TS Giáp Văn Dương:

Không nên loay hoay tìm triết lý giáo dục

Không nên loay hoay tìm triết lý giáo dục
TP - Triết lý giáo dục là một vấn đề gây bàn cãi vài ba năm gần đây và sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi khi câu hỏi “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” chưa có lời đáp.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tiến sĩ Giáp Văn Dương (ĐH Liverpool, Anh) cho rằng, thay vì đi tìm triết lý giáo dục, Việt Nam nên xây dựng những định hướng lớn để phát triển giáo dục.

Không nên loay hoay tìm triết lý giáo dục ảnh 1
TS Giáp Văn Dương cùng vợ và con gái. Ảnh do nhân vật cung cấp

TS Giáp Văn Dương nhận xét: Theo tôi, cho đến giờ chưa có đánh giá nào khách quan, chính xác với hệ thống giáo dục Việt Nam. Tất cả những đánh giá giáo dục cho đến thời điểm này vẫn chưa đủ định lượng để là một đánh giá hệ thống giáo dục một cách khoa học, có thể dùng làm cơ sở để điều chỉnh hệ thống giáo dục.

Nhìn nhận một cách công bằng thì hệ thống giáo dục của chúng ta cũng đã trang bị được cho học sinh một số kĩ năng và tri thức nhất định. Cụ thể là kiến thức cơ bản của học sinh Việt Nam khá vững vàng so với học sinh nước ngoài. Nhưng những phẩm chất quan trọng nhất mà một nền giáo dục hiện đại cần trang bị cho học sinh như tính sáng tạo, tư duy độc lập, tư duy cải tiến, tư duy phê phán thì hệ thống của chúng ta chưa làm được.

Cái bẫy ngôn ngữ

Để khắc phục những yếu kém trong hệ thống giáo dục thì việc tìm ra nguyên nhân cốt lõi là cần thiết. Nhưng, trong việc này, các chuyên gia cũng chưa thống nhất với nhau và chưa đi đúng hướng.

Lâu nay người ta thường cho rằng giáo dục Việt Nam thất bại vì không có một triết lý giáo dục đúng dẫn dắt. Theo họ, bước đầu tiên để cải cách giáo dục thành công là đi tìm một triết lý giáo dục thích hợp.

TS Giáp Văn Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999, Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) ngành Công nghệ Hóa học năm 2002, Tiến sĩ Đại học Công nghệ Vienna ngành Vật lý kĩ thuật (Áo) năm 2006, hiện làm việc tại Đại học Liverpool, Anh.

Ban đầu tôi cũng cho rằng sở dĩ Việt Nam thất bại trong cải cách giáo dục là vì không có một triết lý giáo dục đúng dẫn dắt. Nhưng sau nhiều năm tìm kiếm triết lý giáo dục vẫn không thấy, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: “Có nên tiếp tục bỏ thời gian và công sức đi tìm triết lý giáo dục nữa hay không, và nếu tìm thấy thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Câu trả lời là không, vì sẽ không bao giờ những người làm giáo dục thống nhất được với nhau một triết lý cụ thể nào đó. Triết lý giáo dục sẽ trở thành một bẫy ngôn ngữ mà không cẩn thận chúng ta sẽ sa vào và không thoát ra được.

Ngay cả trong trường hợp chúng ta tìm thấy một thứ tạm coi là triết lý giáo dục thì khi đó cả hệ thống sẽ gắn chặt vào một quan điểm giáo dục cụ thể và trở lên cứng nhắc, không đủ linh động để đáp ứng sự phát triển không ngừng của xã hội. Hơn nữa, nếu triết lý giáo dục áp dụng đồng loạt cho cả nước thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều thế hệ giống hệt nhau, làm thui chột sự đa dạng và không có lợi cho phát triển.

Thay vào đó, chúng ta nên xây dựng những định hướng lớn, đưa nền giáo dục vào những đại lộ để phát triển. Theo tôi, có năm định hướng lớn mà hệ thống giáo dục nên hướng tới. Đó là: Mở, Sáng tạo, Toàn diện, Hiện đại và Hội nhập.

Mở: Mở cả về cơ cấu lẫn cơ chế, mở về cả chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy để cái mới lúc nào cũng có điều kiện tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Ví dụ mở về chương trình thì sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa thay vì một bộ, mở về cơ chế thì sẽ tạo sự liên thông giữa trường, viện và doanh nghiệp.

Sáng tạo: Nền giáo dục phải tập trung phát huy khả năng sáng tạo của những người tham gia hoạt động dạy và học. Trong thời đại toàn cầu hóa, sáng tạo là yếu tố duy nhất để khẳng định sự thành công. Nền giáo dục phải hướng tới mục tiêu là tạo ra những con người có khả năng sáng tạo.

