Ngày đầu tiên Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ:

Không có cái mới thì đừng làm tiến sĩ!

Không có cái mới thì đừng làm tiến sĩ!
TP - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được hơn 20 chất vấn, trong đó 12 đại biểu đã được Phó Thủ tướng trực tiếp trả lời tại Hội trường.
Không có cái mới thì đừng làm tiến sĩ! ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Tôi cũng buồn về chất lượng luận văn tiến sĩ”

Đa số các chất vấn đề cập đến hai vấn đề “nóng” hiện nay là chất lượng giáo dục và công tác xã hội hóa giáo dục.

Không có cái mới, không vì khoa học thì đừng làm tiến sĩ!

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Văn Khánh về việc đến nay có bao nhiêu luận án tiến sĩ có thể áp dụng được vào thực tế, ông Nhân trầm giọng:

“Xin báo cáo thật với Quốc hội, tôi là một nhà giáo cũng đã từng hướng dẫn nghiên cứu sinh và đã ngồi nhiều hội đồng nghiên cứu sinh, nhiều lúc rất là buồn vì thấy chất lượng luận văn không có cái mới về khoa học.

Việc chưa đặt đúng mức yêu cầu khoa học của luận văn tiến sĩ đã trở thành một nếp bình thường trong thời gian dài, đến nay phải chấm dứt cái này, không được tầm thường hóa khoa học ở bậc tiến sĩ. Về nguyên tắc, thế giới làm tiến sĩ là phải đăng được báo quốc tế, mà đăng báo quốc tế phải có cái mới, chúng ta chưa đúng mức cái này”.

Bộ trưởng Nhân cung cấp thêm thông tin mà ông cho là “đau xót”: “Vừa rồi, ở một trường đại học có nhiều năm truyền thống, khi trao đổi với các thầy cô trong Ban giám hiệu và cán bộ chủ chốt, về nội dung tiến sĩ, chúng tôi thấy  nhà trường trong thời gian vừa qua có nhiều người làm luận văn tiến sỹ, như vậy là đáng mừng. 

Tôi hỏi thêm các luận văn tiến sĩ của trường ta có yêu cầu phải mới về khoa học không? Thầy hiệu trưởng trả lời: Không! Vì khoa học này quốc tế người ta làm hết rồi, chúng ta không làm mới khoa học được”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Bộ đang soạn quy chế đào tạo tiến sỹ, dự kiến tháng 12 trình Thủ tướng, trong đó yêu cầu luận văn tiến sĩ phải có cái mới về khoa học, không có là không được làm”.

Hệ thống sách giáo khoa có bình thường?

Không có cái mới thì đừng làm tiến sĩ! ảnh 2
Cái cặp vẫn to, lưng cháu thì nhỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nhân cho rằng: “Nói một cách khái quát thì chất lượng giáo dục được quyết định bởi 6 yếu tố: Một là chương trình giáo dục và hệ thống sách giáo khoa;Hai là đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy; Ba là cơ sở vật chất của ngành từ trường lớp đến trang thiết bị dạy học; Bốn là chất lượng học sinh đầu vào ở mỗi lớp học, bậc học; Năm là tài chính cho ngành; Sáu là quản lý của ngành”.

Liên quan đến hệ thống SGK, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian để giải trình việc dư luận cho rằng cặp sách các em đi học rất nặng vì học nhiều môn, nhiều sách.

“Xin báo cáo là không phải, chúng tôi đã cho kiểm tra số liệu thì năm ngoái Nhà xuất bản Giáo dục có nói tối đa lớp 5 sách vở chỉ có 1,8 kg và lớp 1 là 1,2 kg. Như vậy là ngoài một số dụng cụ học tập khác, nếu cặp không quá 1 kg thì cả cặp và sách không quá 3 kg.

Vừa qua có một trường hợp cân đến 4,8 kg, trong đó có chai nước uống, có dù, có một cuốn sách truyện nặng 600 gram... Như vậy, sách của ngành giáo dục không làm các em nặng, mà phải chú ý cái cặp, vì có những em riêng cái cặp không đã nặng 1,5 kg rồi...”.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) và đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội), đều đặt câu hỏi về sự không phù hợp của hệ thống SGK hiện nay và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có cuộc đối thoại riêng với các đại biểu QH về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: “Đội ngũ khoa học tham gia biên soạn SGK đều là những người có uy tín trong ngành, nhưng khoảng 80% những người tham gia biên soạn ở thời điểm biên soạn không dạy bậc phổ thông, cho nên có thể có những nội dung đưa vào chưa phù hợp.

Theo quy trình, trước khi sách đưa ra đại trà, phải dạy thử, tuy nhiên có khi các thầy triển khai dạy thử là học trò của thầy chủ biên cuốn sách, cho nên cũng có lúc chưa nói hết.

Trong việc biên soạn sách, đánh giá chung tôi thấy nội dung đảm bảo tính dân tộc, hiện đại. Nhưng cụ thể thì phải thông qua giảng dạy thực tiễn mới kết luận được. Cho nên Bộ có chủ trương tổ chức hội nghị hàng năm về SGK để lấy ý kiến phản hồi.

Ngoài ra có thể mời các nhà khoa học hoặc các thầy giáo làm một đề tài, một tổ nghiên cứu độc lập với Bộ để góp phần đánh giá SGK... Đối với bậc phổ thông, rất mong muốn được các thầy cô trong ngành tìm cách sớm đánh giá chất lượng bộ SGK”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã xin Quốc hội “đính chính” dư luận cho rằng nước ta có một hệ thống SGK không bình thường, học rồi năm sau phải thay, không dùng lại được.

