Không tăng học phí mà phải giảm

Không tăng học phí mà phải giảm
TP - Hôm nay, Quốc hội thảo luận đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục-đào tạo, giai đoạn 2009-2014, trong đó có vấn đề tăng học phí của Bộ GD-ĐT trình Quốc hội.

PV báo Tiền Phong trao đổi với GS. Nguyễn Xuân Hãn, người được mời tham gia nhóm nghiên cứu độc lập về vấn đề này.

GS có nhận xét gì về việc tăng học phí ?

Không tăng học phí mà phải giảm ảnh 1
Sinh viên làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.  Ảnh: Phạm Yên

NXH: Thời điểm  đặt vấn đề  tăng học phí là không thích hợp, việc minh bạch thu chi trong giáo dục nước ta đang là thách thức lớn.

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, ngay các đại học kếch sù của Mỹ giảm tới 50 phần trăm học phí, kích cầu ở nhiều nước là tăng đầu tư cho giáo dục, còn nước ta lại đặt vấn đề tăng học phí, e rằng khó có sự đồng thuận.    

Đầu tư của Nhà nước và đóng góp của dân ngày càng tăng:  Năm 1990, ta có 12 triệu HS&SV, GDP  lúc đó chỉ đạt 6-7 tỷ USD, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỷ đồng (tức hơn 120 triệu USD theo tỷ giá lúc đó).

Đến năm 2008, có 22 triệu HS&SV, GDP vào khoảng 86 tỷ USD và ngân sách chi cho giáo dục đạt 81 nghìn tỷ đồng (hơn 4,7 tỷ USD, tức gấp 40 lần so với năm 1990, số lượng HS&SV tăng chưa đến hai lần), thu nhập đầu người chỉ tăng khoảng ba lần.

Dự kiến đến 2010, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục sẽ là 20 phần trăm. Nhưng dự kiến này đã thực hiện trước ba năm. Năm 2007, chúng ta đã chi 20% NSNN. Mức đóng góp của dân vào tổng kinh phí cho giáo dục, ở các nước cao nhất  20 phần trăm, còn ở nước ta khoảng 50 phần trăm.

Nếu tính theo GDP, thì tổng ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta  là 9,2 phần trăm GDP. Trong khi đó,  Mỹ 7,2 phần trăm, Pháp 6,1 phần trăm, Nhật 4,7 phần trăm, Cuba  vẫn giữ nền giáo dục miễn phí.

Những ý kiến trên dựa trên luận cứ nào?

NXH: Sự chênh lệch lớn giữa quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành (khoảng 61,60 phần trăm so với 85 - 90 phần trăm). Riêng năm 2006, số tiền chênh lệch là khoảng 1.060 tỷ đồng (Tiền Phong 20/10/2007). 

Cụ thể, năm 2006 có 876.159 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc hệ thống công lập được trả lương từ ngân sách nhà nước. Khoản dành cho chi thường xuyên của Bộ là 44.957 tỷ đồng. Nếu theo Bộ GD-ĐT , tiền lương chiếm ít nhất 85 phần trăm số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỷ đồng.

Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lý, giáo viên (GV) công lập sẽ là trên 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên lương bình quân mỗi GV hiện nay chỉ khoảng 1,5 triệu/người/tháng.

Vậy, số tiền hơn  hai triệu còn lại đáng lý phải thuộc về GV thì đi đâu? Nếu số tiền này được trả đủ, đúng cho GV thì không cần tăng học phí. Phân tích tài chính của hai  ĐHQG Hà Nội và TPHCM (theo số liệu công bố trên mạng internet), thì thấy lương trung bình cho cán bộ trong trường năm 2008 phải 9 - 12 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Vậy chênh lệch này đi về đâu# (1)?

Tài chính cho giáo dục từ cơ sở đến trung ương là một ẩn số, mà giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Giáo dục cũng từng gọi là “bí mật của các bí mật”.

GS rất trăn trở  về cách tính học phí mới theo đề án?

NXH: Không giống ai,  không khả thi và sẽ dẫn đến bất ổn.

Các nước giải quyết công bằng cơ hội học tập ở bên ngoài ngành giáo dục. Sự chênh lệch giàu nghèo được xử lý bằng các sắc thuế, như thuế thu nhập, thuế đất cát v.v... để tái đầu tư lại cho GD.

Tại Nhật thuế thu nhập chiếm 30 phần trăm số tiền thu ngân sách của Nhà nước. Ngược với tư duy các nước, các cơ sở giáo dục ở nước ta một mặt được giao quyền tự chủ về tài chính, mặt khác lại phải thực hiện xóa đói giảm nghèo. Như thế là không ổn và không công bằng.

Đề án học phí ở bậc phổ thông quy định sáu phần trăm thu nhập gia đình. Nhưng hiện nay mới chỉ tính được thu nhập bình quân của gia đình ở cấp tỉnh, chưa thể tính được cấp huyện cấp xã.

Do đó, không có cơ sở phân biệt đến cấp huyện xã phải đóng thuộc diện nào. Thực tế, theo khảo sát của MTTQ TPHCM, học phí tại các trường công lập ở địa bàn thành phố vênh nhau tới 60 lần.(Báo Lao Động đã đăng)

Ở bậc đại học, học phí được xác định trên cơ sở chia sẻ của Nhà nước với người học.Tiền học phí của các trường  ĐH ở  các nước chỉ chiếm  khoảng 30 phần trăm chi phí hoạt động.

Trường ĐH Harvard vốn tự có 34 tỷ USD, nhưng 70 phần trăm chi phí hoạt động do Nhà nước cấp (một GS Mỹ gửi Thủ tướng Phan Văn Khải ngày 22/7/2005), còn ở nước ta lại khác. Dự kiến học phí tăng  dần để đủ trả lương cho GV  và hoạt động của trường!

Hiện có trường  nói “trường  phải dành 15 phần trăm học phí cho học bổng, 15 phần trăm học phí miễn giảm cho học sinh chính sách, 70 phần trăm học phí còn lại dùng để trả lương “nên quỹ lương bị thâm hụt, như trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, (Vnexpress  25/5/2009).

Trong khi đó, có nơi lại tuyên bố trả lương cho GV giỏi có thể tới 5.000 USD/tháng (gấp 20 lần lương trung bình một GS), như ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội (Pháp Luật TPHCM 28/2/2008). Rõ ràng, đề án học phí mới  là bất ổn và có mâu thuẫn nội tại. 

________

(1)- Cách tính khác: Năm 2008, Nhà nước đầu tư 4,7 tỷ USD, lương toàn ngành khoảng 1,5 tỷ USD (chiếm 30 phần trăm), Ngày  28/10/2008 tại cuộc họp do đ/c Trương Tấn Sang chủ trì tại VP T.Ư Đảng có câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. “Vậy còn  hơn ba tỷ USD đi đâu?”. Rất tiếc, đến nay,  câu hỏi này vẫn chưa được  trả lời.

Còn nữa

Hồ Thu
Thực hiện

MỚI - NÓNG