Toàn diện: giáo dục toàn diện cho học sinh, không phải chỉ để trang bị kiến thức cụ thể mà còn dạy cả cách ứng xử với bản thân mình, với gia đình, với thầy cô bạn bè, với xã hội, với thiên nhiên, với môi trường.

Hiện đại: nền giáo dục phải cung cấp những tri thức, kỹ năng hiện đại sao cho học sinh, sinh viên có thể hội nhập được ngay với đời sống bên ngoài. Thời gian đi học trong nhà trường phải được coi là bản thân cuộc sống chứ không phải là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc sống.

Hội nhập: nền giáo dục phải hướng đến những tiêu chuẩn và nội dung mà cả thế giới đang tuân theo. Ta không nên dạy một thứ hoàn toàn khác biệt so với bên ngoài, và dùng những tiêu chuẩn khác biệt với bên ngoài để đánh giá kết quả giáo dục.

Những định hướng này sẽ là nền tảng để chúng ta tiếp tục xây dựng và cải thiện hệ thống, chương trình, cách thức giáo dục và tạo điều kiện cho cải cách giáo dục thành công. Chẳng hạn, vì không có định hướng sáng tạo nên dù đã có chủ trương lấy học sinh làm trung tâm nhưng trên thực tế của hoạt động dạy học, giáo viên vẫn là trung tâm, thầy đọc trò chép. Cho dù có trang thiết bị hiện đại như dùng máy chiếu thì sẽ chuyển sang chiếu – chép.

Câu chuyện về sáng tạo

Nếu có định hướng sáng tạo thì...

Toàn bộ hoạt động giáo dục sẽ hướng tới việc phát huy tối đa khả năng sáng tạo cả người học và người dạy. Cách giảng dạy của giáo viên sẽ thực sự lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích trao đổi thảo luận, tìm tòi, khuyến khích hoạt động nghiên cứu ngay trong bậc học phổ thông.

Chẳng hạn, con gái tôi đang là học sinh lớp 4 ở Anh nhưng cháu đã tham gia nghiên cứu về chó. Yêu cầu rất đơn giản: Em đã từng thấy những loại chó nào và hãy phân loại dựa trên đặc điểm của chúng (tai to/nhỏ, mõm ngắn/dài... ra sao) nhưng lại giúp phát triển khả năng quan sát và sáng tạo của trẻ rất nhiều.

Nhưng ở ta học sinh không có thời gian để làm được những việc kiểu nghiên cứu những con chó xung quanh em như thế...

Bởi vì chúng ta không có định hướng sáng tạo. Chương trình của chúng ta quá nặng, tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh. Có những môn không cần thiết thì phải dạy, phải học quá nhiều. Những môn thực sự cần cho học sinh, sinh viên thì được quan tâm một cách sơ sài.

Như nước Anh chẳng hạn, với học sinh tiểu học, người ta tập trung phát triển những kỹ năng rất cơ bản: đọc thông viết thạo, làm thành thục bốn phép tính cộng trừ nhân chia. Còn Việt Nam đặt nặng nhiều thứ phụ trợ, dạy cho học sinh những kiến thức khoa học khá cao: sấm sét, các hiện tượng tự nhiên… Các bậc học tiếp theo cũng có quá nhiều môn học thừa, hoặc chương trình nặng nề không cần thiết.

Nếu giao cho học sinh một bài tập nghiên cứu nho nhỏ, điều gì để đảm bảo bài nghiên cứu đó không phải do bố mẹ làm hộ, giống như tình trạng bài tập môn thủ công ở ta trong thời gian qua?

Đúng là khó bởi chúng ta đang chạy theo thành tích, cả thầy, cả trò, cả phụ huynh. Định hướng của chúng ta là thành tích trên giấy tờ, trên bảng điểm càng cao càng tốt mà không cần biết thành tích ấy từ đâu đến. Nếu định hướng là sự sáng tạo thì lúc đó người ta không đánh giá học sinh này có được điểm cao hay không mà đánh giá học sinh có sáng tạo hay không!

Ngoài việc thiếu những định hướng lớn dẫn dắt, theo ông, còn có nguyên nhân nào khiến hệ thống giáo dục của chúng ta yếu kém?

Đó là hệ thống quản lý còn bất hợp lý. Ví dụ như cơ chế bộ chủ quản quản lý các trường đại học là bất hợp lý. Bộ không thể nào nắm hết được các hoạt động của nhà trường thì làm sao có thể quản lý? Bộ chỉ nên kiểm tra và đánh giá. Tốt nhất nên để các trường tự chủ hoàn toàn và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình mà không cần có bộ chủ quản.

