Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Không có chuyện vì nghèo mà không được đi học!

Không có chuyện vì nghèo mà không được đi học!
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Với mức cho vay vốn học ĐH, CĐ tối đa 800 ngàn đồng/ SV/tháng, thì không thể có chuyện sinh viên vì nghèo mà không được đi học ĐH, CĐ, dạy nghề.
Không có chuyện vì nghèo mà không được đi học! ảnh 1
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

“Kể từ ngày 6/10, tất cả các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện việc cho sinh viên nghèo vay vốn học đại học, cao đẳng và dạy nghề theo QĐ 157/TTg, cũng như vốn để cho vay đã đầy đủ và sẵn sàng thực hiện được ngay” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như vậy tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (6/10).

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Với mức cho vay tối đa 800 ngàn đồng/ SV/tháng (thay vì 300 ngàn đồng/tháng trước đây), thì không thể có chuyện vì nghèo mà không được đi học đại học, cao đẳng, dạy nghề.

Học sinh sinh viên (HSSV) được vay vốn  là những em có hoàn cảnh khó khăn (HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ , hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại  không có khả năng lao động; HSSV là thành viên  của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có thu nhập  bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức  thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo) đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề.

Như vậy, đối tượng HSSV được vay vốn từ nay đã không còn sự phân biệt học ở trường công lập hay ngoài công lập, không phân biệt thời gian đào tạo trên 1 năm hay dưới 1 năm.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT từ  nay đến hết tháng 10 này tạo mọi điều kiện cho HSSV vay được; đồng thời cũng thông báo: Thủ tướng vừa  quyết định cấp bổ sung 500 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội hôm nay (6/10), và quyết định sẽ phát hành trái phiếu để huy động tiếp 2.000 tỷ đồng dành cho ngân hàng làm vốn cho HSSV vay đi học. 

“Ở đâu có khó khăn, báo chí phản ánh chúng tôi sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay. Nếu khó khăn nữa thì gửi email lên ngân hàng chính sách xã hội, lên Bộ GD & ĐT, chúng tôi sẽ giải quyết” - Ông Nhân khẳng định.

Bà Hà Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách (NHCS) xã hội cho biết: Thủ tục cho HSSV nghèo vay rất đơn giản, mẫu kiêm khế ước vay đã được phát đến mạng lưới các tổ NHCS ở cơ sở (8076 điểm giao dịch tại xã, phường) nên kết hợp với địa phương kiểm soát được việc xác nhận chính xác hộ nghèo.

Đối với HSSV mồ côi thì sẽ vay trực tiếp  ngay tại trường. Kể cả các gia đình đang là con nợ của các tổ chức tín dụng khác, nhưng con đỗ đại học, cao đẳng, dạy nghề vẫn được  vay để đi học.

Mức cho vay 800 ngàn đồng/tháng được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích là mức này đảm bảo ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập (720 ngàn đồng) trên cơ sở tính toán theo mức học phí hiện hành là 180 ngàn đồng/ tháng.

Nếu giá cả, học phí tăng lên thì Bộ Tài chính có trách nhiệm đề xuất Chính phủ điều  chỉnh lên theo cho phù hợp thực tế.

Học phí đại học ở trường công hiện tại tối đa là 180 ngàn đồng/tháng không đủ bù đắp chi phí đào tạo thường xuyên (chưa nói đến chi phí đầu tư) vì thế chất lượng  đào tạo thấp. Nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải tài trợ. Hướng tới là việc tài trợ này của Nhà nước phải theo người học chứ không còn là việc theo về các trường. Mà trường tốt thì nhiều học sinh, sinh viên.

Nay người đi học vay tiền đi học thì có quyền lựa chọn trường tốt, vì thế thúc đẩy cạnh tranh nâng cao chất lượng các trường, điều đó dẫn đến chất lượng đào tạo cao hơn, người tốt nghiệp có cơ hội được làm việc với thu nhập cao, đủ sức tự nuôi mình và trả nợ. Có như thế mới đột phá thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “học phí thấp-chất lượng thấp - ít cơ hội việc làm-thu nhập thấp”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

MỚI - NÓNG