"Dương thịnh âm suy"

Khi giảng đường hiếm nữ

Khi giảng đường hiếm nữ
Ở những trường kỹ thuật như Đại học Bách Khoa (Hà Nội), tỷ lệ "dương thịnh, âm suy" khá phổ biến. Khi giảng đường hiếm nữ, cuộc sống sinh viên của các chàng ra sao?
Khi giảng đường hiếm nữ ảnh 1
Thư viện không một bóng hồng. Ảnh: Thanh Niên

Tại một trang diễn đàn khá phổ biến của các bạn trẻ, chủ đề "Con gái bách khoa ngày nay..." được mở đầu từ tháng 8/2003 và kéo dài tới tận bây giờ. Số trang liên quan đến chủ đề này hiện tại là 61 và còn có triển vọng tăng lên dài dài, bởi đây luôn là vấn đề "nóng" trong nhiều trường tự nhiên, kỹ thuật: một khi lớp học toàn "đực rựa" thì "con gái lớp mình, con gái trường mình" trở thành vấn đề quan tâm số 1 của các chàng!

"Dương thịnh âm suy"

Lướt qua các lớp học của Trường đại học Bách khoa (Hà Nội), chứng kiến tỷ lệ "chênh lệch giới tính" quá lớn mới... cám cảnh cho cánh mày râu!

Lớp BK27, K46 từng tự hào vì có tới 7 bạn nữ trên tổng số 45 thành viên - một con số cao đến mức khiến các lớp khác phải... ghen tị thì sau học kỳ I của năm học đầu tiên, con số kia chỉ còn 6 và sau học kỳ II "rơi rụng" còn 5!

Nhưng dù sao 5 bạn nữ vẫn là nhiều, chứ ở các lớp khác trung bình mỗi lớp chỉ có 3, 4 cô; đặc biệt có những lớp chỉ duy nhất 1 sinh viên là phái yếu, rồi lại có lớp không tìm thấy bóng dáng một "mống" con gái nào, khiến cho tình hình càng thêm "bức bối"...

Hình ảnh hay bắt gặp nhất khi dạo quanh các lớp này là số nữ hiếm hoi tụm lại ngồi chung một bàn, thường là bàn đầu. "Phần còn lại của thế giới" chiếm hầu hết không gian lớp học.

"Hồi phổ thông tớ được học ở những lớp "cân bằng về giới", nay vào trường này ít nữ quá, bọn tớ cũng chuếnh choáng ít nhiều!", Anh Tú, lớp BK27 K46 dí dỏm thổ lộ.

Theo cậu, vì không có con gái trong lớp nên con trai đâm ra luộm thuộm, "bê tha"; có cậu mặc cả quần đùi đi học! Thì không có con gái, con trai biết "làm duyên" với ai!

Tuấn, lớp K47 thì kể một kỷ niệm vui: "Con gái hiếm nên đâm ra được lưu ý quá cỡ thợ mộc: có lần một bạn nữ "dám" mặc váy đi học, thế là ngay lập tức trong sáng hôm đó bạn ấy đã nổi tiếng... như cồn (?!)".

Cứ ngỡ của hiếm phải là của quý, ấy vậy mà không hiểu sao trong giới sinh viên lại "lưu truyền" những câu thơ - ca - hò - vè vô cùng "rùng rợn" về con gái bách khoa khiến phe con gái tức anh ách. Mà hầu hết các câu thơ con cóc... cụ, những lời nhại bài hát này đều xuất phát từ nam sinh viên cùng ngành mới thật khó hiểu(?!).

Nào là: "Ruộng sâu, trâu nái, gái bách khoa"; nào là: "Trai bách khoa như chim anh vũ/Gái bách khoa như củ sắn lùi/Gái sư phạm như cành liễu rủ/Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi/Sao không để cho chim anh vũ đậu cành liễu rủ/Còn khỉ cụt đuôi ôm củ sắn lùi...".

Rồi lại: "Một người đàn bà chạy quanh ta á à a/Một người đàn bà vừa xấu lại vừa già/Một người đàn bà độc ácccccccccc/Ôi con ma con ma/Ôi bách khoa bách khoa/Gái xấu hơn con ma...". Quá sức tưởng tượng!

Mọc dài những... cái đuôi

Khi giảng đường hiếm nữ ảnh 2
Lớp học nam nữ cân bằng như thế này mãi chỉ là niềm ao ước của dân bách khoa? Ảnh: Thanh Niên

Tuy có nhiều bài vè, thậm chí là những cuộc "bình luận" về sắc đẹp cũng như tình trạng hiếm hoi con gái trong ngành kỹ thuật ngày càng tăng trên các diễn đàn, nhưng đó chỉ là các chàng tán dóc với nhau cho vui thôi chứ hiếm đương nhiên là... quý lắm!