“Đây là nhận định sai. Bộ Giáo dục không làm một việc như vậy. Vừa qua, chúng ta thay sách từ lớp 1 đến lớp 12, nếu lớp 1 thay sách mới thì sách cũ không dùng được nữa. Nhưng sang năm sau, sách lớp 1 đó vẫn dùng bình thường, đến sách lớp 2 cũng vậy...” - Ông Nhân khẳng định.

Học phí không tăng nhưng đã lên khung tối đa!

Không có cái mới thì đừng làm tiến sĩ! ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đang chất vấn

Xung quanh chất vấn về vấn đề xã hội hóa giáo dục, ông Nhân cho biết đây là chủ trương mà cách đây đúng 10 năm Nhà nước đã có Nghị quyết 90.

Bộ trưởng nói: “Có ý kiến cho rằng chúng ta xã hội hóa không đúng với chủ trương của Đảng. Chúng tôi xin báo cáo khái quát là làm đúng... Nếu xã hội hóa không có thêm sự đóng góp của người dân thì không phải là xã hội hóa.

Vấn đề là sự đóng góp đó phù hợp với khả năng của nhân dân, phù hợp với sự tự nguyện của các tầng lớp tham gia, chứ không phải sự cưỡng bức, gây khó khăn...

Cũng phải khẳng định, xã hội hóa càng nhiều thì số người đi học phải tăng. Xã hội hóa, số người đi học giảm là không đạt yêu cầu, trái mục tiêu của chúng ta”.

Liên quan đến vấn đề học phí, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì học phí 10 năm qua chúng ta không thay đổi, trong chừng mực nào đó là chưa sát với nghị quyết 90. “Học phí không thay đổi nhưng giá cả thay đổi nhiều. Chỉ có điều lúc đầu khung thấp, sau đó lên khung tối đa, rồi cứ nằm đó suốt nhiều năm nay”.

Theo Bộ trưởng, tới đây vấn đề học phí sẽ được triển khai theo tinh thần như sau: Thứ nhất, hễ là hộ nghèo thì không thu học phí; Thứ hai, chỉ thu một lần học phí, “gói một cục” chứ không đóng thêm để kiểm soát; Thứ ba, công khai chi học phí để phụ huynh, sinh viên giám sát; Thứ tư, từ khả năng tối đa của ngân sách và đóng góp của người dân, phải xác định giáo dục phổ cập phù hợp về mặt quy mô và chất lượng.

Ngành giáo dục cũng bức xúc về đạo đức nghề nghiệp

Về đạo đức nghề nghiệp, đây là vấn đề những người trong ngành chúng tôi rất bức xúc. Năm ngoái báo chí đăng khoảng 10 trường hợp thầy cô giáo có hành động trái đạo đức với học sinh, từ mẫu giáo cho đến cao đẳng. 10 trường hợp trong 1 triệu thầy cô giáo không phải nhiều, nhưng 10 trường hợp đó làm chúng tôi hết sức đau lòng.

Năm học này, cuộc vận động “Hai không” có thêm 2 nội dung mới, bên cạnh nói không với tiêu cực, thi cử, bệnh thành tích, còn nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với ngồi sai lớp.

Ngay sáng nay 16/11, chúng tôi được tin rất đau xót là một trường phổ thông ở quận 10 (TPHCM), có việc một số dân quân vào kéo học sinh ra đánh đập. Trong đó thầy hiệu phó lại cho họ vào, thì cái đó là không được. Việc này chúng tôi biết thành phố đang chỉ đạo quyết liệt làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: Bộ trưởng chưa trả lời thẳng

Bộ trưởng chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Tôi hỏi Bộ trưởng có đồng ý tổ chức đối thoại với các đại biểu QH về chương trình SGK không? Bộ trưởng lại nói cần tổ chức nhóm nghiên cứu.

Đây là câu hỏi cốt tử đối với chất lượng giáo dục. Tại sao chương trình học của chúng ta lại nặng đến như vậy? Tôi đi nhiều nước, thấy bậc học tiểu học và THCS học rất nhẹ nhàng. Phải xem lại chương trình để đơn giản, phù hợp với chương trình chung của các nước.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi chưa hài lòng

Tôi chưa hài lòng với phần trả lời câu hỏi về việc làm cho sinh viên mới ra trường của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nếu học bác sĩ ra lại làm ngành khác, hoặc kỹ sư điện tử ra lại đi làm photocopy, như thế là rất lãng phí.

Ở đây “có việc làm”, nghĩa là anh được đào tạo nghề nào phải làm đúng nghề đó. Tôi phân vân về thông tin mà Bộ trưởng đưa ra là “hầu hết sinh viên ra trường có việc làm”. Nếu chỉ là việc làm chung chung, việc làm giản đơn thì có thể, nhưng việc làm đúng ngành, đúng nghề, đúng trình độ thì rất khó.

Tôi đã có điều kiện tìm hiểu mô hình nghiên cứu nhu cầu nguồn nhân lực ở nhiều nước, người ta có điều tra, nghiên cứu ở từng ngành, tập hợp nhu cầu nhân lực, từ đó “đặt hàng” ngành giáo dục đào tạo.

Tôi cũng định tái chất vấn, nhưng vì có nhiều đại biểu khác đăng ký nên không kịp. Hơn nữa, tôi là ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, nên sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục trao đổi với Bộ trưởng về vấn đề này.

MỚI - NÓNG