Khó kiểm soát bạo lực học đường

Khó kiểm soát bạo lực học đường
TPO - Dồn dập các clip nữ sinh đánh bạn, xé quần áo, rồi tung clip lên mạng để khoe “chiến tích” khiến nhiều phụ huynh lo lắng: phải chăng chúng ta đang bó tay với bạo lực học đường?

>> Đuối học "treo" nữ sinh đánh hội đồng bạn

Khó kiểm soát bạo lực học đường ảnh 1
Nữ sinh bây giờ cũng sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng... chân tay. Ảnh minh họa

Phản ứng chậm vì hết tuổi xì tin

Sau cuộc họp ra quyết định kỷ luật các học sinh liên quan đến vụ đánh hội đồng bạn cùng lớp, đưa clip lên mạng, ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho hay: “Luật pháp còn có án treo được, thì trong trường cũng có thể làm. Cũng không văn bản nào của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định cụ thể, cái chính là chúng ta vận dụng như thế nào để có tác dụng giáo dục học sinh nhận thức lỗi của mình, và răn đe những học sinh khác!”.

Theo ông Sơn, quyết định kỷ luật này nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và tất cả các học sinh liên quan. Tuy nhiên, có một chi tiết lấp lửng: đuổi học “treo”, theo dõi trong một năm.

Ông Sơn phân trần: “Một năm ở đây không phải 365 ngày tính từ hôm nay, mà nghĩa là một năm học”. Nhưng năm học chỉ còn khoảng ba tháng nữa là kết thúc và ông Sơn cho rằng như thế “đã đủ mang tính giáo dục và răn đe”.

Trong vụ clip gây phẫn nộ này, nhiều người cho rằng, nhà trường biết chuyện quá chậm, dù liên tục trong nhiều ngày, clip được hàng ngàn lượt người xem, thậm chí được đưa ngay trên diễn đàn của học sinh trường Trần Nhân Tông.

“Chúng tôi không còn tuổi xì tin, hơn nữa, tôi chỉ quan tâm đến website của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, chứ xem làm gì mấy website linh tinh”, ông Sơn cho biết.

Về việc giáo viên chủ nhiệm chỉ biết vụ việc khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, ông Sơn cho rằng, học sinh chỉ bàn bạc về vụ này trên mạng, không nói trên lớp, nên giáo viên chủ nhiệm và nhà trường không nắm được.

Báo động bạo lực học đường

Nhiều phụ huynh, sau khi xem các clip trên mạng, bày tỏ, họ thấy sợ hãi vì con mình dường như chưa được bảo vệ đúng mức cần thiết. Chị Bùi Ngọc Biển (Hà Nội), có con gái đang học cấp hai tâm sự: “Mấy hôm nay, tôi không ngủ được, nhắm mắt vào lại mơ thấy cảnh con mình bị hành hạ. Vợ chồng tôi hằng ngày đưa đón cháu đi học, nghĩ vậy là an toàn, nhưng xem clip rồi mới hãi, mình không thể giám sát con 24/24. Biết thế nào là đảm bảo an toàn cho con trẻ bây giờ?”!

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng tăng mạnh, Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, tâm sự: “Chúng ta quá mải mê với việc dạy thế nào, học thế nào, tổ chức thế nào... mà việc đạo đức học sinh xuống cấp nghiêm trọng thì chúng ta chưa tìm được biện pháp chấn chỉnh!”.

Theo Giáo sư Cương, không thể coi việc học sinh đánh nhau là bình thường.

Thứ nhất, các clip cho thấy việc đánh nhau là có tổ chức.

Thứ hai, trên thực tế còn nhiều vụ đánh nhau bằng hung khí, dẫn đến thương tích, thậm chí chết người như vụ học sinh trường Nguyễn Trãi bị chém nhầm!

Thứ ba, về phía nhà trường, gia đình, xã hội, ba nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất tới sự hình thành tư cách con người, lại đang thiếu quan tâm cần thiết tới các em học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, Giáo sư Cương cho rằng, nên học hỏi cách kỷ luật của các nước khác.

“Tôi đơn cử như ở một trường tại Mỹ, có học sinh đi học muộn 1 phút 12 giây liền bị phạt rửa bát 4 tiếng trong nhà ăn của trường. Ngoài ra, nhà trường gửi thông báo cho phụ huynh nói rõ lý do và hình thức phạt. Lần khác, học sinh này đi dép lê vào phòng ăn, liền bị bắt lao động công ích hai tiếng đồng hồ".

"Trong khi đó, ở Việt Nam, đi muộn năm phút chỉ phải ngồi chờ, vậy là phí 40 phút chẳng để làm gì, chúng ta nên chú ý tới những chi tiết tưởng chừng nhỏ mà không nhỏ này!” - Giáo sư Cương nói.

Hổng nhân cách!

Thạc sỹ Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, nhiều học sinh không được chơi theo đúng nghĩa là giao lưu với bạn cùng lứa, với người lớn tuổi hơn để học những điều tốt.

Phần lớn thời gian của trẻ ngày nay là ở nhà trường, thời gian ở nhà thì xem TV, lên Internet. Như vậy, nhóm bạn của trẻ là những nhóm bạn tự phát, không thể kiểm soát được, dễ chịu ảnh hưởng từ hành vi xấu.

"Hơn nữa, tôi cho rằng, chúng ta ngày nay “nhồi” cho trẻ quá nhiều kiến thức không cần dùng trong cuộc sống. Ví dụ, chúng ta đâu có dùng vi phân, tích phân, khai căn... trong cuộc sống nếu chúng ta không phải là nhà khoa học?".

"Ngoài ra, xã hội và gia đình cũng có nhiều mặt tiêu cực ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ. Nói tóm lại, vấn đề ở đây là lỗ hổng nhân cách mà chúng ta chưa có biện pháp khắc phục triệt để!"

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.