Anh Tú tự hào: "Với con gái bách khoa không có khái niệm xấu mà chỉ có xinh nhiều, xinh ít và... xinh cực ít mà thôi (?!). Nhưng đã là con gái bách khoa thì lúc nào cũng có ít nhất từ 3 đến... 30 chàng theo đuổi. Mà anh nào cũng rất hiền lành, tử tế và... xinh trai theo đúng "tiêu chuẩn" bách khoa!

Điều này cũng khiến các bạn nữ trường khác đôi khi phải ghen tị đó nhé! Những ngày "nữ quyền lên ngôi" như 8/3, 20/10 thì mới thấy làm con gái trường mình sướng đến cỡ nào. Cả lớp chỉ có vài bạn nữ, bọn tớ không xúm vào "chăm sóc" thì còn biết chăm ai bây giờ?".

Chính vì "cung không đủ cầu", nữ trong trường đã ít lại bị các nam sinh viên trường khác "lấy trộm" (yêu) mất một phần nên các chàng bách khoa đâm ra "dằn dỗi", kiểu "ta đây cóc thèm", chứ thực ra thì họ cũng "xót" lắm.

Bằng chứng là bài nhạc chế sau đây: "Đêm thất tình ngồi uống rượu/Mà rượu vào là lời ra/Tại sao gái bách khoa/Lại không xài "hàng nội"/Thôi thì đành chấp nhận/Không lấy vợ là gái bách khoa...".

Trung Hiếu - sinh viên năm thứ tư Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết: "Mình thấy các bạn nữ hồi cấp III của mình nay học các trường khối A như bách khoa, xây dựng... đều rất dễ thương, nhất là cá tính của họ: thông minh, thẳng thắn, cởi mở. Mỗi lần bên trường mình có một bạn nữ "lọt" vào thăm là y như rằng vui hơn Tết, cả đám con trai kéo lại quây quần, đàn hát rất vui".

Theo lời Hiếu thì trường cậu cũng thuộc dạng "dương thịnh âm suy". Ngày trên giảng đường, chiều thư viện, tối đến căn-tin "tán dóc" với nhau từ "chợ huyện xuống thôn làng" thấy cũng chán nên khi trường có mở thêm lớp quân sự dành cho nữ thì các anh chàng trở nên... thanh lịch, đáng yêu hơn, có chàng còn "hóa thân" thành thi sĩ để làm thơ tặng nàng.

Trước đây, mỗi lần bước ra khỏi phòng anh nào anh nấy đều bận quần cụt thì giờ chỉn chu quân phục đi xuống căn-tin chờ đón những ánh mắt hồng... nguýt một cái làm duyên!

Ngọc Đại (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Con gái sư phạm thì không chê vào đâu được rồi nhưng mỗi tội mình lại thích con gái có cá tính mạnh, vì thế không ít lần "mò" sang bên bách khoa để rồi được ăn vài ngôn từ "cạnh khóe" tơi bời.

Để đối phó với vô số "ngón đòn" của các nàng thông minh này, mình chắc phải đi "tu luyện" thêm...". Anh chàng cười ranh mãnh khi tiết lộ "chiến dịch" tìm một nửa cho mình.

Từ khi các ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển thêm khối D, số nữ tăng lên nhiều, cân bằng phần nào tình trạng "khan hiếm tình cảm" cho các anh chàng. Có thêm gương mặt nữ hiện diện trong giảng đường, trong ký túc xá, các chàng cũng chỉn chu hơn, ít bỗ bã như xưa.

Hiếu cho biết: "Phòng mình có một anh cứ đến chập tối là lại xách ghi-ta chạy qua bên khu của các bạn nữ để mở "chiến dịch trái tim bên phải" của mình. Nếu tình cờ bị điểm danh chắc phải lội qua bên đó kiếm". Nhưng đến lượt Hiếu thì anh chàng cũng không giấu được: Hiếu cũng là một cây ghi-ta có tiếng khắp trong trường và đương nhiên, tiếng tăm "lẫy lừng" đó dễ gì không vang qua bên khu nữ? 

Bên cạnh tiếng đàn để lấy lòng phái đẹp thì việc thể hiện mình qua "đấu trường thể thao" cũng là thao tác ghi điểm của các chàng. Từ những chiều hè êm ả đến chiều thu se se, các chàng đều chăm chỉ xuống sân vận động dành cho khu nội trú để chơi bóng đá hay bóng rổ.

Nếu có sự cổ vũ và hâm mộ dù của chỉ duy nhất... một đôi mắt hồng thì cũng đủ làm biết bao trái tim của con trai bách khoa "suốt đêm thôi không ngủ"!

MỚI - NÓNG