Vụ 'mua suất đỗ' ở trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: 

Không có lý do gì dùng biện pháp hành chính thay khởi tố

Không có lý do gì dùng biện pháp hành chính thay khởi tố
TP- Gần 1 năm trôi qua với những chứng cứ không thể chối cãi về việc 'mua suất đỗ' tại trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật (CĐVHNT) Đắk Lắk, song hiện tất cả cán bộ sai phạm vẫn đương chức đương quyền, lại còn có tên trong danh sách dự kiến Hội đồng tuyển sinh năm 2007.
Không có lý do gì dùng biện pháp hành chính thay khởi tố ảnh 1
Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng Tổ chức - quản lý HSSV: “Trường này có ai đạt tiêu chuẩn giảng viên đâu ?”

Trường không ai đạt chuẩn giảng viên (!?)

Về vụ việc này, đầu năm 2007 báo Tiền phong đã có loạt bài phản ánh. Dư luận xã hội cũng rất bức xúc, chăm chú theo dõi cách xử lý của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, tới nay một số cá nhân liên quan đến việc “bán suất đỗ” vẫn chưa bị khởi tố.

Nếu cung cách quản lý điều hành ở trường CĐVHNT Đắk Lắk được điều tra làm rõ một cách toàn diện, thì không chỉ đường dây trong vụ “bán suất đỗ” được phơi bày, mà nhiều vi phạm khác cũng sẽ bộc lộ.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền phong đăng trên số 12 ra ngày 12/1/2007, hiệu trưởng Nguyễn Xuân Lai xác nhận Nguyễn Xuân Bình con trai đầu của ông không có bất kỳ 1 mảnh bằng cấp hay thành tích nào, thế nhưng đã nhiều năm Bình vẫn hưởng tiêu chuẩn và danh xưng giáo viên, thậm chí là “giảng viên thỉnh giảng” của trường CĐVHNT cho tới khi cơ quan điều tra và báo chí bắt đầu  “hỏi thăm”.

Liền sau đó, Nguyễn Thị Thu Trang, em gái Bình cũng hiên ngang bước lên bục giảng của trường để dạy môn Mác - Lênin dù trong tay chưa hề có bằng cấp gì về sư phạm, chưa qua thi tuyển công chức.

Một số cán bộ trong trường càng thêm bất bình, họ đều biết Thu Trang vừa bị Hội đồng thi lấy chứng chỉ sư phạm bậc I của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh lập biên bản hủy kết quả thi tại chỗ vì tội nhờ người thi hộ, gửi thông báo về trường CĐVHNT Đắk Lắk là nơi Trang đang hưởng lương cán bộ hợp đồng.

Thay vì kỷ luật Trang, ngày 6/2/2007 Hiệu phó Môlôhiu ký Công văn số 25 gửi  khoa Kinh tế trường ĐH Quốc gia TPHCM đề nghị giúp bồi dưỡng chuyên môn cho “giảng viên” Thu Trang.

Để “tấm gương sai trái” của mình dễ được nhân viên ủng hộ, hiệu trưởng luôn tạo điều kiện cho cán bộ thuộc quyền... sai theo.

Cùng trình độ ĐH tại chức Quản lý văn hoá như nhau, ông Nguyễn Hùng nghiễm nhiên là Hiệu phó kiêm giảng viên Triết học, được dùng hàng chục triệu đồng tiền ngân sách để biên soạn tài liệu dạy Triết, còn ông Trần Văn Phước được ngồi vào ghế Chủ nhiệm khoa Đại cương- Sư phạm, lại sắp là tổ trưởng 1 tổ chấm thi Cao đẳng theo danh sách dự kiến, trái với các quy định của Luật giáo dục hiện hành.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao cử nhân kinh tế Nguyễn Thị Thu Trang lại được lên lớp dạy Chính trị, ông Trần Văn Cường Trưởng phòng Tổ chức- Quản lý HSSV giải thích: “Do thiếu giáo viên. Nếu cứ chiếu theo Luật Giáo dục thì trường này có ai đạt tiêu chuẩn giảng viên đâu (!?)”.

Xử lý nhẹ nhàng

Trong khi tiếp tục chờ ý kiến của cơ quan điều tra về vụ “mua bán suất đỗ”, ngày 22/2/2007, Giám đốc Sở VHTT Đắk Lắk ký quyết định kỷ luật Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Lai với hình thức khiển trách, phê bình toàn ngành đối với 3 cán bộ, gồm: hiệu phó Môlôhiu, Hiệu phó Nguyễn Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Trường.

Chỉ kỷ luật như trên thì chưa đủ giải quyết vấn đề. Thế nên dù tới tháng 8/2007 này đã tròn tuổi về hưu.

Ông Lai vẫn lập kế hoạch tuyển sinh năm 2007 số 93 và lập danh sách dự kiến Hội đồng tuyển sinh bậc cao đẳng năm 2007, trong đó ông vẫn là Chủ tịch, Thu Trang con gái ông vừa là Ủy viên Ban Thư ký vừa là Ủy viên ban xét tuyển môn Văn- Tiếng Việt.

Ông Môlôhiu vẫn là Phó chủ tịch, êkíp cùng sai phạm từ năm trước hầu như vẫn giữ nguyên. Kế hoạch 93 đã được Giám đốc Sở ký thông báo số 493 ngày 12/6/2007 là “Nhất trí cơ bản”. 

Hàng tháng qua, hầu như ngày nào Ban đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên cũng nhận được nhiều ý kiến bức xúc và thắc mắc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn: Liệu kỳ tuyển sinh năm nay tại trường CĐVHNT Đắk Lắk có đàng hoàng, nghiêm minh hơn năm trước? Chúng tôi xin được tiếp tục chuyển câu hỏi này đến lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 21/6/2007, khi nghe phóng viên thông tin về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư nói: “Sao lại có thể như thế? Nếu tôi nhớ không nhầm thì cách đây khoảng 3 tuần Tỉnh ủy đã có ý kiến dứt khoát với cơ quan điều tra là cứ giải quyết vụ này  đúng pháp luật.

Theo tôi, không có lý do gì dùng biện pháp hành chính thay cho việc khởi tố, truy tố trong chuyện này được. Nếu việc “mua bán suất đỗ” không xử lý nghiêm thì ngành giáo dục Đắk Lắk làm sao có thể nói không với tiêu cực được?”.

MỚI - NÓNG