Không thể giấu danh tính

Không thể giấu danh tính
TP - Một lần nữa, đòi hỏi chính đáng của dư luận về việc phải công khai danh sách những phụ huynh học sinh mua điểm và cả những thí sinh biết mình được nâng khống điểm nhưng vẫn nhập học lại được báo chí đặt ra trong cuộc họp báo của Bộ GD&ĐT sáng qua, 26/3.

Đáng tiếc, sau 2 lần họp báo câu trả lời đến thời điểm này vẫn là cần phải “cân nhắc”, tránh “tổn thương” thí sinh, tức chưa thể công bố.  “Công bố ở thời điểm nào, công bố đến đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, có cân nhắc" - ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nói.

Đến giờ này, rõ ràng danh sách 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm khống đã được Bộ chuyển xuống hai sở GD&ĐT liên quan để xử lý. Thông tin trao đi đổi lại để rà soát, đối chiếu từ hai sở này xuống các trường ĐH có thí sinh “ngồi nhầm chỗ” cũng đã và đang được tiến hành. Bởi vậy, nếu danh sách 108 thí sinh trên không thuộc danh mục tài liệu mật theo quy định của pháp luật, có nhất thiết phải “giấu” công luận kỹ đến thế không ?

Tránh “tổn thương”, “ảnh hưởng cực đoan” đến các thí sinh gian lận (hoặc bị gian lận) là cách hành xử nhân văn nên được cân nhắc. Thế nhưng, thử hỏi ở chiều ngược lại, ai sẽ nhân văn và công bằng với cả triệu thí sinh còn lại trong Kỳ thi THPT QG 2018 vừa qua ? Hơn nữa, ai sẽ là người xoa dịu sự hẫng hụt lẫn tổn thương đối với cả trăm thí sinh bị trượt oan ? Nói họ đã bị “cướp” mất chỗ ngồi trên giảng đường ĐH hằng mơ ước cũng không ngoa.

Chưa hết, với cách xét đỗ - trượt bằng phần mềm tự động với tệp dữ liệu hàng triệu nguyện vọng từ cao xuống thấp như hiện nay, sẽ có rất nhiều thí sinh khác cũng bị trượt oan gián tiếp theo hiệu ứng “domino”. Nhân văn nhưng phải đi liền với kỷ luật mang tính răn đe, làm gương cho các thí sinh khác.

Xin nhấn mạnh rằng, các thí sinh này - giờ thành sinh viên - đã 19 tuổi, họ hoàn toàn là những công dân trưởng thành và phải tự chịu mọi trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Vậy có nhất thiết phải “nâng niu” quá mức số ít các thí sinh gian lận này, trong khi chúng ta lại “quên” mất quyền lợi, sự công bằng, tự trọng và trung thực với các thí sinh khác – Một phẩm chất không thể thiếu trong học hành và thi cử.

Thử hỏi, chúng ta có nhất thiết phải tránh “tổn thương” cho những thí sinh được cộng thêm tới 26-27/30 điểm cho một tổ hợp 3 môn thi ? Liệu có cần “cân nhắc” với những thí sinh được cộng tới 9/10 điểm cho 1 môn thi ? Tôi nghĩ, những thí sinh không có một chữ nào trong đầu này bỗng dưng trở thành Á khoa, thủ khoa cần phải bị bêu tên trước công luận, bởi chính họ và gia đình họ đang góp phần làm đảo lộn mọi giá trị trong xã hội.

Cuối cùng, và cũng là điều mấu chốt, quan trọng nhất : Có cần phải “giấu” danh tính những phụ huynh đi “mua” điểm, bất luận dưới hình thức nào ? Nhất là trong bối cảnh “lò” chống tham nhũng, tiêu cực đang rực lửa, niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước đang lên cao hơn lúc nào hết.

Câu trả lời dứt khoát là không ! Không được và không thể ! Trước sau, những người đi “mua” điểm cho con cháu của họ cũng sẽ bị dư luận và cơ quan chức năng phanh phui.   

MỚI - NÓNG