Sự bất hợp lý khiến chúng ta có nhiều động tác thừa. Một cán bộ của một trường đại học muốn đi tu nghiệp ở nước ngoài phải qua rất nhiều đơn vị xét duyệt. Mỗi khi phải gia hạn thời gian học tập, qui trình này được lặp lại một cách không cần thiết và tiêu tốn thời gian, sức lực của rất nhiều người.

Nên học tập mô hình phân luồng ở châu Âu

Giả sử chúng ta đã có những định hướng tốt. Nhưng cái sau đó chúng ta cần là một mô hình giáo dục. Vấn đề này hiện nay cũng đang là một tranh cãi...

Theo tôi, Việt Nam nên tự xây dựng một mô hình trên cơ sở những định hướng lớn mà mình đặt ra và có tham khảo mô hình giáo dục nước ngoài. Về giáo dục đại học thì đại học Mỹ là một mô hình đáng được tham khảo vì họ rất xem trọng nghiên cứu. Giáo dục phổ thông thì có thể tham khảo một số nước châu Âu như của Anh, Đức, Áo, Phần Lan.

Đặc biệt việc phân luồng của giáo dục phổ thông châu Âu là cái mình nên học tập. Như Áo chẳng hạn, họ phân luồng từ đầu cấp THCS. Học sinh khi bắt đầu vào THCS là đã tự chọn cho mình hướng đi, sau này học tiếp THPT để vào đại học hay đi học nghề. Với những học sinh chọn cho mình hướng học nghề, sau khi học xong THCS họ sẽ đi học nghề hai năm rồi đi làm.

Ở Anh thì rẽ nhánh muộn hơn một chút – hết lớp cấp II. Việc phân luồng tốt sẽ giảm tải cho đại học, vừa tiết kiệm chi phí cho xã hội, tạo ra một lượng công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của nền sản xuất.

Các nước đó có mục tiêu phổ cập trung học không?

Mục tiêu của họ là phổ cập hết lớp 9.

Trong khi đó một số địa phương của Việt Nam lại đặt mục tiêu phổ cập trung học...

Đó là sự lãng phí, nhất là trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

Chẳng hạn ở Hà Nội, hầu hết học sinh tốt nghiệp khi tốt nghiệp THCS đều theo học tiếp THPT...

Tại vì chúng ta làm phân luồng kém nên tất cả học sinh chỉ đi vào một con đường. Việc phân luồng kém có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất dễ nhìn thấy ở ta hiện nay là chất lượng hệ thống dạy nghề kém, không đủ hấp dẫn với các em học sinh.

Thật ra phân luồng không có nghĩa là chặn lại ước mơ vào đại học của những học sinh sớm rẽ vào nhánh học nghề. Hệ thống giáo dục phải đảm bảo sự liên thông và mở để bất kỳ khi nào muốn người ta cũng có thể quay trở lại với việc học đại học.

Dư luận hay nói đến sự lãng phí tiền bạc từ tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Nhưng có một sự lãng phí còn lớn hơn tiền bạc là thời gian. Bạn mất rất nhiều thời gian học đại học nhưng rốt cục lại làm một công việc chỉ cần đào tạo về nghiệp vụ từ sáu tháng đến một năm. Như vậy bạn phí mất ba năm tuổi trẻ. Một người lãng phí ba năm cả nước sẽ lãng phí bao nhiêu năm từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là lãng phí lớn và là điều cần phải tính đến.

Về nguyên nhân của phân luồng kém, ngoài vấn đề chất lượng của hệ thống dạy nghề chưa tương xứng và tâm lý trọng bằng cấp, còn có việc sử dụng lao động của nhà nước.

Điều này lại xuất phát từ một lý do khác: cơ cấu của nền kinh tế và qui trình bổ nhiệm cán bộ bất hợp lý. Trong nền kinh tế chúng ta hiện nay, sở hữu nhà nước vẫn nắm quá nhiều, khu vực hành chính sự nghiệp, dịch vụ công quá cồng kềnh. Do đó những người có bằng cấp tuy không giỏi nhưng họ vẫn vào được thị trường lao động do nhà nước quản lý bằng cách này cách khác.

Vì thế, một số lớn lao động không cạnh tranh bằng năng lực mà cạnh tranh bằng bằng cấp. Bằng cấp, thậm chí là cả bằng giả vẫn có đất dụng võ, hệ quả là cả xã hội chạy theo bằng cấp, nên học sinh, dưới sức ép của gia đình, luôn tìm cách học lên cao để lấy bằng cấp thay vì tìm học một nghề có thể nuôi sống mình.

Cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG