Không cần thi cũng... đỗ tốt nghiệp

Không cần thi cũng... đỗ tốt nghiệp
Trong danh sách đỗ tốt nghiệp phổ cập THCS của Trường THCS Đại Ân 2, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có rất nhiều học sinh không hề tham dự bất cứ kỳ thi nào.
Không cần thi cũng... đỗ tốt nghiệp ảnh 1
Có thẻ dự thi nhưng không đi thi vậy mà Trà Huông vẫn có tên trong danh sách đỗ tốt nghiệp phổ cập THCS. Ảnh: Công an Nhân dân.

Trường THCS Đại Ân 2 của huyện Long Phú (Sóc Trăng) là một trong những đơn vị nhiều năm liền hoàn thành tốt công tác phổ cập giáo dục THCS.

Tuy nhiên, nhìn những con số "đẹp như mơ" trong báo cáo, danh sách HS đỗ tốt nghiệp và kiểm chứng với thực tế mới thấy rõ đây là những kết quả "ảo".

Không những thế, tại Trường THCS Đại Ân 2 thời gian qua cũng đã xảy ra những khuất tất với nhiều vấn đề liên quan đến vị Hiệu trưởng…

Không thi cũng… đỗ!

Sau khi cầm chắc trong tay danh sách những HS đỗ tốt nghiệp phổ cập THCS của đơn vị xã Đại Ân 2 từ năm 2003 - 2005, chúng tôi đã đi về các ấp: Ngan Rô 1, Ngan Rô 2, Lâm Dồ, Thanh Liêm, Tú Điềm, Bưng Lức và ấp Chợ để tìm hiểu sự thật.

HS đầu tiên tôi gặp là em Trần Lệ Xuân, con của bà Thạch Thị Mai, nhà ở gần UBND xã Đại Ân 2. Nhìn danh sách HS đỗ tốt nghiệp có tên con gái mình, bà Mai không khỏi giật mình vì: "Bé Mai nhà tôi đi học phổ cập có vài ngày, không đi thi mà đỗ tốt nghiệp thì đúng là… chuyện lạ".

Bé Mai cũng xác nhận: "Con có học được khoảng một tuần thì các bạn nghỉ gần hết nên con nghỉ luôn đến bây giờ".

Theo hướng dẫn của tôi, bé Mai đến Trường THCS Đại Ân 2 gặp thầy Hiệu trưởng Thái Đình Nhu để xin nhận bằng tốt nghiệp thì thầy Nhu bảo rằng khoảng… 3 năm nữa mới có(?).

Cũng trong danh sách này, khi thấy tên con gái mình (Lâm Thị Huệ), ông Lâm Hoàng Bụp (trước đây từng làm Chủ tịch xã) ở ấp Chợ trả lời rất thật: "Tôi nghe người ta nói con gái tôi được thi giùm nên mới có tên trong danh sách này. Nói thật là con Huệ có học nhưng đến lúc đi thi thì bị bệnh nên đâu có thi cử gì".

Lật lại danh sách ghi kết quả thi đỗ… 100% kỳ thi tốt nghiệp phổ cập THCS khóa ngày 24 và 25/12/2003, chúng tôi thấy có tên Kiên Thị Huệ, con ông Kiên Xuân ở ấp Tú Điềm. Tuy nhiên, Kiên Thị Huệ cho biết: "Ba năm trước có người vận động em đi học phổ cập, học được vài ngày thì nghỉ nên không thi".

Cũng lần theo danh sách này, chúng tôi đến nhà của Trà Huông, con bà Trà Thị Thương, ở ấp Ngan Rô 2 đúng vào lúc Huông đi ruộng về. Khi nghe hỏi đến chuyện học và thi phổ cập, Huông nói thật thà: "Tôi có giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời, có giấy dự thi không được dán hình với số báo danh 010041 do thầy Bùi Duyên Hồng ký nhưng không đi thi tốt nghiệp vì lúc ấy bận đi làm mướn ở An Giang".

Ông Đặng Công Khánh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Đại Ân 2 cho biết: "Sau khi tham gia vào tổ phúc tra để làm rõ nội dung đơn phản ánh của một số giáo viên của Trường THCS Đại Ân 2, tôi mới nghe dư luận nói đến chuyện thi hộ trong phổ cập THCS. Nghe nói cháu của anh Chủ tịch xã trước đây khi còn học cấp 2 cũng có thi hộ".

Hiệu trưởng… "bóp cổ" học trò nghèo

Không cần thi cũng... đỗ tốt nghiệp ảnh 2
Trong danh sách đỗ tốt nghiệp phổ cập THCS này có rất nhiều học sinh không hề tham dự bất cứ kỳ thi nào. Ảnh: Công an Nhân dân.

Theo báo cáo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Long Phú, Hiệu trưởng Thái Đình Nhu có hợp đồng với thầy Tiêu Văn An chụp ảnh cho học sinh phổ cập THCS với giá 8.000 đồng/em nhưng khi thấy hoàn cảnh học sinh quá khó khăn nên thầy Nhu đã xin UBND xã hỗ trợ kinh phí.

Theo phiếu chi của UBND xã Đại Ân 2 thì xã đã chi 4.060.000 đồng gồm kinh phí hỗ trợ đạt chuẩn về công tác phổ cập, công nhận hoàn thành xã đạt chuẩn phổ cập, tiền chụp hình… Thế nhưng, thầy Nhu đã sử dụng đến 3.560.000 đồng để… tiếp khách.

Chưa hết, khi thu tiền chụp hình cho học sinh lớp 9, thầy Nhu đã chỉ đạo giáo viên thu 12.000 đồng/em nhưng chỉ thanh toán lại với thầy An 8.000 đồng/em, số tiền chênh lệch 4.000 đồng/em đã chảy vào túi riêng của thầy Nhu.

Bà Lê Thị Nhành - Trưởng phòng Giáo dục huyện Long Phú cho biết, huyện đã triển khai công tác phổ cập THCS vào năm 2002. Đến nay chỉ có 2 xã chưa hoàn thành công tác này là xã Tân Thạnh và Lịch Hội Thượng. Mặc dù dư luận ở Long Phú xôn xao về chuyện không thi cũng đỗ tốt nghiệp nhưng bà Nhành đã cung cấp cho chúng tôi những con số "đẹp như mơ".

Cụ thể là năm 2004 huyện huy động được 2.107 HS tham gia các lớp phổ cập THCS nhưng có đến… 2.964 em đỗ tốt nghiệp(?). Năm 2005 huy động được 2.747 HS với 1.927 HS tốt nghiệp.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện HS không thi cũng có tên trong danh sách đỗ tốt nghiệp thì bà Nhành cho biết: "Tôi chưa nghe nói đến chuyện này. Vì thành tích, vì sự nghiệp giáo dục của huyện nhà nên chúng tôi… không làm chuyện gian dối(?)".

Trong danh sách đỗ tốt nghiệp phổ cập THCS này có rất nhiều học sinh không hề tham dự bất cứ kỳ thi nào.

Ông Mai Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sóc Trăng - cũng cho rằng chưa nghe, chưa biết chuyện này.

Có lẽ chính vì "chưa nghe, chưa biết" nên ông Nhân đã… xin chúng tôi cho photo lại những danh sách HS "tốt nghiệp 100%" ở xã Đại Ân 2 kèm theo lời hứa: "Tuần sau chúng tôi sẽ cho đoàn kiểm tra xuống làm việc với huyện Long Phú và Trường THCS Đại Ân 2..."

Theo Hồng Vân
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.