Khi học sinh sáng tạo các dự án đầu tư

Nhóm học sinh đạt giải cuộc thi.
Nhóm học sinh đạt giải cuộc thi.
TP - Sáng tạo phòng thí nghiệm ảo để thỏa sức thử phản ứng hóa học, rút ngắn khoảng cách cha mẹ và con cái là 2 trong 8 dự án thuyết phục các chuyên gia để giành giải Nhất cuộc thi “Dự án đầu tư” của các nhóm học sinh Hà Nội được các chuyên gia đánh giá là ý tưởng đột phá, mang tính thực tiễn cao.

Phòng thí nghiệm ảo

Trước hàng nghìn học sinh, giáo viên và chuyên gia khởi nghiệp, Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 11A2, Trường THCS –THPT Newton lưu loát trình bày dự án “Phần mềm học hóa học”. Đề án biến cơn ác mộng học môn Hóa thành trò chơi thú vị được ban giám khảo yêu cầu trình bày trong 5 phút và phản biện các câu hỏi của chuyên gia, không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này không làm khó Thùy Dương và các thành viên trong nhóm.

Thùy Dương nhấn mạnh, với nhiều học sinh, môn Hóa đôi khi trở thành ác mộng với những con số khô khan, nhiều công thức cứng nhắc. Thực tế, học sinh được học thí nghiệm quá ít nên môn Hóa không thực sự hấp dẫn.

Ý tưởng, tại sao không có một phòng thí nghiệm ảo để học sinh có thể nhấp chuột cũng được trải nghiệm hàng trăm thí nghiệm hóa học khác nhau thay vì chơi game? Từ đó, nhóm được thành lập bởi 11 thành viên cùng trường, chung đam mê và bầu Dương làm nhóm trưởng.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, Dương phân công mỗi thành viên phụ trách một đầu việc như: marketing, khảo sát thực tiễn, thí nghiệm, xin ý kiến giáo viên dạy Hóa … Từ đó, nhóm quyết tâm thiết kế phần mềm ứng dụng thí nghiệm hóa học. Ở đó, học sinh có thể tiến hành tất cả các phản ứng hóa học theo công thức trong chương trình SGK của Bộ GD&ĐT. Đây là ứng dụng di động, vì thế học sinh có thể dễ dàng cài đặt vào điện thoại, máy tính để dùng bất cứ nơi đâu.

Thùy Dương cho biết, từ khi nảy ý tưởng đến nay, dự án được triển khai khoảng 3 tháng. Các thành viên đang thiết kế giao diện, phần mềm đang trong quá trình xây dựng, nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực nhóm sẽ thuyết phục và mời các công ty công nghệ đầu tư. “Nếu thành công, dự án có thể giúp học sinh Việt Nam dễ dàng học mà chơi môn Hóa học một cách hiệu quả, khắc phục được việc thiếu phòng thí nghiệm hiện nay”, Thùy Dương nói.

Đến khao khát được gần cha mẹ hơn

Dự án Kỹ năng mềm cho cha mẹ có tên tiếng Anh Parenting and Child Education khiến hàng nghìn người trong hội trường phải lặng đi, khi nghe Trịnh Việt Anh, học sinh lớp 10G thuyết trình ý tưởng kéo cha mẹ gần con cái hơn.

Việt Anh chia sẻ, hồi em học lớp 6 đến giai đoạn dậy thì, có những vấn đề không biết chia sẻ cùng ai. Nhiều lần, Việt Anh muốn chia sẻ với bố mẹ những bức bối, khúc mắc của bản thân nhưng sau một ngày mệt mỏi, gặp cha mẹ điều em nhận được là sự trách móc, đòi hỏi lẫn nhau. Từ đó, giữa cha mẹ và em có một khoảng cách khá lớn không thể khỏa lấp. “Đến mức, đã có lúc mình mong ra đường bị tai nạn giao thông để không phải trở về nhà nữa”, Việt Anh nói. Cho đến một ngày, tâm sự với bạn bè, bản thân nhận ra, đó không phải là câu chuyện của riêng mình.

