Không nên thi quá nhiều môn

Không nên thi quá nhiều môn
TP - Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, Bộ nên duy trì nhưng chỉ nên thi 50% các môn, còn 50% tự luận để học sinh có điều kiện rèn kỹ năng, rèn tư duy, rèn óc sáng tạo. Cũng không nên thi quá nhiều môn trắc nghiệm như Cục khảo thí Bộ GD&ĐT dự kiến.
Không nên thi quá nhiều môn ảnh 1

Với tư cách là người có nhiều năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, quản lý học sinh THPT đồng thời có tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học đánh giá và trắc nghiệm khách quan, với tâm huyết của một nhà giáo, chúng tôi xin được tham gia thêm một số ý kiến để bạn đọc và Bộ GD&ĐT tham khảo khi bàn về mà dư luận báo chí đang bàn hiện nay.

Việc thi trắc nghiệm khách quan cho các bộ môn mà Bộ GD&ĐT định triển khai cho tất cả các môn học hiện nay là vấn đề cần phải cân nhắc đến hậu quả của nó.

Thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan là có nhiều ưu điểm nhưng không thể không thấy mặt hạn chế rất lớn của nó là chúng ta không đánh giá quá trình tư duy, không đánh giá được kỹ năng cơ bản của từng bộ môn. Đặc biệt không đánh giá được mặt sáng tạo của học sinh trong quá trình vận dụng kiến thức cơ bản và giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống.

Mặt khác, nếu thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) tràn lan sẽ dẫn học sinh tới cách học đối phó, thiếu trách nhiệm. Bởi nếu thi tự luận, học sinh không học là không làm được bài, bỏ giấy trắng bị điểm 0 nhưng thi TNKQ, học sinh có cơ hội “bôi đen” bừa đáp án.

Việc “bừa” này khiến học sinh vẫn kiếm được một số điểm nào đó. Và để đối phó thi TNKQ, thầy sẽ bỏ qua nhiều kỹ năng; đáng lẽ phải rèn cho trò thì thầy chỉ cần trò hiểu để tô đúng hoặc đoán đúng để “bôi đen” là được. Thầy không mệt nhọc gì để rèn tư duy, rèn kỹ năng. Liệu như vậy thì chất lượng thật của học sinh chúng ta sẽ đạt đến trình độ nào.

Hình thức thi TNKQ, Bộ nên duy trì nhưng chỉ nên thi 50% các môn nên để 50% tự luận để học sinh có điều kiện rèn kỹ năng, rèn tư duy, rèn óc sáng tạo nữa. Đấy mới là mục tiêu cao cả chúng ta phải vươn tới không ngại tốn kém kinh phí, thời gian chấm bài để bỏ mất cách thi hiệu quả.

Đặc biệt, các nhà khoa học giáo dục đã thông báo nhiều quốc gia trước đây áp dụng thi TNKQ tràn lan nay họ đã tự bỏ mà trở về thi tự luận và thi vấn đáp, sao ta không nghiên cứu rút kinh nghiệm.

Vậy nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học Cao đẳng như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt tốn kém công sức tiền của xã hội?

Trước hết phải khẳng định thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học là hai kỳ thi có mục đích khác nhau nhưng nó có cùng một cơ sở là để đánh giá kết quả học tập rèn luyện của học sinh THPT và để phân luồng chuẩn bị cho học sinh THPT hoặc học lên, hoặc học nghề để đi làm.

Với sự phát triển của khoa học đánh giá, với kinh nghiệm, các nhà giáo, các chuyên gia các môn học có thể thiết kế được đề thi đáp ứng được cả hai mục tiêu.

Việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển chọn vào các trường Đại học, Cao đẳng không chỉ giảm bớt tốn kém thời gian, tiền bạc của gia đình học sinh, của Nhà nước mà chủ yếu buộc học sinh phải học toàn diện không học lệch như thi Đại học. Chính vì học lệch nên hiện nay ta có những thế hệ cử nhân, kỹ sư “đọc không thông, viết không thạo”.

Mặt khác, làm nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta không chỉ có cơ sở để tuyển đúng học sinh vào Đại học, Cao đẳng mà ta còn chuyển gánh nặng quản lý của Bộ, của các trường Đại học sang việc quản lý “đầu ra” của các trường Đại học.

Giáo dục Đại học của chúng ta lâu nay cứ bị kêu là làm ngược. Bộ quản lý rất chặt việc tuyển sinh “đầu vào” nhưng lại thả nổi cho các trường “tùy tiện” “đầu ra” khi tốt nghiệp Đại học Cao đẳng.

Số môn thi và thời gian công bố môn thi cũng cần rút kinh nghiệm. Chúng tôi nghĩ không nên thi quá nhiều môn như Cục khảo thí Bộ GD&ĐT dự kiến như hiện nay vì quy luật nhận thức cho thấy: Số thời gian có hạn, khả năng chú ý của con người cũng có hạn, nếu chúng ta vừa căng cả chương trình (không có trọng tâm) lại căng cả số môn, thời gian thi lại đầu tháng 5 mới thông báo thì sẽ dẫn tới học sinh căng thẳng, quá sức, các em sẽ thả nổi.

Công bố môn thi là toàn diện nhiều môn nhưng đến cuối tháng 3 có thể rút thăm một số môn. Nếu 4 môn được càng tốt (môn Văn, Toán bắt buộc) còn 2 môn khác là tùy kết quả bốc thăm trong 6 môn còn lại. Hoặc duy trì đến 6 môn như hiện nay là đủ.

Chúng ta hạn chế môn thi, hạn chế chương trình sẽ có điều kiện hỏi sâu, buộc học sinh phải biết vận dụng sáng tạo. Nếu đề thi cho học sinh được giở sách càng tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Hà Nội

MỚI - NÓNG