Khi trường ĐH 'bắt tay' doanh nghiệp

Khi trường ĐH 'bắt tay' doanh nghiệp
TP - Ngày 29/12 này, trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Chặng đường tuy không dài ấy cũng là minh chứng cho một phương cách làm việc đang tỏ ra hết sức thành công: Bắt tay cùng doanh nghiệp.

Con đường trở thành một trong những trường có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất (98%) là một câu chuyện rất dài…

Bí quyết nghề nghiệp!

Có một triết lý thực tế mà doanh nghiệp nào cũng biết nhưng đôi khi không thể làm gì được: Tuyển nhân sự đã qua kinh nghiệm vào làm việc thường phải trả mức lương cao nhưng nhân sự này còn hay “nhảy việc” từ nơi này sang nơi khác. Sinh viên mới ra trường không đòi hỏi lương cao, lại nhiệt tình nhưng đa số doanh nghiệp phải tự đào tạo lại.

Một trường đại học đào tạo được sinh viên ra trường đáp ứng ngay các yêu cầu công việc là trường sẽ thắng thế trong mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp. Cách tìm kiếm nhân lực dạng này được ví nôm na là “săn đầu người kiểu mới”. ĐH Lạc Hồng chính là một trong những nơi mà các doanh nghiệp nhắm đến đầu tiên.

TS Trần Hành (Hiệu trưởng hiện nay của ĐH Lạc Hồng) kể lại “bí quyết” mà từ trước đến nay ông chưa hé lộ cho bất kỳ người nào: “Thời điểm ấy, tôi trăn trở rất nhiều với một câu hỏi: Mấu chốt của một trường dân lập là gì?

Tôi xác định rằng đối với sinh viên của trường, phải được thực hành nhiều hơn. Vả lại, việc bức thiết ngay lập tức là tìm được hướng ra cho sinh viên, thì qua đó, uy tín của nhà trường mới nâng cao lên được.

Tôi đã bỏ công tìm hiểu, chen chân vào tham dự các hội thảo của các doanh nghiệp và đặt câu hỏi: Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên? Thật đáng mừng, doanh nghiệp nào cũng đang “khát” lao động trẻ và họ tư vấn giúp tôi cách để đào tạo sinh viên hiệu quả để ra trường là vào làm việc, không phải đào tạo lại”.

ĐH Lạc Hồng có một cách làm rất mới: sinh viên không phải làm báo cáo tốt nghiệp thay vào đó là làm nghiên cứu khoa học, sau khi đi thực tế tại doanh nghiệp.

Phải đến hội nghị NCKH sinh viên lần thứ 8, khi mà các doanh nghiệp chủ động đến tận trường nhận người khi sinh viên còn chưa rời ghế nhà trường, mọi ý kiến phản đối mới bắt đầu chuyển sang ủng hộ.

Xác định nghiên cứu khoa học là cốt lõi của việc nâng cao chất lượng đào tạo, hằng năm nhà trường đầu tư từ 300 triệu đến 400 triệu đồng cho mảng công tác này. Bởi, nhà trường quy định rất nghiêm khắc việc sinh viên đi thực tế: Phải đóng bảo hiểm tai nạn, chỉ cần có phản hồi vì vô tổ chức, chơi bời từ nhà máy là phải nghỉ học ngay lập tức!

Khẳng định một thương hiệu

Một con số rất đáng khích lệ cho trường ĐH Lạc Hồng là hiện nay có đến 98% sinh viên ra trường có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến tận trường để “đặt hàng” ngay từ khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp.

Hội nghị nghiên cứu đề tài khoa học sinh viên lần thứ 9

Khi trường ĐH 'bắt tay' doanh nghiệp ảnh 1

Ngày 27/12, trường ĐH Lạc Hồng đã tổ chức Hội nghị NCKH sinh viên lần thứ 9. Có tất cả 34 đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất của sinh viên ĐH Lạc Hồng đã được hội đồng thẩm định và đánh giá về chất lượng tính khả thi và thực tiễn.

Được đánh giá cao nhất và thiết thực nhất là đề tài nghiên cứu của hai sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin: Nguyễn Trọng Vinh và Trần Thanh Việt, đề tài mang tên “Chương trình hỗ trợ đánh giá thống kê các phiếu ý kiến”.

Đây là đề tài vô cùng mới mẻ và có tính thực tế ứng dụng cao. Chương trình này nhằm hỗ trợ cho phòng công tác sinh viên của các trường ĐH trong việc quản lý sinh viên, điểm danh sinh viên vắng theo ngày hay theo từng môn học.

Tự tạo các mẫu phiếu điểm cho lớp, có thể thiết kế được các mẫu phiếu bầu cử, thống kế tùy theo yêu cầu của công việc. Phục vụ cho các cuộc bầu cử, thống kê các ý kiến quy mô lớn…

Công trình nghiên cứu này đã được áp dụng thực tế vào phòng công tác sinh viên của ĐH Lạc Hồng bước đầu đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ.  

Nhiều sinh viên khi được đưa về thực tập tại các doanh nghiệp đã chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình, được “đặt chỗ” trước sau khi ra trường. Theo TS Trần Hành, có được điều ấy là do lợi thế của trường nằm cạnh các khu công nghiệp nên nắm bắt được nhịp điệu sôi động tại đây.

Thêm nữa, nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo thực hành, giúp sinh viên nắm thật kỹ cách làm việc để khi đi thực tập, đi làm tại các doanh nghiệp sẽ không bị “chê”.

Hàng năm, trường ĐH Lạc Hồng huy động được khoảng 500 triệu đồng tiền học bổng cho sinh viên từ đóng góp của các doanh nghiệp. Đây chính là kết quả từ việc ký kết hợp tác với hơn 80 doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và ưu tiên tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập tốt. Nhiều doanh nghiệp như Fujitsu, Vedan, Pouchen, Tân Bửu Long… đã dành kinh phí để cấp học bổng hàng năm cho nhà trường.

Cũng như thế, Công ty tái chế phế liệu đã ký hợp đồng cấp học bổng 100 triệu đồng/năm cho học bổng nhà trường. Mỗi năm, ĐH Lạc Hồng vẫn thường tổ chức những cuộc gặp gỡ thú vị giữa doanh nghiệp và sinh viên để hai bên có thể hiểu nhau hơn.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cho nhà trường, hiện nay ĐH Lạc Hồng đang đầu tư đề cử sinh viên đi thực tập, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và tổ chức liên kết đào tạo hai giai đoạn: 2 năm trong nước – 2 năm nước ngoài và bằng tốt nghiệp do trường bạn cấp.

Năm học 2006-2007 đã đưa được 12 sinh viên đi học Master tại Đài Loan ngành Cơ khí, 10 sinh viên theo học Thạc sỹ tại Hàn Quốc, 7 sinh viên đi thực tập 1 năm tại Trung Quốc và 2 sinh viên du học hè tại Mỹ. Từ năm 2002-2006 đã giới thiệu cho 4.464 sinh viên tìm được việc làm.

MỚI - NÓNG