Không phải ai cũng được “nhảy vào” làm SGK

Không phải ai cũng được “nhảy vào” làm SGK
TP - Nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thông qua vào cuối năm nay, học sinh sẽ được phép sử dụng nhiều bộ SGK. Dưới góc độ xuất bản vấn đề này sẽ được thực hiện ra sao?
Không phải ai cũng được “nhảy vào” làm SGK ảnh 1

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin & Truyền thông).

Nên có nhiều bộ SGK

Ông tán thành như dự luật quy định: “có một chương trình, nhiều bộ SGK phổ thông trên cả nước”?

Tôi ủng hộ quy định như vậy, vì điều này sẽ vừa huy động được chất xám của xã hội, vừa phát huy sự sáng tạo, năng động của cả người giảng dạy và học sinh. Bộ sách nào hay sẽ được các thầy cô và các em học sinh chọn lựa.  Tôi lấy ví dụ như ở Trung Quốc hiện có nhiều nơi biên soạn các bộ SGK khác nhau, hay ở Pháp có năm đã đưa ra 12 bộ SGK để lựa chọn. Vào thời điểm hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong số ít nước chỉ dùng 1 bộ SGK cho một chương trình.

Mục tiêu của việc xóa bỏ độc quyền SGK không gì khác nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng SGK, làm cho SGK thực sự phục vụ cải cách giáo dục, trang bị cho con em chúng ta có đủ tri thức cần thiết, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. Không chỉ nâng cao chất lượng về nội dung, xóa bỏ độc quyền cũng là để đạt mục tiêu: hình thức SGK đẹp hơn, giá thành rẻ hơn.

Nhưng một số ý kiến lo ngại, nếu nhiều bộ SGK thì sẽ loạn?

“Cần có một lộ trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khả thi thì việc xóa bỏ độc quyền SGK mới đạt được mục đích, không gây xáo trộn bởi SGK là một vấn đề mang tính xã hội và rất nhạy cảm”, Ông Nguyễn Kiểm

Nếu dự luật được thông qua, chúng ta cần có ngay một lộ trình và kịch bản triển khai hợp lý. Trước hết, theo tôi cần tổng kết đánh giá lại thực tiễn việc xuất bản SGK trong thời gian qua, để rút ra những ưu, nhược điểm. Qua đó, thấy cái gì hợp lý so với xu thế chung của thế giới và khu vực thì chúng ta phát huy (cả về nội dung, phương thức xuất bản SGK…); cái gì bất hợp lý thì loại bỏ. Thứ hai, cần chuẩn bị cơ sở pháp lý cả về cơ chế, chính sách, phương thức…. Và, thứ ba, chuẩn bị về bộ máy và đội ngũ thực thi.

Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lại năng lực thực tiễn của các NXB trong việc tham gia xuất bản SGK, sách tham khảo. Xóa bỏ độc quyền không có nghĩa là tất cả mọi người nhảy ồ vào làm. Nếu xem xét kỹ lưỡng thì NXB Giáo dục không tự mình đưa ra cơ chế độc quyền xuất bản SGK. Tại văn bản số 132 TTg-Vg ngày 25/7/1967 của Phủ Thủ tướng, việc xuất bản SGK được giao cho NXB Giáo dục thực hiện. Lúc bấy giờ văn bản nói trên giao trách nhiệm xuất bản SGK cho NXB Giáo dục, không có nghĩa là đó là giao quyền hay độc quyền.

Luật Giáo dục (2006) quy định “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và SGK” (khoản 3, Điều 29). Mặt khác, Luật Xuất bản cũng quy định tại các Điều 12, 13, 14 một nguyên tắc là NXB phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của NXB và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Nếu xuất bản nhiều bộ SGK thì ông có băn khoăn gì không?

Cần tính tới khả năng nhà nước khó có đủ kinh phí chi cho việc biên soạn nhiều bộ SGK. Kinh phí này bao gồm cả kinh phí tập huấn giáo viên, mức chi lâu nay rất thấp nhưng vẫn rất tốn kém. Tôi cũng băn khoăn một vấn đề nữa là giá thành có khả năng tăng lên khi in nhiều bộ SGK? Chi phí biên soạn, chế bản, in và đóng sách nếu phân bổ cho một bộ sách sẽ rẻ hơn so với in nhiều bộ SGK.

NXB nào thì được phép “nhảy vào” làm SGK? Ví dụ như NXB Nông nghiệp sẽ làm sách văn học, NXB Thanh niên làm sách địa lý...?

Điều lo lắng này là có cơ sở. Nhưng các NXB phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích như ghi trong giấy phép thành lập. Nếu làm SGK, chiếu theo tôn chỉ, mục đích, chỉ một số NXB đảm đương được vấn đề này thôi như: NXB Văn học (làm SGK về văn học), NXB Mỹ thuật (sách mỹ thuật), NXB Âm nhạc (sách âm nhạc)... Tất nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, Cục Xuất bản sẽ điều tiết vấn đề này, thông qua việc xác nhận kế hoạch xuất bản.

