Khi bằng cấp tỉ lệ thuận với tiền lương

Khi bằng cấp tỉ lệ thuận với tiền lương
Nhà tuyển dụng có thể đưa ra những yêu cầu thông qua bằng cấp khi tuyển dụng. Nhưng khi những yêu cầu này trở thành “những yêu cầu vô lý”, nhiều người vẫn phải chấp nhận vì đồng lương và bằng cấp lại lên ngôi.
Khi bằng cấp tỉ lệ thuận với tiền lương ảnh 1
Bàn giao hồ sơ đăng ký vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, hệ trung cấp chuyên nghiệp của các trường CĐ, ĐH năm 2009- Ảnh: Tuổi Trẻ

“Bạn chưa muốn có một công việc ổn định với thu nhập cao? Bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp nhưng vấn đề bằng cấp - chứng chỉ đang là trở ngại lớn nhất của bạn. Vậy bạn hãy liên hệ với tôi, hi vọng rằng tôi sẽ giúp bạn khắc phục được trở ngại đó... Mọi chi tiết xin liên hệ qua nick và mail: hoangduocsu1403@... hoặc điện thoại 0904”...

Chỉ cần đọc qua một mẩu rao vặt trên mạng dễ thấy ngay sức ép kinh khủng của bằng cấp khi bước chân vào đời.

Cùng công việc, khác lương vì bằng cấp

Tốt nghiệp hệ trung cấp ngành kế toán Trường trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Thủ Đức năm 2006, L.N.H. xin vào làm một công ty sản xuất giày tại Khu công nghiệp Sóng Thần. H. thích nghi ngay với công việc cùng những hoạt động của công ty, trừ chuyện lĩnh lương cuối tháng.

Chuyện là theo H., dù làm cùng công việc với một số nhân viên khác trong phòng, cùng hiệu quả công việc nếu không muốn nói tốt hơn nhưng đến tháng lĩnh lương bao giờ cũng nhận ít hơn các nhân viên này (khoảng 500.000 đồng/tháng).

Tìm hiểu lý do, H. được trả lời vì những nhân viên kia có bằng ĐH trong khi H. chỉ có bằng trung cấp. Sốc vì chuyện lương bổng một phần, phần vì cảm thấy có sự phân biệt đối xử giữa những người cùng công việc, cùng hiệu quả làm việc, H. cho biết sẽ sắp xếp thời gian học lấy bằng ĐH để được nhận lương và khẳng định giá trị như đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TPHCM), cho biết: “Không chỉ có H., trước đây, khi trường chúng tôi còn là trường trung cấp, nhiều học sinh tốt nghiệp đi làm ở các doanh nghiệp về trường thăm thầy cô thường hỏi khi nào trường mình trở thành trường cao đẳng, trường có tổ chức liên kết đào tạo liên thông cao đẳng - đại học không?

Khi chúng tôi hỏi lý do, các em trả lời, dù đã có việc làm đúng với ngành học, nhưng vẫn muốn học thêm vì có nhiều bạn cùng làm một việc như các em, hiệu quả như nhau nhưng lương cao hơn chỉ vì có bằng cao đẳng hay đại học”.

Việc một số doanh nghiệp trả lương có sự chênh lệch như trên là có thật trong khi vấn đề ở đây là kiến thức và kỹ năng của một học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp đáp ứng được công việc liên quan đến ngành mình đã học, có thể tự khẳng định mình trong thị trường lao động.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn, cũng có cùng tâm sự với câu chuyện tréo ngoe.

Bà kể, nhiều nhà hàng, khách sạn, nhất là các nhà hàng, khách sạn thuộc hệ thống nhà nước, thường xuyên gọi điện nói về sự “đáng tiếc” với tấm bằng trung cấp hay chứng chỉ nghề của học sinh nhà trường đang làm việc. Những học sinh tốt nghiệp trường nghề này quá thạo việc nhưng tiền lương được trả vẫn căn cứ theo quy định bậc lương.

Xúc phạm và gian lận

Những đòi hỏi bằng đại học, thậm chí là bằng trường này trường kia, trường ở thành phố hay ở tỉnh... cho những công việc không cần đến trình độ đại học được ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh & xã hội TP.HCM, nhận định là “những đòi hỏi hết sức vô lý”.

Ông nhận xét: nếu có khả năng thì việc theo tấm bằng đại học là chuyện chưa bao giờ sai nhưng công việc gì, cần ai, trình độ nào phù hợp là chuyện cần phải nhìn nhận và sắp xếp hợp lý hơn.

Một giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã không giấu vẻ thất vọng với một lời “van xin”: “đừng đối xử với chúng tôi như thế!” khi kể về các lớp đại học tại chức mà mình tham gia giảng dạy. Học viên các lớp tại chức này là những nhân viên chưa được “chuẩn hóa bằng tấm bằng đại học”.

Để thuận tiện trong việc tiến cử vào các vị trí lãnh đạo, họ tìm đến các lớp tại chức. Những học viên này ngày đi làm, đêm đi học cộng thêm gánh nặng tuổi tác khiến họ trở nên quá sức với những bài học đầy ắp chữ số. Vì thế, họ thản nhiên “mời thầy đọc báo” với chiếc phong bì kẹp trong tờ báo.

Bên cạnh đó là chuyện lớp trưởng các lớp luôn trổ tài “vận động” để “gửi gắm” cho thầy những món quà đầy ngụ ý. Thậm chí, giảng viên này còn kể chuyện đồng nghiệp mình có lần suýt bị đánh ngay tại hội đồng thi khi “dám” lập biên bản những bài thi được chép từ “phao”.

“Cách lấy điểm rồi lấy bằng cấp bằng mọi cách để đối phó với những lợi ích về kinh tế qua cơ chế tuyển dụng trọng bằng cấp đã khiến nhà giáo chúng tôi bị đối xử như thế”, giảng viên này nhận định.

Trong khi đó, với cách tuyển dụng dựa vào bằng cấp, dù là bằng cấp không do thực học, được ông Nguyễn Toàn mổ xẻ: khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất (kèm theo chế độ lương bổng, khen thưởng - kỷ luật nghiêm minh) về kết quả hoạt động, sự sống còn của một đơn vị thì không một lãnh đạo nào dám tuyển cán bộ - nhân viên mà không xem trọng năng lực làm việc. Khi ấy, bằng cấp chỉ là tấm giấy giới thiệu mà thôi.

Việc tuyển dụng người có bằng cấp mà không quan tâm đến năng lực làm việc là việc tuyển dụng kiểu chơi ngông, doanh nghiệp không phát triển và thậm chí sẽ phá sản.

Hiệu quả công việc là thước đo năng lực

Bằng cấp, nếu đúng bản chất và năng lực của người sở hữu nó, chính là thước đo hiệu quả năng lực của con người. Lúc tuyển dụng, khi mà người sử dụng lao động không có bất kỳ thông tin nào khác thì bằng cấp chính là minh chứng cho năng lực thật sự của chúng ta. Còn khi sử dụng lao động thì hiệu quả công việc mới là thước đo chính xác để đánh giá năng lực của công việc.

Nếu mọi người trả bằng cấp về đúng với giá trị thật và vai trò của nó, chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa thật sự của nó.

LÊ QUỐC ĐAI- lqdatbk@...

Bằng cấp không còn quan trọng

Thật sự, với xã hội hiện nay, xu hướng xem nặng bằng cấp bắt đầu không còn nữa. Xã hội phát triển có thể dễ dàng thấy xu hướng tuyển dụng hiện nay của các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung chú trọng vào khả năng chuyên môn và kinh nghiệm chứ không phải bằng cấp.

Nhưng nghịch lý là ngày càng nhiều người không có khả năng thì bằng cấp lại cao vì có thời gian rảnh rỗi đi học, còn những người giỏi được đánh giá cao lại ít có thời gian đi học hơn.

Từng học một lớp đào tạo thạc sĩ QTKD tại một trường khá lớn tại TP.HCM, tôi thấy một thực trạng là hầu như những học viên đi học là nhân viên bình thường, công việc đơn giản, hiếm khi nào có một trưởng phòng mà lại đi học.

(NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU- giảng viên Trường cao đẳng Tài chính hải quan)

Theo Đoàn Từ Duy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG