Diễn đàn: Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ

Không nên tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan

Không nên tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan
TP - Thi trắc nghiệm hay thi tự luận đều chỉ là một hình thức để kiểm tra kết quả học tập của học sinh, chứ không phải là một liệu pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của nền giáo dục.

Không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn hiện nay đối với nước ta bởi những lý do sau đây:

Một là: Mục đích của hai kỳ thi khác nhau nên đòi hỏi về chất lượng cũng là khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp chỉ để đánh giá chất lượng học sinh THPT, không cần phải cạnh tranh theo một tỷ lệ nào cả.

Còn kỳ thi ĐH, CĐ là nhằm tuyển lựa học sinh đủ kiến thức để vào các trường ĐH, CĐ. Vì vậy có những năm tại một số trường là một phải chọi tới 20-30, may ra mới trúng tuyển, và tất nhiên đề thi phải đòi hỏi chất lượng cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT.

Hai là: Những hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử ở cấp phổ thông nói riêng, và của cả hệ thống giáo dục nói chung ở nước ta hiện nay còn rất trầm trọng cả từ phía học sinh, cha mẹ học sinh và cả trong đội ngũ thầy cô giáo và các cán bộ quản lý trong ngành giáo dục.

Trong khi đó vì phải cạnh tranh quyết liệt, ai cũng muốn giành phần thắng, thì ắt phải tìm mọi thủ đoạn để đạt cho được mục đích dù biết rằng làm điều đó là phi pháp nhưng cũng phải liều, may ra sẽ được vào đại học, dẫn đến tiêu cực lại càng phát sinh nhiều hơn, khó lòng kiểm soát nổi.

Nếu cả xã hội cùng đấu tranh quyết liệt thì cũng phải mất nhiều năm nữa, may ra mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi trình trạng tiêu cực trong hệ thống giáo dục của nước ta.

Ba là:Trên thế giới ở nhiều nước, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT  muốn học lên đại học là có thể vào được các trường như mong muốn tùy theo khả năng, kiến thức của mình, vì khả năng về cơ sở vật chất trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên cho đào tạo đại học của họ có thể đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội.

Tuy vậy trong quá trình học tập, hàng năm người ta thực hiện việc sàng lọc rất khắt khe, cho nên số lượng sinh viên vào năm thứ nhất và số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường chênh lệch nhau khá lớn.

Các nước làm được điều này tốt vì trong hệ thống giáo dục, từ các cấp phổ thông đến cấp đại học ít có các hiện tượng tiêu cực như ở nước ta. Do đó ta đừng thấy các nước khác làm được, thì ta cũng làm theo mà không căn cứ vào điều kiện thực tế của nước ta hiện nay ắt sẽ bị thất bại.

Về hình thức thi trắc nghiệm chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng để chọn môn nào thi trắc nghiệm, môn nào thi tự luận thì có lợi hơn. Thi trắc nghiệm hay thi tự luận đều chỉ là một hình thức để kiểm tra kết quả học tập của học sinh, chứ không phải là một liệu pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của nền giáo dục.

Nếu cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ giáo viên còn yếu kém, chương trình đào tạo còn nặng nề chưa hợp lý, và cơ chế chính sách còn chưa đổi mới để phù hợp, theo kịp với sự chuyển đổi của nền kinh tế đất nước, thì dù có chọn hình thức thi nào cũng không thể cải thiện một cách đáng kể chất lượng của nền giáo dục nước nhà.

Như ý kiến của GS Văn Như Cương đã phân tích, tôi cho rằng ta không nên tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với các môn như toán, ngoại ngữ, văn, sử, địa.

Tôi cũng xin đề nghị các nhà quản lý có thẩm quyền xem xét lại chủ trương “ba chung” như đã làm trong mấy năm nay. Vì nước ta đang vận hành một nền kinh tế theo cơ chế thị trường, và ta đang đề nghị các nước khác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Đảng và Chính phủ đang chủ trương phân cấp phân quyền một cách mạnh mẽ cho các Bộ ngành và các địa phương. Đồng thời cũng chủ trương thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, và để cho các Doanh nghiệp quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước.

Vì vậy ta cũng có thể coi các trường Đại học, Cao đẳng như mô hình các doanh nghiệp. Nếu có so sánh về sự khác nhau ở đây chính là ở chỗ: sản phẩm của nhà trường là sinh viên, là con người, tức là loại sản phẩm mang tính đặc thù.

Do đó về cơ chế, chính sách  quản lý của Nhà nước đối với loại sản phẩm này cũng phải có tính chất đặc thù, và phải được thể hiện cụ thể, trong chính sách đầu tư; trong biện pháp thanh tra kiểm tra; trong chính sách sử dụng sản phẩm đầu ra- nguồn nhân lực đã được đào tạo; trong chính sách thuế, v.v..., cần phải khác so đối với các doanh nghiệp nói chung.

Đã đến lúc nên trao quyền chủ động cho các trường, tự tổ chức tuyển sinh: trường tự ra đề, tự tổ chức thi, tự quyết định điểm chuẩn. Tùy thuộc tính chất quan trọng của các ngành nghề đào tạo, mà tuyển lựa học sinh để đáp ứng yêu cầu chất lượng đã đề ra.

Tất nhiên để khắc phục tình trạng khó khăn trong giao thông đi lại của thí sinh, hay thiếu phòng thi tại các điểm thi như trước đây thường viện cớ nêu ra để đi đến việc chọn phương thức “ ba chung”, thì ngày nay cũng cần phải có sự điều phối của Bộ GD&ĐT.

Chẳng hạn, phân chia và bố trí về thời gian tổ chức thi cho từng nhóm trường để tránh trùng nhau, sao cho cùng một thời gian này chỉ có một số trường này tổ chức thi, thời gian khác lại để cho một số trường khác tổ chức thi, và một trường có thể tổ chức cùng một lúc tại một hoặc hai cụm địa điểm, tuỳ theo khả năng  của trường.

Chính để cho các trường được tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển sinh theo khả năng đào tạo của mình, và tự chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước xã hội về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực được giao, thì tôi tin rằng các trường sẽ phải làm tốt và nghiêm túc để hoàn thành trọng trách đối với xã hội.

Là một người đã có 20 năm giảng dạy trong trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và làm công tác quản lý ở cấp vĩ mô trên 15 năm, tôi xin mạnh dạn tham gia một số ý kiến suy nghĩ cá nhân mong được sự chia sẻ của những ngưòi quan tâm đối với nền giáo dục của nước nhà.

TS Nguyễn Viết Nguyên
(vietnguyepmyahoo.com)

LTS: Về đề nghị tổ chức 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ, tại buổi làm việc ngày 11/4/2007 với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo:

Đây là một việc lớn liên quan đến toàn xã hội nên ngành GD&ĐT phải có đề án cụ thể,  tổ chức hội thảo, trao đổi,  phân tích cẩn trọng các mặt thuận và không thuận của chủ trương này.

Ngành phải tính toán hết các mặt và trước khi báo cáo Chính phủ, phải thảo luận, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi và thận trọng.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, báo Tiền phong đã mở diễn đàn về chủ trương nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm.

Tuy mới mở được hơn nửa tháng, diễn đàn đã nhận được hàng ngàn ý kiến của độc giả gửi đến tham gia.

Tuy nhiên, ngày 4/10, chúng tôi rất bất ngờ nhận được Công văn số 717 do Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn An Ninh ký ngày 3/10 khẳng định:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trương nhập hai kỳ thi làm một. Bộ đang xây dựng Đề án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, lấy kết quả thi để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp xét tuyển theo nhiều tiêu chí”.

Đồng thời, Cục này cũng đề nghị báo Tiền phong không tổ chức diễn đàn không đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT.

Thực ra, đây là hai cách gọi khác nhau, nhưng về bản chất vẫn là gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; bỏ kỳ thi tuyển sinh vào đại học cao đẳng.

Tôn trọng ý kiến của Bộ GD&ĐT, từ số báo này, diễn đàn của Tiền phong đổi thành: “Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Tòa soạn mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của độc giả về chủ trương trên và thi trắc nghiệm tràn lan.

MỚI - NÓNG