Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục:

Không bắt buộc có một bộ sách giáo khoa

Không bắt buộc có một bộ sách giáo khoa
TP - Theo dự thảo mới nhất luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, sách giáo khoa sẽ không chỉ có một bộ và Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo hoặc hiệu trưởng nhà trường được quyền lựa chọn để dạy cho học sinh bộ sách nào.

Khoản 3, điều 29 Luật Giáo dục hiện hành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mà còn duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, khoản này được sửa theo hướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn là người có thẩm quyền ban hành chương trình giáo dục phổ thông và “duyệt sách do tổ chức, cá nhân biên soạn được sử dụng để làm sách giáo khoa”.

Ngoài ra, “Bộ trưởng  Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa”. Vậy ai là người có thẩm quyền lựa chọn để sử dụng ở các cơ sở giáo dục trong số những cuốn sách được Bộ trưởng quyết định được sử dụng làm sách giáo khoa?

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đưa ra hai phương án. Phương án một, là giám đốc Sở GD&ĐT. Phương án hai, là hiệu trưởng nhà trường.

Sinh viên sư phạm không được miễn học phí vô điều kiện

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục bản mới nhất có 10 nội dung sửa đổi, bổ sung. Ngoài những điểm mới giới thiệu ở trên, điều 50 sửa đổi, bổ sung các nội dung về điều kiện thành lập nhà trường. Theo luật hiện hành, các điều kiện thành lập nhà trường chỉ có hai yêu cầu đơn giản về đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị. Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, điều 50 được sửa đổi hoàn toàn, trong đó chia ra riêng rẽ các điểm điều kiện thành lập nhà trường, điều kiện đăng ký hoạt động của  nhà trường với những yêu cầu phức tạp hơn, chặt chẽ hơn.

Khoản 3 điều 89 Luật Giáo dục hiện hành quy định, học sinh – sinh viên sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung bỏ cụm từ “không phải đóng học phí”. Thay vào đó là “được hưởng tín dụng ưu đãi”. Nhưng điều khoản này được bổ sung thêm quy định: “khi ra trường nếu làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí”.

Với quy định này có thể hiểu, học sinh – sinh viên sư phạm và người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm được miễn học phí với điều kiện phải làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân sau khi đã ra trường.

Cũng trong điều khoản này có một nội dung mới được bổ sung: “Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khoá nghiệp vụ sư phạm”.

Tăng quyền cho Bộ trưởng

Điều này thể hiện cụ thể ở nội dung sửa đổi khoản 1 điều 42, khoản 1 điều 51. Theo luật hiện hành, việc ra quyết định thành lập trường đại học, việc giao cho viện nghiên cứu khoa học nào đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường ĐH đào tạo trình độ thạc sĩ... là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng theo nội dung luật sửa đổi, bổ sung, thẩm quyền này thuộc về Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ví dụ, điểm d khoản 1 điều 51 được sửa đổi như sau: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định đối với trường cao đẳng, trường đại học, dự bị đại học; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề quyết định với trường CĐ nghề” (Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường).

Cũng ở điều 51 theo luật hiện hành có điểm đ khoản 1 có quy định  “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học” thì dự thảo luật sửa đổi bổ sung bãi bỏ nội dung này.

Cũng theo tinh thần này, luật hiện hành có khoản 6 điều 43 (văn bằng đại học) quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định văn bằng tốt nghiệp tương đương trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ của một số ngành chuyên môn đặc biệt” thì dự thảo luật sửa đổi, bổ sung bãi bỏ nội dung này. 

MỚI - NÓNG