Khóc trước cổng trường công lập: Nghịch lý ở đâu?

Tiếng khóc của những bậc phụ huynh, lẽ ra không đáng khóc ở trước một cổng trường công lập vì xin cho con được đi học. Vì đó là quyền lợi chính đáng.

Những ngày này, câu chuyện về cuộc chạy đua của các bậc phụ huynh cho con em mình được vào học tại các trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đang trở thành chủ đề nóng của dư luận. Không ít người cảm thấy 'chóng mặt' khi chứng kiến màn tăng điểm chuẩn được so sánh như chơi chứng khoán của một trong số những ngôi trường công lập ở Hà Nội: trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Từ 46 lên 49 rồi 50,5 chỉ trong nháy mắt. Đương nhiên, khổ nhất vẫn là học sinh và phụ huynh.

Giữa cái nóng hè như thiêu đốt, họ đứng trước cổng đường, chăm chú từng giây từng phút 'canh điểm' cho con vào trường. Người ta nhìn thấy những giọt nước mắt, nghe thấy những âm thanh ca thán, van xin, thậm chí là chửi thề của nhiều phụ huynh khi không thể xin học cho con.

Thế nhưng, Bộ Giáo dục thì vẫn chưa lên tiếng. Dường như đó chỉ là chuyện riêng của phụ huynh và nhà trường thôi vậy!

Tuy nhiên, trong cuộc chiến 'chạy đường chạy lớp' này, liệu phụ huynh đã hiểu rõ hết quyền lợi của con em mình?

Hiến pháp Việt Nam khẳng định, được học tập là quyền cơ bản của mỗi công dân. Câu nói 'Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệu ở đất nước chúng ta đã thực sự làm được?

Khóc trước cổng trường công lập: Nghịch lý ở đâu? ảnh 1  

Nền giáo dục Việt Nam rõ ràng đang tồn tại quá nhiều vấn đề, mà một trong số những điều căn bản đó chính là chưa đáp ứng được một cách trọn vẹn quyền được học tập của mỗi công dân.

Hãy nhìn những đứa trẻ khi mới chỉ 11-12 tuổi, các em đã phải trải qua những thử thách mang tính 'lựa chọn cuộc đời'. Ấy là những kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh lớp 6 với tỷ lệ chọi còn cao gấp chục lần so với cả kỳ thi đại học. Trẻ em Việt, quả thực quá khổ, tuổi thơ chất đầy những cặp sách, bài vở và vô vàn áp lực từ cha mẹ, thầy cô đè ép chỉ để thực hiện cái quyền cơ bản của chính mình.

Thế rồi, nền giáo dục lại sản sinh ra biết bao trường chuyên, lớp chọn, cuộc chạy đua của các phụ huynh cho con em mình lại càng trở nên khốc liệt. Chẳng ai dám chắc 100% rằng việc được vào học tại các trường chuyên, lớp chọn sẽ tốt hơn những ngôi trường khác, cũng như không ai dám chắc mớ rau mua ngoài chợ chắc chắn sẽ kém ngon, kém sạch hơn mớ rau được mua từ siêu thị. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể chấp nhận đó là những sự lựa chọn tất yếu được sản sinh từ nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, với một đứa trẻ nếu không được bố đưa vào học tại trường quốc tế vì không đủ điều kiện, cũng không được mẹ cho vào học tại một ngôi trường thực nghiệm hay trường chuyên (tạm gọi là theo thị hiếu của xã hội), vậy thì đứa trẻ đó phải được học tại trường công lập. Đó là lẽ dĩ nhiên. Hệ thống trường công lập chính là thước đo, cũng là căn bản của nền giáo dục.

Và nền giáo dục đúng nghĩa phải là nơi mà những đứa trẻ được học tập và rèn luyện không ngừng, thay vì là phải chạy đua với những kỳ thi. Đừng bắt những đứa trẻ mới 12, 15 tuổi phải đưa ra những quyết định cho cuộc đời của các em. Và nếu có thì ở tuổi 18 - với kỳ thi đại học - khi những đứa trẻ đã bước vào độ tuổi trưởng thành, điều đó đã là quá đủ.

Ngày hôm trước, một cô bé lớp 11 đã viết thư gửi đến Bộ Giáo dục, trong đó có đoạn như sau: 'Thực ra, cháu sợ ngay từ khi đặt chân vào trường THPT… Cả một bộ máy giáo dục xoay như chong chóng để chạy theo thi cử. Cháu tự hiểu học là để thi. Nếu học không để thi, cháu không còn biết thêm ý nghĩa nào khác nữa. Nội dung cháu học, vở ghi chép cháu ghi, sách vở cháu có đều là luyện đề, giải đề, các dạng đề, cấu trúc làm đề, mẹo làm đề sao cho đạt điểm cao, giải bài sao cho đơn giản, nhanh nhất. Học sinh ngày nay chỉ biết sách vở, cái thực tế trong sách vở cũng chỉ là thực tế của những con chữ vô hồn'.

Nền giáo dục Việt Nam đang làm gì với những đứa trẻ thế này?

Rõ ràng, cả hệ thống giáo dục lẫn Nhà nước của chúng ta đều chưa làm tròn bổn phận của mình, đó chính là đảm bảo quyền cơ bản rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng được 'có cơm ăn, áo mặc và được học hành'.

Còn với những bậc phụ huynh, chính họ cũng chưa hiểu hết quyền lợi của con em mình. Tiếng khóc của những bậc phụ huynh, lẽ ra không đáng khóc ở trước một cổng trường công lập vì xin cho con được đi học. Vì đó là quyền lợi chính đáng.

Năm học 2018-2019, ở Hà Nội có 64.990 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, trong khi số lượng thí sinh tốt nghiệp dự tuyển 105.000 học sinh, đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng hơn 40.000 em sẽ phải tìm đến những ngôi trường ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường đào tạo nghề… Ở TP.HCM năm nay cũng có khoảng 20.000 thí sinh rơi vào tình cảnh tương tự.

Những con số đáng phải giật mình lý giải được cho rất nhiều vấn đề. Rằng cuộc đua vào lớp 10 đang diễn ra thực chất cũng chỉ là cuộc đua giành những chiếc ghế ít ỏi mà thực lực của ngành giáo dục chuẩn bị được. Rằng vì sao cho đến tận bây giờ giáo dục Việt Nam vẫn chỉ đặt mục tiêu là hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Trong khi, những quốc gia như Triều Tiên đã phổ cập tới lớp 12, còn Cu Ba thì đã phổ cập đại học.

Theo Theo tiin.vn/Đất việt
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.