Không cho tuyển khối B: Để nâng cao chất lượng đầu vào?

Không cho tuyển khối B: Để nâng cao chất lượng đầu vào?
Ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH trao đổi về việc Bộ GD-ĐT không chấp thuận cho một số trường ĐH tuyển sinh khối B đối với các ngành công nghệ thông tin, tâm lý học... 

>> Bộ GD-ĐT cắt giảm chỉ tiêu khối B vào giờ chót

Không cho tuyển khối B: Để nâng cao chất lượng đầu vào? ảnh 1
Ông Ngô Kim Khôi

Ông Khôi cho biết:

- Theo quy ước, từ hàng chục năm nay khối B (thi các môn toán, hóa, sinh học) chỉ dành cho những thí sinh dự thi vào học các ngành thuộc nhóm ngành nông - lâm - ngư, y - dược, sinh học...

Cả nước có 125 trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin, không có trường nào tuyển sinh khối B, chỉ duy nhất Trường ĐH FPT có dự định như vậy.

Điều đó cho thấy việc bộ không chấp thuận cho Trường ĐH FPT tuyển khối B đào tạo ngành công nghệ thông tin không phải là vấn đề lớn, mới mẻ hay đột ngột gì mà chỉ là một việc làm phù hợp với quy ước từ trước đến nay...

Đối với ngành tâm lý học cũng vậy, từ trước đến nay các trường đều được quy ước là tuyển sinh khối C.

Nhưng thưa ông, đó chỉ là quy ước, không phải là quy định mang tính pháp lý. Vậy trong quá trình thực hiện, tùy theo nhu cầu đào tạo, sự phát triển của xã hội, các trường có thể điều chỉnh, thay đổi hay bổ sung khối thi nếu thấy cần thiết? Hơn nữa, những năm trước các ngành này ở một số trường từng được phép tuyển sinh bằng khối B?

- Tại sao phải phân chia thành các khối thi? Đó là vì mỗi khối thi có những môn thi mang đặc trưng riêng đáp ứng những mức độ yêu cầu khác nhau. Ngay như khối A và khối B, không chỉ khác nhau ở môn thi vật lý và sinh học mang đặc trưng riêng từng khối, hai khối thi này có cùng hai môn thi là toán và hóa, nhưng trong quy chế tuyển sinh cũng quy định rõ: đề thi toán khối A khó hơn toán khối B, hóa khối A khó hơn hóa khối B.

Vì vậy tại sao có thể tuyển bằng khối A hay khối C mà không thể tuyển bằng khối B là có lý do, có cơ sở... Khi lựa chọn khối thi, các trường cũng phải chọn phù hợp với quy ước chung.

Đối với một số trường từng được tuyển sinh khối B là trong những trường hợp đặc biệt, năm đó trường gặp khó khăn về nguồn tuyển hoặc là trường/ngành mới mở có khả năng sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu nếu chỉ tuyển bằng một khối thi nên đã được xem xét giải quyết để đa dạng hóa nguồn tuyển.

Năm nay các trường đó đã có quá trình xây dựng và phát triển, cần phải thu hút thí sinh bằng chính uy tín, tên tuổi, chất lượng đào tạo của mình. Đồng thời cần đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống, nên năm nay bộ quy định thống nhất như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã cắt bỏ phần thông tin khối thi mà không có sự trao đổi, thông báo trước với các trường. Mặt khác, do đây chỉ là quy ước nên việc lựa chọn khối thi cho các ngành đào tạo nên theo hướng “mở” để các trường có quyền chủ động và thí sinh có thêm sự lựa chọn, Bộ GD-ĐT không nên áp đặt, thưa ông?

Quy ước về khối thi có từ năm 1973. Trong quá trình áp dụng cũng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và sự phát triển, nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Ví dụ như đối với ngành công nghệ thông tin, khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh... trước đây chỉ tuyển sinh bằng khối A thì những năm gần đây đã tuyển cả khối D.

Nhiều ngành khác cũng có sự điều chỉnh, bổ sung khối thi. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh ở trên, sự thay đổi, bổ sung hay lựa chọn phải phù hợp, có cơ sở... Việc ĐH FPT muốn tuyển sinh đào tạo công nghệ thông tin bằng khối B thật sự là không phù hợp.

Về phía chúng tôi, việc rà soát và chấn chỉnh khối thi cho các ngành đào tạo trong cuốn Những điều cần biết... 2009 là cần thiết nhưng đúng là trong quá trình thực hiện còn chưa kín kẽ, đúng là nên có thông báo, trao đổi với các trường có liên quan...

Theo dự kiến của phương án sẽ áp dụng ngay từ năm 2010, các trường ĐH, CĐ sẽ được quyền tự xác định các tiêu chí để làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Như vậy liệu việc quy định khối thi như năm nay có quá cứng nhắc và không thật sự cần thiết?

Để có thể áp dụng được như vậy, công tác thi và tuyển sinh phải được đổi mới tổng thể và thực hiện đồng bộ. Phương án xét tuyển ĐH, CĐ không theo khối thi truyền thống như hiện nay nằm trong tổng thể đó và sẽ được thực hiện khi nào Chính phủ chấp thuận đề án đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Còn hiện nay, kỳ thi tuyển sinh năm 2009 vẫn đang phân khối thi, các trường vẫn phải thực hiện theo quy ước.

Cắt khối B là không đúng

Suốt mấy ngày qua, điện thoại văn phòng khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến reo liên hồi. Hộp thư điện tử của khoa cũng nhận tới tấp những câu hỏi từ các em học sinh. Nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề “Tại sao trên trang web của trường có xét tuyển khối B mà trong cuốn Những điều cần biết... của bộ lại không có?”. Biết trả lời sao đây?

Có thể nói tâm lý học là ngành có mối liên hệ mật thiết với rất nhiều ngành học, đặc biệt là ngành sinh lý học. Trong khái niệm về tâm lý chúng ta cũng thấy rõ mối quan hệ đó:

“Tâm lý là một trong ba mặt cấu trúc của một con người gồm: mặt sinh học, mặt xã hội và mặt tâm lý. Mặt tâm lý được hình thành trên cơ sở nền tảng của mặt sinh học và mặt xã hội”.

Vì thế trong những năm vừa qua, khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến xem khối B, C và D là những khối chính trong việc tuyển sinh đầu vào ngành tâm lý học.

Việc bộ cắt khối B vì lý do “chất lượng đào tạo” là không đúng. Bộ lại càng không đúng khi chỉ cắt khối B của một số trường. ĐH Văn Hiến đã có mười năm kinh nghiệm trong việc đào tạo về ngành tâm lý học. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của trường hầu hết là giảng viên từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số trường khác cùng đội ngũ bác sĩ tâm thần... giảng dạy theo định hướng của khoa là ứng dụng tâm lý học vào việc hành nghề chứ không phải là học lý thuyết suông.

Ngô Minh Duy
Giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG