Nội) vẫn quyết thi vào đại học. Gia cảnh nghèo khó, với 200 nghìn đồng bố mẹ cho, Thực một mình về HN dự thi. “Chiến thắng số phận, chiến thắng chính mình là khát vọng sống của em”- thí sinh đặc biệt này nói.

Chiến đấu với nỗi đau bệnh tật

Thực dự thi khối A, khoa kĩ thuật điện điện tử ĐH công nghiệp Hà Nội. Gặp em sau buổi sáng làm thủ tục dự thi tại xưởng sản xuất cơ khí của người thân, ấn tượng đầu tiên của tôi đối với em là một chàng trai với vẻ ngoài yếu ớt, làn da nhợt nhạt và luôn trong trạng thái khó thở.

Thực cho biết em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở thôn. Khi sinh ra em khỏe mạnh như bao bạn khác, em có thể giúp mẹ công việc đồng áng để đỡ mẹ phần nào. Không chỉ vậy, 7 năm liền em đều đạt học sinh giỏi.

Nhưng mọi hy vọng dường như vụt tắt khi lên lớp 8 Thực được phát hiện bị u mầm thận. Thực nhớ lại: “Chiều hôm đó khi đi tắm, cởi áo em thấy bụng mình sưng to, ấn thử thì thấy rắn, ngay hôm sau mẹ đã đi vay tiền để cho em đi khám.

Lần đầu tiên đi khám, bác sĩ ở huyện bảo em bị sỏi thận nên kê thuốc sỏi thận về uống. Được một thời gian em đi tiểu ra máu, mẹ em lại tất tả vay tiền đưa em đi viện khám. Lần đó em phải mổ vì các bác sĩ nói trong người có khối u”.

Gia đình Thực cứ nghĩ đó là u lành, cắt xong là xong. Nhưng khoảng một năm sau để ý Thực lại thấy bụng mình tiếp tục sưng to. Em lại phải tới bệnh viện, một lần nữa lại phải đau đớn chịu thêm một ca phẫu thuật. Nhưng lần này đến viện, các bác sĩ đã không thể tiến hành phẫu thuật cho Thực vì tế bào ung thư di căn đã quấn chặt mầm thận. Một phần nữa là do lượng máu của Thực còn quá ít nên không đủ để tác động bất kể một phương pháp điều trị nào.

Hiện nay, bệnh của em ngày càng nặng. Theo kết quả khám gần nhất, bệnh của Thực đã bị biến chứng sang tim, suy tim độ 2, thiếu máu, suy gan và có 1 khối hạch ở hạ sườn phải. Sức khỏe của em hiện giờ rất yếu. Ngồi im thì không sao nhưng cứ vận động một chút là em lại bị choáng. “Em chỉ đi được vài bước là lại phải ngồi nghỉ”- Thực nói.

Bệnh tật và nghèo khó là vậy nhưng em không bao giờ nản trí, với niềm đam mê học tập và sự hy vọng của người mẹ nghèo nên em luôn cố gắng học tập với ước mơ đỗ vào giảng đường đại học để sau này có thể phụ giúp cho mẹ mình.

Khát vọng giảng đường

Từ khi bị bệnh, kinh tế gia đình em lại càng khó khăn hơn. Được biết, hiện cả gia đình Thực hiện sống nhờ vào những đồng tiền công mà mẹ em đi gánh gạch, gánh nước, làm cỏ, cấy lúa thuê…

“Nhưng giờ càng ngày sức khỏe của mẹ em càng yếu, trong người mẹ em đủ thứ bệnh, vừa đau dạ dày lại vừa lao lực. Nhiều lần mẹ em còn ho ra máu nhưng mẹ em không đi khám, có đồng nào mẹ chỉ để dành để lo cho chúng em chứ không đi chữa cho mình” –Nói đến đây, Thực nghẹn ngào không giấu được cảm xúc của mình.

Thực cho biết lộ phí đi thi của em là 200 nghìn đồng. Sau khi thi xong tốt nghiệp, em phải nhập Bệnh viện K để truyền dịch và tiêm thuốc, em vừa ra viện hôm 15/6 vừa rồi.

“Tiền thuốc và ở viện mẹ em đã chạy vạy khắp nơi lên đến hàng trăm triệu đồng, hôm nay đi thi mẹ cố gắng lắm cũng chỉ vay thêm được có 200 nghìn đồng cho em đi đường. May mắn là em có anh họ làm trên này nên anh đưa em đi rồi đón em về và ăn ở nhờ nhà anh luôn”- thí sinh đặc biệt này chia sẻ.

Thương mẹ, nhưng với sức khỏe hiện nay Thực không thể giúp đỡ gì cho mẹ được. Nói lý do thi vào ĐH Công nghiệp khoa kĩ thuật điện điện tử, Thực tâm sự: “Em nghĩ rằng công việc này hợp với sức khỏe của em. Hơn nữa, em muốn trở thành một kỹ sư máy tính thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để bù đắp lại những thiệt thòi mà mẹ em phải chịu.

Mặc dù bây giờ sức khỏe em không tốt nhưng em sẽ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Em thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, so với các bạn sinh ra tật nguyền, các bạn không đi lại được, khiếm thị… thì cuộc sống của em vẫn còn tốt hơn nhiều”.

Theo Bùi Anh
Theo Theo Gia đình và Xã hội
MỚI - NÓNG