Về nội dung, các bộ SGK vẫn phải được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT xem xét, chọn lựa, nên chúng ta cũng không phải lo lắng những bộ sách dở “lọt khe”.

Nhưng cũng có người lo ngại, với tiềm lực hùng hậu thì NXB Giáo dục vẫn đè bẹp các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn tái diễn?

NXB Giáo dục có nhiều thuận lợi hơn so với các NXB khác về mọi phương diện (tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ…). Nhưng cũng xin nhấn mạnh là các NXB khác dù nhỏ bé hơn nhưng đằng sau họ còn có những đối tác liên kết cũng rất hùng mạnh. Tóm lại, ở đâu có cạnh tranh thì ở đó có sự sáng tạo và phấn đấu vươn lên. Chúng ta không phải lo lắng về điều này.

Đấu thầu - tại sao không?

Thưa ông, khâu in hiện nay được một số người cho là không có độc quyền vì có khoảng 100 nhà in đấu thầu...

Nhưng NXB Giáo dục vẫn làm “trọng tài” thì vẫn không thể xóa bỏ độc quyền SGK. Nếu NXB Giáo dục tiếp tục là người mời thầu, các cơ sở in là bên dự thầu thì lợi nhuận thu được do các nhà in hạ giá sẽ chảy vào NXB. Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng, việc tổ chức bản thảo SGK là kinh phí đầu tư của nhà nước, bản quyền thuộc nhà nước. NXB đã không mất tiền bản quyền, in càng nhiều càng lãi. Vì thế, nếu các nhà in bỏ giá thấp thì giá SGK phải giảm chứ không phải như hiện nay là giữ nguyên giá bán vì giá đã được duyệt trước rồi.

Để huy động nhiều nguồn lực xuất bản SGK thì  theo ông cách làm nào hay?

Không chỉ huy động được nhiều người, nhiều tổ chức tham gia, đấu thầu còn là cách lựa chọn rất tốt về nhiều phương diện. Theo tôi, có hai cách đấu thầu. Một, đấu thầu theo công đoạn. Bộ GD&ĐT ra đề bài, các tác giả, nhóm tác giả sẽ biên soạn, trình Bộ GD&ĐT để tuyển lựa những bộ sách SGK có chất lượng cao. Sau đó, tổ chức tiến hành đấu thầu in. Anh nào rẻ hơn thì được in. Tương tự như vậy cũng với phát hành. Cách thứ hai, là chúng ta tiến hành đấu thầu trọn gói. Sau khi Bộ GD&ĐT tuyển lựa được những bộ SGK chất lượng cao, tổ chức đấu thầu trọn gói, cả in và phát hành. NXB nào đưa ra giá sách rẻ nhất thì thắng thầu.

Tất nhiên, ở đây còn khâu biên tập nữa. Khâu này rất công phu, Bộ không làm được mà phải giao cho các NXB làm. NXB nào trúng thầu thì phải đảm nhiệm thêm cả khâu biên tập nữa.

Riêng về công đoạn phát hành, cần thiết có những  quy định thật cụ thể. Khi giao sách cho các NXB, nhóm phát hành, phải ràng buộc về địa chỉ, thời điểm, bảo đảm SGK đến tay người tiêu dùng, tránh tình trạng găm sách, gây sốt giả tạo. Xoá bỏ độc quyền nhưng chúng ta không thể làm xáo trộn, khó khăn cho học sinh trong việc mua sách. Đồng thời, chúng ta cũng phải tính đến những tổ chức chuyên chăm lo cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Có thể có nhiều mô hình phát hành khác nhau cho những vùng có điều kiện xã hội khác nhau. Nên cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia phát hành ở thành phố và khu vực đông dân cư. Không nên như hiện nay là chỉ có hệ thống của NXB Giáo dục được coi là “đúng tuyến”, còn ngoài ra là “trái tuyến”. Theo tôi, chống độc quyền SGK cần phải ở cả 3 công đoạn: biên soạn, in ấn, phát hành nhưng khâu phát hành hiện nay thể hiện rõ nhất tính độc quyền.

Tất nhiên, cần xây dựng những quy định thật khoa học, khả thi và có thể lượng hóa được về năng lực, uy tín nhà thầu trong Quy chế đấu thầu xuất bản SGK. Chỉ những người đạt được những những yêu cầu nhất định mới được dự thầu. Bên mời thầu ở đây đương nhiên không phải là NXB Giáo dục nữa mà phải là Bộ GD&ĐT, cần thiết mời thêm một số chuyên gia am hiểu ở những cơ quan khác.

Trong trường hợp Quốc hội không đồng ý với phương án có nhiều bộ SGK thì sao, thưa ông?

Nếu thế, chúng ta vẫn tiến hành đấu thầu để chọn ra 1 bộ SGK chuẩn. Sau đó tiến hành đấu thầu trọn gói. Điều quan trọng nhất và trên hết là lợi ích của người dùng SGK, lợi ích của sự nghiệp giáo dục thế hệ mới cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.