Không ép trường mua sữa học đường

Học sinh Đà Nẵng sẽ được hưởng lợi từ đề án sữa học đường
Học sinh Đà Nẵng sẽ được hưởng lợi từ đề án sữa học đường
TP - Vừa qua, một số trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng) phản ánh về việc: Đề án sữa học đường chưa triển khai nhưng cán bộ phòng giáo dục quận này đã gọi điện thoại thông báo các trường phải mua sữa theo đề án, sữa do một hãng cung cấp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng khẳng định tham gia đề án là tự nguyện, không có chuyện ép buộc.

Gợi ý

Tiếp xúc với phóng viên, một đại diện của một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê (xin được giấu tên), cho biết: Vào dịp đầu năm học, nhà trường nhận được điện thoại của một cán bộ Phòng Giáo dục quận Thanh Khê thông tin về đề án sữa học đường sắp được triển khai. Cán bộ này cho nhà trường biết: Thực hiện đề án sữa học đường bắt buộc nhà trường phải dùng sữa của một hãng sữa. Việc này đã được đề cập ở công văn của sở GD&ĐT Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đại diện nhà trường hỏi về công văn thì vị cán bộ này lờ đi.

Đại diện nhà trường này cho rằng, thông báo như vậy là có ý “ép” nhà trường phải dùng sữa của hãng nào đó. Trong khi nhà trường đã hợp đồng với hãng sữa khác từ lâu nay theo nhu cầu và đề nghị của phụ huynh học sinh. Đại diện trường này tỏ ra lo lắng nếu không chấp hành sẽ bị “hành” trong quá trình hoạt động về sau.

“Gia đình phụ huynh có điều kiện nên sẽ có nhu cầu sử dụng sữa tốt hơn. Không thể ép trường phải đổi sữa và đùng một cái là phải đổi ngay. Muốn làm phải có lộ trình thay đổi và hỏi ý kiến phụ huynh”, đại diện trường này cho hay.

Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, cho biết: Đề án sữa học đường là chương trình quốc gia, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai chưa thực hiện. Đây là đề án lớn nên không ai dám làm bậy. Hiện nay, phòng chưa nhận bất cứ văn bản nào về đề án sữa học đường”. “Khi nào thành phố có chủ trương thì cấp quận mới có triển khai cụ thể. Tất cả chỉ mới trên giấy tờ, phòng chưa có bất cứ chỉ đạo cụ thể nào về việc này”, ông Sơn nói thêm. 

Trường hợp cán bộ phòng GD&ĐT gọi điện về cho các trường, ông Sơn cho biết: Sẽ kiểm tra và nghiêm túc nhắc nhở.

Không tham gia không được nhà nước hỗ trợ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngày 15/9 này sẽ bắt đầu triển khai đề án sữa học đường từ quận Hải Châu và Thanh Khê, sau đó thực hiện trong toàn thành phố. Ngày 12/9, sở  tổ chức tập huấn cho các trường trước khi triển khai thực hiện đề án này.

Theo ông Vĩnh, đây là đề án lớn, có tính nhân văn cao, có sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp sữa. Do đó, đề cao việc truyền thông, tuyên truyền, vận động các đơn vị trường học và phụ huynh học sinh quan tâm, tham gia để hưởng thụ từ đề án. Tuy nhiên, việc tham gia đề án hay không hoàn toàn là quyền của phụ huynh, chứ không phải ép buộc, cưỡng chế tham gia. Sở sẽ hướng dẫn cụ thể cho từng đơn vị trường học và phụ huynh đồng ý hay không đồng ý với đề án này.

“Không có chuyện ép buộc hay cưỡng chế phải tham gia đề án. Trường hợp trường, phụ huynh không đăng ký sở sẽ không ép. Cho là quyền của người cho nhưng nhận là quyền của người nhận”, ông Vĩnh cho biết. Cũng theo Giám đốc sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, do đây là lần đầu tiên đề án được triển khai trên địa bàn toàn thành phố nên sở sẽ vừa làm, vừa theo dõi, tìm hiểu lý do và báo cáo UBND thành phố để có điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với các trường tư thục, theo ông Vĩnh, nếu không tham gia đề án dĩ nhiên không được nhận hỗ trợ từ Nhà nước và công ty sữa cung cấp. Tại các buổi tập huấn cán bộ Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ phổ biến đến các trường để nhà trường phụ huynh, học sinh biết được hưởng những gì khi tham gia đề án.

Được biết, theo kế hoạch từ tháng 1/2018, đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020 sẽ được thực hiện. Sau đó, đề án này được Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố xin lùi tiến độ triển khai, đến 15/9 này sẽ được triển khai rộng rãi. 

Theo đề án đối với trẻ mầm non thuộc diện 1, là hộ nghèo, trẻ khuyết tật, mồ côi cha hoặc mẹ, học tại các trường chuyên biệt, Trung tâm khuyết tật trực thuộc Sở GD&ĐT và các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ- TB&XH, ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa 78%, Công ty cung cấp sữa hỗ trợ tối thiểu 22% kinh phí mua sữa.

MỚI - NÓNG