'Khe cửa' hẹp với giáo viên hợp đồng

Long đong phận giáo viên hợp đồng Ảnh: Việt Nguyễn
Long đong phận giáo viên hợp đồng Ảnh: Việt Nguyễn
TP - Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn, các địa phương cũng đã có kế hoạch triển khai, thế nhưng cơ hội  gắn bó với nghề của giáo viên hợp đồng  vẫn là những “khe cửa” hẹp.

Thiếu giáo viên nhưng không có chỉ tiêu biên chế

Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm ở huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) đều đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện Công văn 5378 của Bộ Nội vụ, nhưng trong số này, có nhiều giáo viên  không được xét tuyển vào biên chế vì “huyện không có chỉ tiêu”. Không được xét tuyển, những giáo viên này bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo phản ánh của tập thể giáo viên hợp đồng ở nhiều bộ môn thuộc các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Liêm, khi Bộ Nội vụ có Công văn 5378, họ rất vui mừng vì nằm trong diện xét đặc cách. Trong số này có những giáo viên công tác trong ngành đã 17 năm.  Thế nhưng, giáo viên các bộ môn như: Ngữ văn, Toán, Âm nhạc, Vật lý, Tin học, Lịch sử, Địa lý… “đau đớn” khi biết tin huyện Thanh Liêm không có chỉ tiêu biên chế những môn này. Không có chỉ tiêu biên chế, đồng nghĩa các bộ môn này sẽ không tuyển bất kỳ một giáo viên nào và đồng thời, chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ giáo viên hợp đồng.

 Thực tế,  đội ngũ giáo viên hợp đồng này đã cống hiến cho ngành giáo dục Thanh Liêm từ rất lâu, có rất nhiều người được công nhận giỏi cấp huyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, các trường trên địa bàn huyện Thanh Liêm vẫn còn thiếu giáo viên, thậm chí có trường cần tới 6 giáo viên hợp đồng giảng dạy các môn, có những giáo viên dạy đến 21 tiết/1 tuần. 

 Tại Hà Nội sau khi bị cắt hợp đồng đầu năm học 2019-2020, gần 90% giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây được nhà trường mời thỉnh giảng với mức công 40.000đ- 50.000 đồng/ tiết.  Kế hoạch thỉnh giảng giáo viên của trường THCS Hồng Hà, thị xã Sơn Tây cho thấy, năm học 2019 - 2020, so với chỉ tiêu biên chế được giao,  trường thiếu 3 giáo viên. Trong đó có 1 giáo viên môn Toán, 1 giáo viên môn Sinh, 1 giáo viên môn Tiếng Anh.  Trường mời giáo viên thỉnh giảng những môn thiếu với tiền công hàng tháng là 40.000đ/tiết/môn Toán, tiếng Anh và 50.000đ/tiết/môn Sinh học.

 Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng của trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) cho biết, sau khi thị xã Sơn Tây đơn phương chấm dứt hợp đồng với toàn bộ giáo viên hợp đồng trong huyện, gần 90% số giáo viên này được mời hợp đồng thỉnh giảng. Bản thân thầy Nguyễn Viết Tiến đang thỉnh giảng tại trường 12 tiết/ tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm.

Điều nghịch lý ở chỗ, mặc dù trường thiếu giáo viên, phải ký hợp đồng trong suốt thời gian qua, thậm chí sau khi cắt hợp đồng, phải mời giáo viên thỉnh giảng, nhưng khoảng 20 năm nay, thị xã Sơn Tây không tổ chức thi tuyển biên chế  đối với một số môn như môn Toán. Ngay tại kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, các giáo viên hợp đồng môn Toán của thị xã Sơn Tây phải đi sang các huyện, quận khác có chỉ tiêu biên chế để thi.

Mong mỏi một chính sách thấu tình đạt lý

Hiện một số huyện, thị xã của Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây…các  giáo viên đã bị cắt hợp đồng từ đầu năm học 2019 - 2020. Trong khi đó 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn chưa được đóng bảo hiểm. Nếu căn cứ theo công văn của Sở Nội vụ Hà Nội, số giáo viên này sẽ không được xét đặc cách. Vì trong công văn nêu rõ điều kiện xét đặc cách bao gồm tiêu chí: Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Như vậy, đối với giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm và bị cắt hợp đồng sẽ không đủ điều kiện.

 Trong khi đó, ngày 5/11/2019, UBND huyện Sóc Sơn ban hành thông báo số 5134 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn đang công tác tại các trường Tiểu học,THCS công lập trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng, sắp xếp lại lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ chỉ đạo của cấp trên về việc xét tuyển đặc cách.

 Thầy Nguyễn Viết Tiến băn khoăn: Tại sao trên toàn thành phố Hà Nội chỉ có giáo viên hợp đồng ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì bị lãnh đạo huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng? Vừa qua, Chủ tịch UBND thành  phố Hà Nội khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng trong quý I/2020 với dự kiến 2.692 chỉ tiêu.  Thầy Tiến mong rằng thành phố Hà Nội sớm hành động để giáo viên hợp đồng yên tâm  mình có chỉ tiêu và được xét đặc cách như lời hứa của Chủ tịch UBND thành phố.

 Những vướng mắc trong việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng hiện nay không phải chỉ  xảy ra với Hà Nội hay Hà Nam mà ở tất cả các địa phương. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ cần có những hướng dẫn cụ thể để giáo viên hợp đồng lâu năm được hưởng chính sách tuyển dụng đặc cách  nhân văn này. Tránh tình trạng dù chính sách đã có nhưng giáo viên hợp đồng vẫn thấy bất an, không rõ số phận mình sẽ đi về đâu.

 Các giáo viên ở Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết, trong khi một số trường đang thiếu rất nhiều giáo viên ở các môn mà không có chỉ tiêu biên chế, một giáo viên thậm chí phải dạy nhiều lớp, quá số tiết. Do thiếu giáo viên, trường phải dồn lớp, một lớp có đến hơn 40 học sinh, để đảm bảo được các tiết học. Nhưng không hiểu vì sao, huyện Thanh Liêm vẫn không lấy chỉ tiêu biên chế các môn này?

MỚI - NÓNG