Khuyến khích ÐH tuyển sinh riêng

Thi THPT quốc gia những năm tới như thế nào, thí sinh, phụ huynh trông chờ vào giải pháp của Bộ GD&ÐT. Ảnh: Như Ý.
Thi THPT quốc gia những năm tới như thế nào, thí sinh, phụ huynh trông chờ vào giải pháp của Bộ GD&ÐT. Ảnh: Như Ý.
TP - Ðến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ÐT vẫn chưa nhận được thêm đề xuất tuyển sinh riêng của trường ÐH nào dù luôn khuyến khích các trường có phương án tuyển sinh riêng.

Trước khi thi “3 chung”, các trường ĐH Việt Nam đều tự tổ chức thi. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ thí sinh phải di chuyển nhiều đợt đến các trường để thi. Không những thế, tình trạng học thêm, tình trạng tiêu cực, tình trạng đề thi không chuẩn năm nào cũng xảy ra. TS. Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, để không quay lại 3 chung, nhưng cũng không có những tiêu cực như hiện nay, ngành giáo dục cần phải có một giải pháp tổng thể. Thứ nhất, đề thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT thực hiện đúng mục tiêu phục vụ tốt nghiệp. Như thế, các trường top cao sẽ khó chọn được thí sinh theo yêu cầu của mình, bắt buộc họ phải có giải pháp đi kèm. Tiêu chí phụ này sau này sẽ thành tiêu chí chính của trường.

Thứ hai, yêu cầu các trường top trên phải tổ chức thi riêng theo nhóm. Ví dụ nhóm trường y phải thi riêng. “Cũng không nên lo xảy ra tiêu cực khi các trường tổ chức thi riêng. Vì chính các trường phải có trách nhiệm với đầu vào của mình. Đây là việc tuyển sinh của các trường, phải để cho các trường chịu trách nhiệm. Không thể để các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm như thời gian vừa qua” - TS. Lê Trường Tùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng hiện nay có rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi chung, các trường tự thi sẽ gây tốn kém cho xã hội, làm khổ người học. Rồi mỗi trường thành một trung tâm dạy thêm, tiêu cực chuyển về các trường. Rất nhiều ý kiến lo ngại. Vì vậy nên không dám tổ chức kỳ thi riêng. Nhưng ông Tùng cho rằng chủ trương đúng là hình thành các tổ chức khảo thí độc lập.

Còn về phía Bộ GD&ĐT, đại diện Vụ Giáo dục ĐH cho rằng Bộ khuyến khích các trường có phương án tuyển sinh riêng. Muốn thế, trường phải có đề án và thuyết trình. Trong đó, các trường phải nêu rõ những vấn đề liên quan đến kỳ thi như tổ chức như thế nào, cam kết ra sao, có tuyển được đúng đối tượng phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình không, có minh bạch không, và làm thế nào để không gian lận... Lúc đó, Bộ GD&ĐT chỉ có nhiệm vụ quản lý và tăng cường công tác thẩm định.

“Nhưng tổ chức một kỳ thi riêng không dễ. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các trường là khâu ra đề. Làm thế nào để thiết kế được hệ thống câu hỏi đánh giá được năng lực của người học, phân loại, lựa chọn được đối tượng thí sinh cần chọn” - vị đại diện vụ Giáo dục ĐH nói.

Vị đại diện này thông tin đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận bất kỳ đề xuất nào của các trường về kỳ thi, hay phương án tuyển sinh riêng.

MỚI - NÓNG