Việt Anh nói: “Cha mẹ có thể là những người rất thành đạt, kiếm tiền giỏi nhưng lại vô cùng bận rộn trong khi con cái bị cô độc trong mớ bòng bong của mình”. Vì thế, nhóm có ý tưởng xây dựng một trung tâm kết nối, thúc đẩy mối quan hệ cha mẹ, con cái gần nhau hơn. Cụ thể, khi trung tâm được thành lập sẽ chuyên tổ chức những buổi hoạt động trải nghiệm mời cha mẹ và con cái cùng tham gia. Ở đó, phụ huynh không sử dụng internet, không công việc mà dành thời gian để trải nghiệm các hoạt động thường ngày như vui chơi, đi chợ, nấu cơm, cùng con làm việc nhà…để rút ngắn khoảng cách. Các đối tượng tham gia buổi trải nghiệm không nhất thiết là phụ huynh, học sinh trong cùng 1 lớp học mà có thể nhiều thành phần khác nhau. Khi đó, con cái và phụ huynh có thể nói chuyện với nhiều đối tượng khác nhau, sau đó mới trở về vấn đề của gia đình mình.

Việt Anh tin rằng, sau những buổi trải nghiệm như thế, con cái dễ dàng nói ra suy nghĩ của mình. Từ bản thân các thành viên trong nhóm cũng đã có thử nghiệm và đem lại kết quả thú vị. Việt Anh cho biết: Từ khoảng cách rất xa, sau nhiều lần trải nghiệm, em đã có thể chia sẻ được mọi điều với mẹ của mình. “Nếu thành công, năm nay, nhóm dự định sẽ thành lập một trung tâm kết nối, có địa chỉ rõ ràng để thử nghiệm”, Việt Anh nói.

TS Dương Thị Liên, Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp đánh giá, các ý tưởng của học sinh cực kỳ thực tế, có tính ứng dụng cao. Mỗi ý tưởng đều mang ý nghĩa đặc biệt, khiến người nghe bất ngờ vì tính sáng tạo đột phá của học sinh. Bà Liên ví dụ, ý tưởng kết nối phụ huynh, học sinh tuy đơn giản nhưng đúng vấn đề nóng, sau đây phụ huynh cũng phải giật mình nhìn lại nhu cầu, mong muốn của con cái. Đây không đơn thuần là vấn đề của một gia đình mà là vấn đề của xã hội, nhiều người vì mưu sinh đã lãng quên. Hay như dự án Phần mềm hóa học cũng đánh trúng vào điểm yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay là nặng lý thuyết, thiếu thí nghiệm, thực hành. “Nếu thành công, dự án có giá trị lớn khi giúp hàng triệu học sinh có thể giản đơn hóa việc học tập”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, qua các dự án, cho thấy học sinh có sự tự tin về ý tưởng của mình. “Có nhiều doanh nghiệp khi đến trình bày ý tưởng, dự án ở Bộ Khoa học và Công nghệ để xin tài trợ nhưng khả năng trình bày, thuyết phục còn thua học sinh như các em”, bà Liên đánh giá.

Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường THCS –THPT Newton cho biết, đây là mùa 2 trường tổ chức dự án kinh doanh để học sinh thể hiện năng lực tiếng Anh nổi trội, biến ý tưởng kinh doanh táo bạo thành hiện thực cũng như thúc đẩy sự tự tin của học sinh. “Những dự án xuất sắc sẽ được lựa chọn để tham dự cuộc thi Doanh nghiệp của năm (COY), một cuộc thi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bà Chính nói.

Chiều 5/1, tại trường THCS –THPT Newton, 8 nhóm học sinh đã trình bày dự án đầu tư kinh doanh của mình về các ý tưởng của riêng mình như: máy bán hàng tự động, tái sử dụng phế phẩm, chuột máy thông minh, kết nối cha mẹ và con cái…

MỚI - NÓNG