Khi trường đại học “bắt tay” doanh nghiệp

Khi trường đại học “bắt tay” doanh nghiệp
TP - Theo nghiên cứu của trường ĐH Kinh tế TPHCM về thị trường lao động tại các thành phố lớn…, chiến lược tuyển dụng lao động đã thay đổi theo hướng có lợi cho sinh viên mới ra trường.
Khi trường đại học “bắt tay” doanh nghiệp ảnh 1
Sinh viên trường ĐH dân lập Lạc Hồng đang thực tập tại một Cty máy tính

Các doanh nghiệp không còn chú trọng tìm kiếm nhân sự đã qua kinh nghiệm mà bắt đầu để ý đến những sinh viên sắp ra trường.

Tìm kiếm nguồn nhân sự tương lai

Có một thực tế là tuyển nhân sự đã qua kinh nghiệm phải trả mức lương cao, hơn nữa, những người có kinh nghiệm thường hay “nhảy” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, sinh viên vừa mới ra trường không đòi hỏi lương cao, lại nhiệt tình. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư kinh phí và thời gian để đào tạo nguồn nhân lực non trẻ theo xu hướng, chiến lược của Cty mình.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã vào tận các trường ĐH dưới nhiều hình thức “đầu tư” như cấp học bổng, tạo chỗ thực tập… nhằm tìm kiếm nhân sự tương lai.

Về phía các trường ĐH, họ không còn đào tạo sinh viên theo kiểu “đóng khung”  trong phạm vi nhà trường mà đã chủ động mở cửa, bắt tay với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng “chăm sóc” sinh viên.

TS Trần Hành - Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Lạc Hồng tự hào cho biết: Là một trường ĐH dân lập non trẻ, lại đóng trên địa bàn tỉnh (Đồng Nai) nhưng hàng năm, có đến 98% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.

Trường chủ động “bắt tay” với rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Khu Công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để  đào tạo sinh viên theo hướng vừa học vừa làm, vừa giỏi lý thuyết vừa thạo thực hành. Hiện nay, trường đã ký kết  bản hợp tác với trên 80 doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và ưu tiên tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập tốt. Nhiều doanh nghiệp như: Fujisu, Vedan, Pouchen,  Tân Bửu Long… đã  dành kinh phí để cấp học bổng hàng năm cho sinh viên của trường.

Riêng Cty Tái chế phế liệu ký hợp đồng cấp 100 triệu đồng/năm để làm học bổng cho sinh viên. Trường ĐH dân lập Lạc Hồng còn thường xuyên tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa doanh nghiệp và sinh viên để 2 bên hiểu nhau hơn trong xu hướng tuyển dụng.

Những buổi hội thảo này đã phần nào giúp sinh viên có định hướng học tập và có điều kiện ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trường Lạc Hồng cũng thường xuyên tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên.

Những đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị của sinh viên như tại Hội nghị nghiên cứu khoa học lần thứ 5 như: Quản lý khám và chữa bệnh ngoại trú; Robot thám hiểm; Nghiên cứu chế tạo bộ kít phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm; Quản trị nguồn nhân lực tại Cty TNHH Amanda VN... đã được nhiều doanh nghiệp “đặt hàng” đưa vào ứng dụng.

Đầu tư vào trường đại học: “Săn đầu người” kiểu mới

Bà Bùi Trân Phượng,  Hiệu trưởng  trường Cao đẳng bán công Hoa Sen (đã được Chính phủ đồng ý nâng cấp thành trường ĐH tư thục Hoa Sen) cho biết:

 Để sinh viên không ngỡ ngàng sau khi ra trường, từ năm 1992, trường  đã bắt đầu tiến hành phương pháp đào tạo xen kẽ (sandwich). Phương pháp này đòi hỏi sự tham gia của giới doanh nghiệp- nơi sinh viên sẽ trải nghiệm thực tế công việc và khai thác các năng lực cá nhân thực sự.

Và để đảm bảo yêu cầu đủ doanh nghiệp cho sinh viên thực tập (bằng 1/3 tổng thời lượng đào tạo), nhà trường đã thành lập Phòng Quan hệ Cty, chăm lo toàn bộ chương trình kiến tập, thực tập nhận thức, thực tập chuyên môn cho sinh viên, có mối quan hệ với hơn 800 Cty trong và ngoài nước.

Để tôn vinh những doanh nghiệp có quá trình gắn bó, hợp tác với nhà trường, hằng năm, nhà trường đã tổ chức lễ xướng danh. Theo đó, tại buổi lễ tốt nghiệp ra trường, bà Hiệu trưởng xướng danh tên sinh viên ra trường  và tên doanh nghiệp (nơi sinh viên được nhận vào làm việc) trong cùng một lúc.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng bắt đầu mở chiến lược “săn đầu người” bằng cách đầu tư vào các trường ĐH. Mới đây, Cty giải pháp Sài Thành  đã phối hợp với nhiều Cty “đại gia” như: Pepsi Co, Kinh Đô, Tribeco… tổ chức chương trình tìm kiếm, đào tạo tài năng lãnh đạo doanh nghiệp cho… ngày mai!

Trước mắt, trong năm 2006, Cty Sài Thành đầu tư hơn 120.000 USD để đào tạo 40 sinh viên đang học ở trường ĐH Kinh tế TPHCM. Những sinh viên này sẽ được “chăm chút” cẩn thận trong môi trường trường ĐH - doanh nghiệp và sau khi ra trường sẽ được mời về làm quản lý tại các doanh nghiệp tiếng tăm với mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến.

Ông Phạm Minh Cảnh, Tổng Giám đốc Cty giải pháp Sài Thành cho biết trong thời gian tới, với sự bảo trợ của nhiều doanh nghiệp, Chương trình tìm kiếm, đào tạo tài năng trong sinh viên sẽ được mở rộng đến tất cả các trường ĐH.

Mục tiêu của chương trình là, đưa thực tế đến gần với sinh viên hơn. Điều này giúp cho sinh viên không còn lo lắng, bỡ ngỡ khi ra trường.

MỚI - NÓNG